Với 10 xã nông thôn mới (NTM), huyện Diên Khánh đang dẫn đầu về số lượng xã NTM so với các địa phương khác trong tỉnh Khánh Hòa. Thời gian tới, Diên Khánh tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm các giải pháp, mô hình kinh tế có hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Kết quả bước đầu
Giai đoạn 2011 - 2015, huyện Diên Khánh với xuất phát điểm khá tốt đã có 7 xã cán đích NTM. Từ năm 2016 đến nay, Diên Khánh có thêm 3 xã NTM. Mục tiêu trong năm 2018 sẽ có thêm xã Diên Thạnh; năm 2019, 2020 có thêm Diên Bình, Diên Lộc và Suối Tiên; đến năm 2020, Diên Khánh phấn đấu có 14/17 xã NTM. 3 xã còn lại gồm: Diên Đồng, Diên Xuân và Diên Tân sẽ được tập trung đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025. “Việc bố trí vốn cho chương trình NTM đã được xây dựng trong cả một lộ trình. Vốn tỉnh, huyện, xã đã được đưa vào kế hoạch. Vì thế, tiến độ sẽ được đảm bảo theo kế hoạch”, ông Nguyễn Văn Ghi - Bí thư Huyện ủy Diên Khánh cho biết.
|
Một trong những bài học được rút ra trong giai đoạn này đó là quá trình triển khai đã đảm bảo được tính dân chủ, công khai, minh bạch, nhất là việc huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính để xây dựng NTM. Nhờ đó, Diên Khánh không chỉ tạo được sự đồng lòng, quyết tâm trong nhân dân mà còn khuyến khích người dân tham gia chương trình một cách có hiệu quả bằng các ngày công hoặc hiến đất, tích cực chăm lo phát triển kinh tế…
Theo lãnh đạo huyện Diên Khánh, những năm gần đây, trong số khoảng 4.000ha lúa 2 vụ, Diên Khánh đã xây dựng được khoảng 1.700ha chuyên sản xuất lúa giống có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Bên cạnh đó, mô hình trồng cây măng tây hiện đang được thử nghiệm và bước đầu phát triển tốt. Ngoài ra, Diên Khánh là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi do nằm cạnh TP. Nha Trang, bao quanh địa bàn huyện là Khu công nghiệp Suối Dầu, Cụm công nghiệp Đắc Lộc, Vĩnh Phương (Nha Trang), Cụm công nghiệp Sông Cầu (Khánh Vĩnh) cũng đang thi công… Các khu vực này đã và sẽ thu hút nhiều lao động trên địa bàn huyện và là một kênh quan trọng giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Điều này góp phần giúp cho các tiêu chí quan trọng như: thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm… của 10 xã NTM tính đến hết năm 2017 trên địa bàn huyện được đảm bảo.
Trăn trở mô hình phát triển nông nghiệp
Theo lãnh đạo Huyện ủy Diên Khánh, trong quá trình xây dựng NTM, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Diên Khánh đặc biệt lưu tâm. Trong năm 2016, các mô hình được Nhà nước hỗ trợ như: sản xuất lúa giống, chăn nuôi bò, gà với mức hỗ trợ gần 2,8 tỷ đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận. Năm 2017, thực hiện kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, đã có gần 12.000 hộ, chủ trang trại và 10 hợp tác xã tham gia (chủ yếu là sản xuất lúa giống). Trong đó, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình hỗ trợ này là 14,4 tỷ đồng, với tỷ lệ Nhà nước khoảng 50%, phần còn lại là vốn đóng góp của nhân dân. Theo đánh giá của Huyện ủy Diên Khánh, chương trình này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các hộ nông dân không chỉ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn tạo ra được mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Tuy vậy, hoạt động sản xuất lúa giống mới chỉ cải thiện thu nhập cho người dân khoảng 20% so với lúa thường. Vì thế, huyện đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ này thông qua việc áp dụng hàng loạt giải pháp đồng bộ như: cải tiến giống lúa, đổi mới hình thức gieo sạ tiết kiệm giống, cải thiện đồng ruộng để áp dụng tối đa máy móc, giảm thiểu thiệt hại sau thu hoạch... Trăn trở lớn nhất của lãnh đạo huyện là tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm và áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả hơn. Để giải quyết vấn đề này, một trong những giải pháp được Huyện ủy, UBND huyện Diên Khánh đặt ra đó là tập trung vào những diện tích thuận lợi, chuyên sâu hơn về lúa giống. Song song đó, ở những diện tích lúa 1 vụ, nhỏ lẻ, không mang tính chuyên canh cao sẽ được chuyển sang trồng rau màu, cây ăn quả, cây cảnh, hoa, trồng dâu nuôi tằm… để phục vụ chủ yếu cho thị trường Nha Trang. Ngoài ra, Diên Khánh cũng đang định hướng phát triển những ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nhằm phục vụ thị trường Nha Trang, đồng thời cải tiến một số ngành nghề tại địa phương như: đúc đồng, bún bánh… đáp ứng hơn nữa đòi hỏi của thị trường và đảm bảo các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Theo Báo Khánh Hòa