Với nhiều ưu điểm phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cho năng suất chất lượng cao cùng với giá cả ổn định, hiện nay cây mãng cầu ta đang là loại cây trồng được nhiều người dân trên địa bàn xã Cam Thành Nam (Cam Ranh) lựa chọn để đầu tư sản xuất, dần thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Cùng với vận động Nhân dân thực hiện trồng mãng cầu, việc tạo chuỗi liên kết sản xuất mãng cầu bền vững cũng đang được xã chú trọng thực hiện, trước mắt là vận động các hộ thành lập được tổ hội nghề nghiệp trồng mãng cầu,...
Những năm qua, cây mãng cầu ta đang phát triển rộng rãi ở xã Cam Thành Nam, thay thế dần các loại cây trồng kém hiệu quả như: lúa, bắp, mía, xoài,…Với những ưu điểm vượt trội như: dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian sinh trưởng nhanh, diện tích không cần quá lớn, năng suất, chất lượng tương đối cao và đặc biệt là chịu được nắng hạn, giá cả ổn định,… cây mãng cầu đã và đang chiếm ưu thế, được sự lựa chọn của nhiều hộ nông dân.
Ông Phạm Văn Tâm, thôn Quảng Hòa, là một trong những người đi đầu trong việc phát triển mô hình trồng cây mãng cầu tại địa phương, qua hơn 10 năm làm nghề, ông có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây mãng cầu nên vụ nào gia đình ông cũng thu hoạch với sản lượng cao, chỉ cần diện tích 6 sào đất, mỗi năm 2 vụ, cho thu hoạch từ 4- 5 tấn/vụ, với thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Ông cho biết: “Tôi thấy cây mãng cầu phát triển thuận lợi hơn mấy cây khác, không gặp rủi ro, dễ đậu trái hơn so với các loại cây kia. Thuận lợi nữa là được hai mùa/năm, nó không có rủi ro như cây xoài, mưa gió thì vẫn còn bông, vẫn đậu quả, cây xoài thì coi như mưa là hư luôn, mất một năm thất thu. Do điều kiện nắng hạn của xã Cam Thành Nam thường hay xảy ra tình trạng thiếu nước nắng hạn, cây mãng cầu này thích hợp với điều kiện chịu nắng chống hạn cho nên hiện nay bà con nông dân đang phát triển cây mãng cầu nhiều…”.
Thấy được lợi thế từ việc trồng cây mãng cầu, anh Lê Văn Quân, hội viên nông dân thôn Quảng Hòa cũng đã nhanh chóng thực hiện chuyển đổi từ trồng xoài sang trồng mãng cầu, ban đầu là 3 sào, hiện nay anh đã mở rộng diện tích lên 6,5 sào. Anh cho biết: "Trồng xoài thì thuốc men nó nhiều hơn, chăm sóc nó khó hơn mình thấy trồng mãng cầu dễ hơn, xoài thì thấy thị trường bán hơi khó, cây mãng cầu dễ tiêu thụ hơn. Hồi lúc đầu thì mình trồng 3 sào, thấy chăm sóc nó cũng dễ hơn nên bây giờ mình mở rộng ra trồng thêm 3,5 sào nữa, còn xoài thì mình thấy nó dễ bị sâu bệnh sâu đục thân cắn chết cây nên ngại không có trồng xoài nữa, giá cũng bấp bênh. Mãng cầu có thể bán ở chợ nhưng xoài rất là khó bán…”.
Theo những người nông dân thì cây mãng cầu ta là loại cây ăn trái rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian sinh trưởng nhanh, chỉ sau 2 năm trồng là cho lứa trái đầu tiên. Theo quy luật tự nhiên cứ vào mùa mưa đến, cây mãng cầu ta tự thay lá, ra bông và kết trái. Mùa thu hoạch chính là tháng 6 và tháng 7 âm lịch hàng năm, ngoài ra còn được thu hoạch thêm một vụ nữa vào tháng 3, 4. Giá cả mãng cầu 10 năm trở lại đây tương đối ổn định, từ 35.000- 50.000 đồng/kg, cây mãng cầu ta còn có thể thu hoạch trái tới 20 năm người dân mới phải trồng lại, đặc biệt, cây mãng cầu cũng là loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện vùng đất Cam Thành Nam,...Với những ưu điểm trên, thời gian qua UBND xã đã vận động người dân chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu, hiện nay, trên địa bàn đã có trên 15 ha mãng cầu, với 10 hộ trồng, cuối năm 2020 sẽ phấn đấu chuyển đổi được thêm 5ha. Với xu hướng diện tích mãng cầu ngày một tăng cao, việc tìm hướng đi, tạo ra chuỗi liên kết để sản xuất cây mãng cầu mang tính bền vững là điều tất yếu, nên làm, đây cũng là mong muốn của nhiều hội viên nông dân.
Ông Tâm cho biết: “Phải cần thiết lập ra một cái tổ để trao đổi kinh nghiệm và tìm đầu ra là cái nhu cầu thiết yếu, đem lại lợi ích nhiều hơn, tại vì nó trao đổi kinh nghiệm trong quá trình làm, thì nó đòi hỏi phải có một cái tổ như vậy để trao đổi với nhau, ổn định cái đầu ra cho sản phẩm của mình nó tốt hơn…”.
Anh Võ Trọng Minh cũng là một trong những hội viên có diện tích trồng mãng cầu lớn và có nhiều kinh nghiệm thì cho hay: "Cây mãng cầu có một cái lợi thế là nó rất ít dùng thuốc bảo vệ thực vật cho nên cái dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi mà mình thu hoạch đạt sạch, mình làm ở đây là sạch rồi nên hướng là phải tìm được cái đầu ra cho nó ổn định tại vì hiện tại với cái lượng nó chưa nhiều, một khi mà nói nhiều lên thì mình cũng không thể nào mà mình tiêu thụ nhỏ lẻ ở tỉnh được cho nên mình cũng phải có cái hướng,…".
Vườn mãng cầu ta
Trước những nhu cầu tất yếu, việc thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng mãng cầu đang được UBND xã Cam Thành Nam chỉ đạo Hội Nông dân tích cực thực hiện. Tổ hội nghề nghiệp sẽ phát huy được nội lực của hội viên, giúp hội viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thống nhất phương án sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, ổn định đầu ra trên thị trường, đây cũng là một trong những tiền đề cho việc thành lập tổ Hợp tác xã, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho nông dân.
Ông Ngô Văn Nhẹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam cho biết: “Trong thời gian qua mặc dù là không nhiều nhưng mà bước đầu cũng có cái dấu hiệu khả quan về tình hình sản xuất của kinh tế tập thể, thì trên cái đà đó hội nông dân đang tiến tới tiến tới thành lập một tổ hội trồng mãng cầu ta, trong năm 2020 này, Hội nông dân đã tập hợp một số hộ trong mãng cầu thành lập cái tổ hội trồng mãng cầu, hồ sơ thì các thành viên đã cũng cố hoàn thiện và sẽ ra mắt trong thời gian tới. Trước mắt, thì mình cũng tuyên truyền cho bà con nắm rõ việc tham gia các tổ hội nghề nghiệp, thành viên được gia nhập vào tổ hội này có những cái hỗ trợ ví dụ như là: về vốn, về chuyển giao khoa học kĩ thuật và những cái mà người nông dân có thể đề suất trực tiếp với hội và hội sẽ có ý kiến trao đổi với lãnh đạo chính quyền cũng như là hội các cấp để kịp thời hỗ trợ cho người nông dân…”.
Có thể nói, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, muốn sản xuất nông nghiệp bền vững thì phải sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu. Do đó từng người dân không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường lớn mà phải liên kết giữa các hộ nông dân lại với nhau, thành lập chi, tổ Hội nghề nghiệp và sau đó liên kết và kết nối với các doanh nghiệp thì mới có thể đủ năng lực đưa sản phẩm của mình trở thành hàng hóa, ra thị trường tiêu thụ và tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã Cam Thành Nam, năm 2019 đã thành lập được hợp tác xã Táo, xây dựng được thương hiệu Táo Cam Thành Nam, hy vọng thời gian tới, xã sẽ tiếp tục ra mắt thành công tổ hội nghề nghiệp trồng mãng cầu, tiến tới thành lập được hợp tác xã, đẩy mạnh giá trị sản phẩm mãng cầu, tạo được thương hiệu mãng cầu Cam Thành Nam như hợp tác xã Táo Cam Thành Nam đã và đang thực hiện./.
Lê Ngân - Đài Cam Ranh