Trong thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Diên Khánh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ và sự đồng thuận cao của người dân tham gia hưởng ứng tích cực góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh khu vực nông thôn, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Giai đoạn 2020-2025, huyện Diên Khánh tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân.
Những kết quả tích cực
Thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Diên Khánh đã làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn cũng như nâng cao nhận thức của nhân dân. Nếu năm 2011, toàn huyện chỉ có 6/17 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí thì đến năm 2021, Diên Khánh đã xây dựng thành công 13/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 03 xã còn lại đạt từ 12 đến 14 tiêu chí; đặc biệt có 8 xã đạt từ 8 đến 12/12 tiêu chí của xã NTM nâng cao. Trong đó, nổi bật là kinh tế nông nghiệp có chuyển biến tích cực theo hướng cơ cấu lại sản xuất từng bước hình thành khá rõ nét và khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần của phần lớn cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm xuống còn 0,87%, khoảng cách chênh lệch về mọi mặt giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp đáng kể.

Nông dân Diên Khánh thu hoạch lúa 2
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo của nông thôn Diên Khánh đã thay đổi toàn diện, hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, nhất là hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, trường học, trạm y tế, địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao cộng đồng... Huyện đã đầu tư hơn 810 công trình giao thông với 91,71 km đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, đạt tỷ lệ 89%; thực hiện kiên cố hóa hơn 230 công trình kênh mương, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho trên 80% diện tích canh tác. Các trường mầm non, tiểu học và THCS đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Xây mới và sửa chữa 54 nhà văn hóa thôn; 100% xã đều có bưu điện xã có kết nối internet tới địa bàn các thôn; 8 công trình cấp nước sạch sinh hoạt được đầu tư xây dựng, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy chuẩn đạt 100%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước máy/số hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 98%...
Đạt được thành quả trên là do địa phương luôn nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của hệ thống chính trị, giữa các ngành, địa phương, gắn với việc phân công cụ thể và điều hành thực hiện theo quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; đặc biệt là được sự đồng thuận của nhân dân nên đã tập trung được các nguồn lực và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy nội lực trong dân, huyện đã huy động các nguồn lực trên trên 647 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn vốn do nhân dân và doanh nghiệp đóng góp hơn 150 tỷ đồng. Nhờ vào nguồn vốn đầu tư, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, các thiết chế văn hóa… được xây dựng kiên cố, phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, như: Mô hình trồng lúa giống của các hợp tác xã, trồng nấm xã ở Bình Lộc, tổ liên kết trồng cây ăn trái sạch ở xã Diên Thọ… từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể khẳng định, đạt được những kết quả khả quan trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua ở Diên Khánh là có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát các ngành, các địa phương, tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016 - 2020, Huyện đã tổ chức 05 lớp bồi dưỡng, tập huấn với hơn 600 lượt cán bộ cấp huyện và xã; tăng cường công tác tuyên truyền trực quan tại trung tâm các xã; qua đó đã kịp thời thông tin, cập nhật các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh cho cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp xã, thôn, đảm bảo tính thống nhất trong việc triển khai thực hiện.

UBND tỉnh trao chứng nhận đạt Nông thông mới cho xã Bình Lộc vào năm 2020
Ngoài tuyên truyền trực quan bằng pano, sổ tay, Phòng Kinh tế huyện thường xuyên phối hợp cùng với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nông thôn mới thông qua các hình thức như thi tiểu phẩm, thi tìm hiểu về kiến thức… Nội dung tuyên truyền tập trung vào vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong quá trình hiện đại hóa. Qua thực hiện công tác tuyên truyền đã xuất hiện một số đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, sức lan tỏa rộng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các xã cũng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến đến các thành viên, nhân dân về chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát động các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và nhân dân để phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới.
Những giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Để huyện Diên Khánh phấn đấu đến năm 2025 đạt: 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Diên Khánh đạt huyện nông thôn mới, trong thời gian tới huyện Diên Khánh cần tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và sự chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới; Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư, nâng cấp hạ tầng về giao thông, nước sạch nông thôn, cơ sở vật chất giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa, thể dục thể thao; Chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng hiệu quả kinh tế; gắn nông nghiệp với phát triển du lịch; triển khai 5 xã thực hiện sâu rộng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng gia tăng giá trị; Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, tạo nhiều việc làm mới, đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động các nguồn lực xã hội và cân đối đủ nguồn vốn theo từng năm để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phấn đấu đến năm 2023, xã Diên Tân, Diên Đồng và Diên Xuân sẽ đạt nông thôn mới; năm 2024, huyện có 8 xã đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Diên Điền, Diên An, Diên Phước, Diên Lạc, Diên Sơn, Diên Phú, Diên Hòa và Diên Thọ, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là Diên Điền, Diên An và Diên Phước; đồng thời xây dựng huyện Diên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.
CTV Hải Vân, BTG Tỉnh ủy