Nằm trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố Cam Ranh giai đoạn 2016-2020, mô hình hỗ trợ sản xuất mới, trong đó có mô hình nuôi dê cho hộ nghèo và cận nghèo đã đem lại hiệu quả tích cực, nhiều hộ dân được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Từ năm 2018 trở về trước, gia đình anh Mấu Lương, ở thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông luôn thuộc danh sách hộ nghèo của xã, thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào rẫy trồng mì, bắp nhưng do đất đồi khô cằn, sản xuất phụ thuộc vào nước trời nên năng suất thấp. Năm 2018, anh được UBND xã hỗ trợ miễn phí cho 3 con dê, sau khi được hỗ trợ, anh Lương đã tập trung chăm sóc và thực hiện nhân giống để tăng đàn. Chỉ sau 2 năm, 3 con dê ban đầu đã sinh sản phát triển lên thành đàn dê 23 con, anh đem bán 10 con (mỗi con có giá thành từ 2,5 đến 3 triệu đồng), từ tiền bán dê anh mua thêm bò để chăn nuôi. Nhờ chịu khó làm ăn, thu nhập của gia đình anh từng bước được cải thiện. Chỉ sau 2 năm tham gia mô hình nuôi dê, gia đình anh Lương đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Anh Lương chia sẻ: “Được xã hỗ trợ 3 con dê thì mình cũng cảm ơn Nhà nước. Từ năm 2018, đến nay 2020 nó sinh sản cũng được và đã bán 10 con rồi nay còn 13 con. Nuôi dê sinh sản cũng được, đều đến mùa mưa hơi khó không rong thả được, mình phải đi chặt lá cho nó ăn. Mùa nắng ngày nào cũng đi thả thì thoải mái, đồng rộng rãi, mùa mưa xuống rồi hết đi thả. Nếu mà nuôi được 4 đến 5 chục con thì còn nhiều tiền hơn nữa”.
Tại thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông, có tổng số 910 hộ dân thì có đến 238 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó đồng bào dân tộc Raglai có 805 hộ/3.482 khẩu, chiếm 22,13% dân số toàn xã, sống rải rác bao quanh triền núi. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, người dân đa số làm nương rẫy, đất sản xuất chủ yếu trên đồi núi, khô cằn, cây trồng chủ yếu là mì, bắp, điều, sản xuất trồng trọt phụ thuộc vào thời tiết tự nhiên,… nên năng xuất cây trồng thấp. Trước tình hình đó, chính quyền thành phố Cam Ranh đã định hướng cho địa phương lựa chọn xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Giai đoạn 2016-2020, xã Cam Phước Đông đã được hỗ trợ mô hình chăn nuôi dê cho 41 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo. Trong tổng số các hộ tham gia thực hiện mô hình, đến nay có 27 hộ đã thoát hộ nghèo xuống hộ cận nghèo, 12 hộ thoát cận nghèo. Số lượng đàn dê từ 200 con đã phát triển lên 338 con, các hộ đã bán dê đực để chi tiêu phục vụ cho gia đình 146 con, hiện nay tổng số đàn dê đang phát triển là 192 con.
Ông Hà Đình Mơ, trưởng thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông cho biết: “Chương trình của tỉnh hỗ trợ nuôi dê, đối với địa bàn thôn Giải Phóng được tiếp cận nguồn vốn này, qua đó số hộ dân được hỗ trợ cũng có trách nhiệm, tâm huyết, nuôi có chiều hướng phát triển. Đối với một số hộ dân qua tiếp cận được mô hình này, họ có điều kiện để vươn lên thoát nghèo, năm 2015 có tới trên 100 hộ nghèo đến nay còn 18 hộ và 18 hộ này thì có một số hộ cũng đã nhận được con giống. Đối với địa hình của địa bàn thôn, nếu thực hiện nuôi dê có thuận lợi, rất tốt vì xung quanh đồi núi, thức ăn của dê phong phú, đầy đủ. Một số hộ không có nhiều đất sản xuất để chăn thả thì họ khoanh vùng nuôi rồi, đi chặt lá rừng từ nơi khác về nuôi để phát triển kinh tế cho gia đình”
Không chỉ ở xã Cam Phước Đông, mà ở xã Cam Thịnh Tây, mô hình nuôi dê cũng đã đem lại hiệu quả cho hộ nghèo, cận nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Điển hình như gia đình anh Cầm Văn Ốt, ở thôn Suối Rua, xã Cam Thịnh Tây, trước đây để có tiền trang trải trong sinh hoạt gia đình, anh phải đi làm thuê vất vả nhưng thu nhập chỉ đủ ăn qua ngày, là một trong những hộ nghèo của thôn. Năm 2018, thực hiện mô hình nuôi dê, sau thời gian phát triển, đến nay đàn dê của anh đã có 13 con. Nhờ có tiền thu nhập từ bán dê, gia đình anh Ốt đã thoát nghèo. Anh Ốt phấn khởi nói: “Được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho vay vốn, tôi đã có tiền mua 3 con dê mẹ, mỗi năm sinh sản 2 lần, mỗi dê mẹ đẻ từ 1 đến 3 dê con,… nhờ có tiền từ nuôi dê và chịu khó làm thêm, nên năm rồi gia đình tôi đã xây dựng được căn nhà cấp 4 kiên cố, giờ không còn là hộ nghèo nữa tôi phấn khởi lắm”.
Cho biết thêm về các chương trình hỗ trợ để giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn xã phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là từ mô hình hỗ trợ sản xuất nuôi dê, bà Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây cho biết: “Hàng năm, UBND xã Cam Thịnh Tây cũng đã hỗ trợ mô hình nuôi dê cho bà con hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiếu số. Từ năm 2016 đến năm 2020, đã hỗ trợ 58 hộ với số tiền 664 triệu đồng. Mô hình nuôi dê tại xã Cam Thịnh Tây được bà con chăm sóc tốt. Đặc điểm của vùng núi đất khô cằn, ở Cam Thịnh Tây một số hộ cũng đã biết chăn nuôi và chăm sóc dê. Từ 3 con dê cái, 1 năm đẻ được 3 lứa đã giúp cho 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững”.
Trong giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố Cam Ranh đã triển khai xây dựng 200 mô hình sản xuất mới (mô hình nuôi dê) cho 160 hộ nghèo và cận nghèo, với tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng. Mô hình nuôi dê đã đem lại hiệu quả tích cực: từ năm 2016 đến nay, tổng đàn dê của hộ tham gia xây dựng mô hình tăng trung bình từ 3 con lên 17 đến 25 con/mô hình. Ước giá trị đàn dê hiện nay từ 45 đến 70 triệu đồng/mô hình so với 10 triệu mô hình ban đầu. Riêng trong năm 2019, ước tổng đàn dê của hộ tham gia xây dựng mô hình tăng trung bình từ 3 con lên 7-11con/mô hình, giá trị từ 17-35 triệu đồng/mô hình so với 10-12 triệu đồng/mô hình ban đầu.

Đánh giá về tình hình thực hiện mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thời gian qua trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Mai Thanh Ngọc, Phó Trưởng Phòng Dân tộc thành phố Cam Ranh cho biết: “Nhờ có sự định hướng ngay từ đầu của lãnh đạo các cấp và các cơ quan chuyên môn và các địa phương, đồng thời có sự thay đổi về việc cho phép lựa chọn xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp, mô hình chăn nuôi dê tại các địa phương hiện nay là mô hình thích hợp nhất đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Cam Ranh. Bên cạnh đó, các hộ đã tích cực áp dụng quy trình vào sản xuất, chăn nuôi nên nhìn chung các mô hình chăn nuôi dê, 03 con dê/mô hình hiện phát triển tốt, đã đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ”.
Từ hiệu quả của mô hình hỗ trợ sản xuất nuôi dê cho thấy sự hỗ trợ thiết thực này sẽ tạo nên đòn bẩy cần thiết, giúp nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
CTV Phan Hương-Đài Cam Ranh