Những ngày ngược lên vùng cao Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, chúng tôi được dịp trò chuyện với những triệu phú người Raglai; làm việc với chính quyền cơ sở, mới vỡ ra được muốn thúc đẩy đời sống, tăng thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm của cả chính quyền lẫn người dân.
Những triệu phú người Raglai
Những ngày qua, mưa gió liên tục nên ông Cao Đảm ở Xóm Cỏ (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) tất bật thuê mướn người chằng néo an toàn cho hơn 2ha sầu riêng trong vườn nhà. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Đảm nhớ lại: “Cách đây chừng 16-17 năm, gia đình tôi chỉ trồng mì, bắp; quẩn quanh lo cái ăn, cái mặc chưa đủ, không thoát được nghèo. Cuộc sống của gia đình bắt đầu thay đổi khi cây sầu riêng bén rễ ở Xóm Cỏ này. Tôi tham gia tập huấn, học hỏi kinh nghiệm, rồi mạnh dạn đăng ký trồng thử. Hiện nay, gia đình tôi đã gầy dựng được vườn sầu riêng hơn 2ha, mỗi năm thu không dưới 500 triệu đồng”.
|
Đến xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, hỏi thăm chuyện ĐBDTTS biết cách làm ăn, đời sống khá giả, chúng tôi được nhiều cao niên giới thiệu đến nhà anh Mấu Văn Đức (thôn Nước Nhĩ). Theo giới thiệu của người làng, Mấu Văn Đức là người trẻ tuổi, chịu khó làm ăn, trồng keo, trồng bưởi mà xây được nhà to. Bên ly trà mời khách, anh Đức tâm sự: “Trước đây, vợ chồng mình nghèo lắm. Để có cái ăn, cái mặc, vợ chồng lúc làm công nhân trong Khu Công nghiệp Suối Dầu, khi làm công cho các nhà vườn trồng bưởi ở Khánh Vĩnh. Biết Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng cây giống cho người dân xã Khánh Phú, mình đã đăng ký và được hỗ trợ trồng 150 gốc bưởi da xanh trên diện tích 0,6ha. Từng làm công, chăm sóc bưởi ở các nhà vườn, rồi tham gia các lớp tập huấn, mình đã học được kiến thức để chăm cây phát triển tốt. Đến nay, bưởi đã cho thu hoạch. Ngoài bưởi, nhà mình còn có 1,5ha keo, rồi chăn nuôi bò, heo nữa, tính ra mỗi năm cũng thu được hơn 200 triệu đồng. Mình tính mỗi năm mua thêm ít giống bưởi nữa để chuyển dần từ keo sang bưởi rồi đầu tư thêm đường ống tưới tiết kiệm nước trong vườn”.
Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn hộ ĐBDTTS ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các địa phương khác trong tỉnh nhận được sự hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và miền núi, phát triển kinh tế gia đình. Ở các địa phương miền núi trong tỉnh, ngày càng có nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều triệu phú là người ĐBDTTS; nhiều hộ xây được nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, có hộ còn xây được nhà lầu, mua được xe ô tô... “Đầu tư trồng cây ăn quả đang là “chìa khóa” để xóa nghèo, giúp các hộ ĐBDTTS vươn lên xây dựng cuộc sống khá giả ở các địa phương miền núi hiện nay”, ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ.
Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị ở cơ sở
Tìm hiểu “công thức” chung của hộ ĐBDTTS đã thoát nghèo bền vững đa phần là: “hộ có đất sản xuất, được Nhà nước hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật để phát triển mô hình sản xuất, biết học hỏi, tu chí làm ăn...”, chúng tôi nhận ra, trong “cơn sốt” đất lập vườn, mua bán đất rẫy đang diễn ra ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh hiện nay, nếu ĐBDTTS không giữ được đất, bán đi tư liệu sản xuất của mình thì bài toán xóa nghèo ở vùng cao sẽ nan giải. Cũng vì lẽ ấy, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn trăn trở: “Hiện nay, ở các địa phương miền núi, “cuộc chiến” giữ đất cho ĐBDTTS rất cam go. Nếu không giữ được đất thì ĐBDTTS sẽ còn nghèo. Để người dân mãi không thoát được cảnh nghèo là cán bộ có lỗi với dân. Vì vậy, Huyện ủy đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải vào cuộc tích cực, trách nhiệm trong “cuộc chiến” giữ đất cho ĐBDTTS”.
Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương của huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, chúng tôi nhận thấy ở nơi nào chính quyền cơ sở thực sự vào cuộc, cán bộ tâm huyết với câu chuyện xóa nghèo cho ĐBDTTS thì nơi đó đời sống kinh tế của người dân mới thực sự được nâng cao. “Sầu riêng là cây khó trồng. Vì vậy, để các hộ dân nắm bắt được kỹ thuật, thay vì mời các hộ lên hội trường nghe tập huấn kiến thức, địa phương tổ chức những lớp học trực quan ngay tại vườn, cầm tay, chỉ việc tại chỗ, từ trồng, chăm sóc, thu hoạch... Nhờ cách làm này mà các hộ tham gia đều biết cách chăm sóc cây sầu riêng”, ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn nói. Hay như chuyện lãnh đạo các xã Sơn Bình, Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn)... đi vận động các nhà vườn lớn trên địa bàn nhận những thanh niên người DTTS vào làm việc để vừa có thu nhập, vừa có kinh nghiệm trồng cây, từ đó áp dụng vào vườn cây nhà mình. Một số địa phương ở Khánh Vĩnh phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phụ trách, giúp đỡ từng hộ ĐBDTTS thoát nghèo và xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành trách nhiệm của cán bộ, đảng viên...
Đối lập với đó, còn không ít địa phương máy móc trong triển khai các mô hình sản xuất cho người dân, đơn cử như có địa phương không có diện tích đồng cỏ nhưng lại tiếp nhận, triển khai đến người dân mô hình nuôi bò; lại có địa phương thiếu sâu sát, triển khai mô hình nhưng con giống, cây giống chết từ lâu cũng không hay biết. Rồi chuyện cấp đất sản xuất cho hộ ĐBDTTS nghèo quá xa nơi ở của người dân, dẫn đến tình trạng người dân không thể sản xuất đành bỏ không hoặc cho thuê, bán cho người khác. Thậm chí, có một số Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã ú ớ, lục tìm số liệu trong báo cáo khi chúng tôi hỏi về tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở của ĐBDTTS ở địa phương...
Cần khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi được triển khai, với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng ĐBDTTS, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Cũng chính vì vậy mà ĐBDTTS phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tự mình vươn lên. Ông Mấu Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh chia sẻ: “Hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các hộ ĐBDTTS chưa muốn thoát nghèo do tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Địa phương đang tìm cách thúc đẩy, khơi dậy ý chí quyết tâm thoát nghèo của người dân; nghiên cứu tạo thêm các chính sách khuyến khích các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhất là đối với các xã nghèo, vùng nghèo và hộ nghèo”.
Một người dân ở xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh) cho chúng tôi hay: “Hộ nghèo thì sẽ được Nhà nước xây dựng nhà ở, cấp đất sản xuất, cho cây giống, vay tiền từ ngân hàng chính sách, xã hội, cấp bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, nhận quà dịp lễ, Tết... Mình thoát nghèo, tất cả chế độ này không còn nữa đâu!...”. Rõ ràng, với tâm lý này thì các địa phương sẽ rất khó để giải bài toán giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, toàn tỉnh có 5.979 hộ ĐBDTTS nghèo, chiếm 58,9% số hộ nghèo toàn tỉnh. Bên cạnh tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận ĐBDTTS khiến cho công tác giảm nghèo ở các địa phương gặp khó khăn thì trở ngại trong phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh còn xuất phát từ trình độ phát triển không đồng đều của các DTTS; cơ sở hạ tầng khu vực miền núi còn thiếu, chưa tạo được động lực cho phát triển; nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 49% kế hoạch đề ra nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu thay đổi căn bản diện mạo vùng ĐBDTTS và miền núi. Cùng với đó, trình độ sản xuất của người dân còn thấp, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, việc làm của ĐBDTTS còn nhiều khó khăn... đã tác động lớn đến các vấn đề an sinh, phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi.
Theo https://baokhanhhoa.vn/phong-su/202111/dua-mien-nui-tien-kip-mien-xuoi-ky-2-thay-doi-cach-nghi-cach-lam-8236102/