Với những người ưa khám phá, tìm hiểu những nét hoang sơ tự nhiên thì có lẽ câu chuyện về một lão nông người đồng bào Raglay làm kinh tế giỏi từ du lịch sinh thái ở xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cũng khiến nhiều người tò mò và thích thú. Đó là ông Mà Giá A, hay thường được người dân trong vùng gọi là già làng Mà Giá.
Già làng Mà Giá A năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhìn dáng vẻ quê mùa, chất phác, bình dị của một lão nông chi điền ít có ai nghĩ đây là ông chủ của khu du lịch rộng hơn 2ha, có giá trị hàng chục tỷ đồng. Già làng Mà Giá nguyên là Chủ tịch UBND xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh. Kể về ý tưởng thành lập khu du lịch, già làng Mà Giá cho biết: hồi già còn làm chủ tịch, năm nào cứ đến mùa khô là bà con trong xã cũng chật vật vì thiếu nước trồng hoa màu. Năm đó, được tỉnh đầu tư nguồn vốn để kéo nước về cho dân trồng lúa, thấy đầu nguồn suối Lách có nhiều nước, già cùng mấy người dưới tỉnh lên tìm cách kéo nước về ruộng cho dân. Nhà già đông con nên chọn chỗ khó hơn, ngay đầu nguồn dòng suối Lách, nhường chỗ bằng phẳng để bà con trồng lúa, trồng mì, trồng bắp. Khi mấy người bạn lên chơi, thấy dòng suối mát, rợp bóng cây rừng nên bảo già thử dựa vào nét hoang sơ vốn có của vùng đất nơi đây để làm du lịch.
Năm 2004 khi nghỉ hưu, ông quyết định hiện thực hóa ý tưởng đó. Ban đầu, ông và những người con của mình chỉ làm một, hai chòi nhỏ trên các gốc cây, vách đá để làm nơi nghỉ ngơi, vui chơi trong gia đình mình hay cho người khác thuê mướn. Qua thời gian, từ những lời giới thiệu hay mách tai nhau của những người từng ghé chân, điểm du lịch sinh thái của ông được được nhiều người biết đến nên lượng khách đến với khu du lịch ngày càng đông, nhất là vào các dịp lễ hay những ngày cuối tuần. Từ ngôi nhà sàn lợp bằng tre nứa đầu tiên, đến nay, điểm du lịch đã có hơn 40 sạp lớn, nhỏ xuôi theo dòng suối Lách. Tất cả đều do Mà Giá và các con làm bằng tay, nguyên liệu là mây, tre nứa, cây rừng tận dụng, có sức chứa từ 5 đến 30 người/sạp.
Những ngày đầu làm du lịch, già làng Mà Giá không thu tiền vé của mọi người. Khách lui tới có thể thoải mái mang đồ ăn, thức uống vào đây vui chơi. Người thương thì ủng hộ gia chủ ché rượu cần, đồ lưu niệm hay con gà nhà nuôi được, không có cũng chẳng sao. Những năm trở lại đây, để có tiền tu sửa sạp khi khách trong và ngoài tỉnh đến nhiều hơn, già Mà Giá thu mỗi sạp 20 đến 50 nghìn đồng tùy theo đoàn. Số tiền vé thu được, ngoài trả lương cho nhân viên cũng là con cháu trong gia đình mình, già làng Mà Giá lại dành để dựng thêm sạp mới hoặc tái tạo cây rừng...
Không chỉ được biết đến là chủ nhân của khu du lịch sinh thái rộng hơn 2ha, già làng Mà Giá còn được người dân trong vùng biết đến là một trong những đảng viên nhiều tuổi Đảng nhất ở xã, với hơn 50 năm tuổi Đảng. Tuy đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng già làng Mà Giá luôn sống gương mẫu và nhiệt tình giúp đỡ mọi người xung quanh. Già tâm sự: “Hồi trước còn làm chủ tịch xã, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều, cũng đọc qua sách, báo, già đã học sự sẻ chia, giúp đỡ người nghèo khó từ những lời Bác Hồ dạy” nên trong vùng, nhà nào khó khăn, già đứng ra giúp đỡ họ. Thanh niên trong thôn chưa có công việc hoặc không chịu lo lắng chăm chỉ làm ăn, già đến tận từng nhà vận động, hướng dẫn cho họ làm kinh tế. Những năm qua, ghi nhận đóng góp của già làng Mà Giá trong các phong trào ở địa phương, chính quyền các cấp đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho ông và điều đặc biệt hơn nữa, ông đã vinh dự được hai lần đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Hà Nội.
CTV Duy Hải – Ban Tuyên giáo HU Khánh Vĩnh