Những năm qua, Hội LHPN xã Diên Tân, huyện Diên Khánh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, luôn được quan tâm bằng nhiều hình thức như: Khai thác các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại, duy trì triển khai các hình thức tiết kiệm, tập huấn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng khởi nghiệp, trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên phụ nữ của địa phương.
Kỹ thuật viên Công ty TNHH Nam Hải hướng dẫn kỹ thuật nghề đan dây nhựa cho các thành viên tham gia mô hình “Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế” và dạy nghề đan dây nhựa tại thôn Đá Mài, Diên Tân
Bên cạnh chú trọng giải pháp hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo phát triển kinh tế. Hội còn hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay cho các ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ như: Nhóm phụ nữ trồng keo; mô hình trồng rau sạch; Câu lạc bộ “Phụ nữ đan ghế nhựa”; cơ sở sản xuất nước yến, tổ hợp tác gạo tươi... Ngoài ra, Hội đã trực tiếp trang bị kiến thức về khởi nghiệp, tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hội viên biết cách làm ăn, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. Hội đã hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trái cây (bưởi, xoài, mít, cam...) của các mô hình phụ nữ khởi nghiệp từ vườn cây ăn quả đến các tiểu thương tại Nha Trang, liên kết với Hội phụ nữ Vĩnh Phước tiêu thu sản phẩm nông sản…
Bà Hồng Thị Thanh Thuý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Diên Tân cho biết: Thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, trên cơ sở chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, chúng tôi đã triển khai sâu rộng nội dung của đề án đến cán bộ HVPN trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Đồng thời, thông qua các nguồn lực như: Ngân sách nhà nước, nguồn lực của hội, của ngân hàng chính sách xã hội, chúng tôi cùng với địa phương tập trung thực hiện nhiều hoạt động để hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, thực hiện mô hình, hỗ trợ vốn vay và giúp chị em tiếp cận và sử dụng vốn hiệu quả. Cùng với đó, Hội tiếp tục khai thác, quản lý tốt các nguồn vốn NHCSXH với dư nợ gần 18 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 375 hộ vay, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10%. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn Ngân hàng NNPTNN, Vốn cùng chị em vượt khó, vốn quay vòng giảm nghèo… đã hỗ trợ hàng ngàn lượt hội viên phụ nữ phát triển kinh doanh và xây dựng ý tưởng thực hiện các sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, như : gạo tươi của Ông Nguyễn Xuân Trường - thôn Láng Nhớt và Nước yến Kainest Khánh Hoà của Công ty TNHH MTV Gold - thôn 5…
Đặc biệt, gần đây nhất, Hội phối hợp thực hiện mô hình “Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế” với 35 thành viên đa số là phụ nữ dân tộc thôn Đá Mài; ban đầu, các thành viên được kỹ thuật viên công ty TNHH Nam Hải hướng dẫn kiến thức cơ bản về đan ghế nhựa, cũng như kỹ thuật, kinh nghiệm trong quá trình đan ghế để hoàn thành sản phẩm. Sau khi học nghề xong, các chị được nhận nguyên vật liệu để đan ghế, sản phẩm hoàn thành sẽ được công ty bao tiêu. Nếu thành thạo, trung bình mỗi ngày sẽ hoàn thành từ 1 đến 2 cái ghế/người, với tiền công trên 30 ngàn đồng/ghế, mỗi lao động kiếm thu nhập từ 1,5 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Bích Kiều, Chủ nhiệm mô hình cho biết: "Trước đây, chị em không biết làm gì để có thu nhập, lo cho con em học tập. Bây giờ, với nhiều cách khác nhau chị em đã đoàn kết, đồng lòng giúp đỡ nhau. Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn chị em xây dựng các mô hình chăn nuôi, giới thiệu và bán sản phẩm. Hiện tại chúng tôi đã xây dựng mô hình đan ghế nhựa, các chị cùng đã dần thông thao và đã cho ra các sản phẩm đạt chất lượng.
Phát huy hiệu quả các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp, Hội LHPN xã Diên Tân còn tăng cường vận động chị em tham gia các lớp đào tạo nghề do Trung tâm khuyến nông huyện, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn giúp các hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, hỗ trợ hội viên khó khăn phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức như: “Trao phương tiện sinh kế”, thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác, để chia sẻ kinh nghiệp giúp nhau về đầu ra sản phẩm tăng giá trị sản phẩm, từ đó tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và có điều kiện hoàn vốn cho Ngân hàng khi đáo hạn.
Bà Hồng Thị Thanh Thuý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết thêm: Thông qua chương trình dạy nghề, chúng tôi muốn tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp cho hội viên phụ nữ xây dựng ý tưởng và khát vọng vươn lên nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, các chị em được đào tạo nghề, có việc làm tại chỗ; từ đó chủ động, tích cực lao động sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những kết quả này đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thành các chỉ tiêu của Đề án 939 đề ra, ngày càng có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, hiệu quả của chị em phụ nữ thực hiện Khởi nghiệp theo tinh thần Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2027; phụ nữ trên địa bàn xã Diên Tân được nâng cao nhận thức, kỹ năng về khởi nghiệp, tự tin khẳng định vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội, tích cực tham gia thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo của địa phương.
Thanh Bình - Hội LHPN huyện Diên Khánh