Lên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) để bán hàng, chuyện tưởng còn xa với nông dân Khánh Hòa, nay đã thành hiện thực ở sàn TMĐT Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Tuy ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng về lâu dài, đây sẽ là kênh quan trọng giúp nông dân kết nối với người tiêu dùng.
Người trẻ truyền cảm hứng
Sáng sớm, nhận thành phẩm xoài sấy muối ớt từ xưởng, đóng gói, dán nhãn xong, ê kíp của anh Đặng Thế Truyền (xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm) bắt đầu chụp hình đưa lên sàn Postmart.vn và mạng xã hội. Đèn studio bật sáng. Anh Nguyễn Thanh Phong xếp từng hộp xoài sấy lên kệ cho đều tăm tắp, rồi lại khéo léo bày biện, cân chỉnh theo hình tháp trên bàn. Anh Nguyễn Thành Hoàng chụp theo từng bố cục, sao cho hình ảnh chi tiết nhất. Anh Truyền cho biết: “Chụp hình studio xong, nhóm còn chụp hình bối cảnh, hình sinh hoạt gắn với sản phẩm, rồi chỉnh sửa trước khi đẩy lên sàn”.
Anh Truyền (ngồi) và anh Phong xử lý hình chụp đặc sản trước khi đưa lên sàn.
2 năm trước, khi dịch Covid-19 xuất hiện, 3 thanh niên ngành công nghệ thông tin, làm bếp từ TP. Hồ Chí Minh trở về quê nhà và chợt nhận ra nông dân Cam Lâm đang chật vật bán nông sản trực tiếp. Xoài tươi ùn ứ, không thể xuất đi Trung Quốc. Bánh tráng xoài, mứt xoài cũng tiêu thụ khó khăn. Câu hỏi “sao không quảng bá đặc sản xoài Cam Lâm” cứ trăn trở trong lòng 3 chàng trai, cho đến khi họ gặp nhau. Bộ ba lập website camlamonline.com, tới từng quán hàng nổi tiếng xin quay phim, chụp hình giới thiệu miễn phí trên website rồi dẫn link tới mạng xã hội để khách xem, liên hệ mua trực tiếp. Ban đầu rất khó khăn bởi đa số chủ hàng đã lớn tuổi, đang bán hàng trực tiếp thuận lợi. Đến khi có dịch, họ mới hiểu giá trị của truyền thông. Con tôm, ổ bánh, củ khoai… đều nhờ giới thiệu trên mạng mà kết nối, tiêu thụ. Khi các chủ hàng đã thuận, nhóm lại tính chuyện quảng bá loại đặc sản có thể mang đi máy bay. Đó là xoài sấy muối ớt. Nhóm tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể giới thiệu đặc sản này ở các hội chợ; đồng thời chỉ ký hợp đồng thu mua với xưởng sản xuất được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc sản xoài sấy muối ớt được quảng bá trên sàn Postmart.vn.
Từ khi có sàn TMĐT Postmart.vn, nhóm có thêm cơ hội tiếp cận thị trường. Sau 2 tuần lên sàn, nhóm chốt đơn được gần 50kg xoài sấy muối ớt. “Chúng tôi đã ký hợp đồng tư vấn pháp lý, thuê thiết kế nhãn, bao bì, nỗ lực chuẩn chỉnh từng khâu để đặc sản đến tay khách hàng ưng ý nhất, qua đó truyền cảm hứng tới nhiều người. Sau này, chúng tôi sẽ mở rộng giới thiệu đặc sản Cam Lâm lên các sàn TMĐT khác”, anh Truyền hào hứng nói.
Còn bỡ ngỡ, khó khăn
Đồng chí Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa) là người đưa trái dừa Vạn Thiện, Ninh Đa lên sàn Postmart.vn không mấy khó khăn và chốt đơn được 10 trái dừa sau nửa tháng đầu. Nhưng cả Tổ hợp tác dừa xiêm Ninh Đa mới có mình ông làm được; 30 thành viên của tổ đều đã hơn 50 tuổi, khó nắm bắt công nghệ. Ông Nguyễn Anh Tư (thôn Vạn Thiện) cho biết: “Tôi đã 60 tuổi, không rành sử dụng điện thoại thông minh; không biết chụp hình, theo dõi, chốt đơn, trả lời khách hàng... nên khó đưa sản phẩm lên sàn”. Theo ông Chính, thao tác đưa sản phẩm lên sàn có nhiều bước, nông dân ít dùng điện thoại thông minh, không rành công nghệ nên tuy hội rất tích cực vận động nhưng người dân còn chưa mấy mặn mà với sàn TMĐT. Tuy nhiên, nhận định đây là xu hướng tất yếu, giúp mở thêm đầu ra cho nông sản nên hội vẫn tiếp tục vận động. Dù vậy, ông Chính cũng còn băn khoăn. Nếu đơn hàng bị trả lại vì có trái hư, làm sao kiểm soát được sự thực? Dừa tươi chỉ sử dụng trong 10 ngày, vận chuyển phải bao gói kín, làm sao để trái dừa không hư trước hạn? Dừa nặng ký có làm tăng cước vận chuyển của người mua?...
Ông Chính đóng thùng dừa trái để chuyển đến khách hàng.
Ông Phan Hữu Thành, chủ đìa nuôi cá mú quy mô 3,5ha ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm) tham gia sàn Postmart.vn hơn nửa tháng chưa chốt được đơn nào. Theo ông, hàng tươi sống cần vận chuyển trong 24 giờ, trong khi thời gian vận chuyển của sàn 3-7 ngày. Hiện tại, ông chuyên bán sỉ, mỗi đợt 0,5- 1 tấn cá (500-1.000 con) nên cũng không hào hứng với việc bán lẻ 1-2 con trên sàn.
Bà Lê Thị Ánh Ngọc - Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh (Bưu điện tỉnh) cho biết, thử thách lớn nhất là giúp nông dân vượt qua rào cản công nghệ. Bưu điện tỉnh đã thực hiện từng bước: Phối hợp đào tạo cho cán bộ hội nông dân cấp huyện; lựa chọn các hộ sản xuất giỏi, điển hình, có khả năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất để hướng dẫn, từ đó lan tỏa cho các hộ trước khi đào tạo ở từng xã, phường, thị trấn. Nhưng một số nông dân vẫn rất khó thao tác trên sàn TMĐT, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Họ có điện thoại thông minh, biết nghe - gọi qua biểu tượng, nhưng không biết chữ nên rất khó đăng ký tài khoản, tạo kho hàng, tạo sản phẩm trên sàn. Hầu hết nhân viên bưu điện phải hỗ trợ tạo tài khoản rồi hướng dẫn sử dụng.
Kiên trì hỗ trợ, tăng cường tuyên truyền
Sàn TMĐT đang mở thêm đầu ra cho nông sản, giúp minh bạch giữa người bán và người mua, giảm bớt khâu trung gian. Tuy nhiên, theo ông Chính, khi tham gia sàn TMĐT, người dân cũng cần tính đến chuyện sơ chế sản phẩm để vận chuyển an toàn hơn; đồng thời cần có đơn vị chuyên đóng gói sản phẩm. Ông Thành đề xuất nên thiết kế thêm một sàn giao dịch nhỏ dành cho người bán sỉ, bán hàng tươi sống với cách bảo quản, vận chuyển riêng.
Theo bà Ngọc, để đưa được sản phẩm lên sàn, nông dân phải cung cấp các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP…, hoặc được hội nông dân địa phương giới thiệu. Bưu điện tỉnh cũng chú trọng đào tạo khâu gói bọc để đảm bảo giữ chất lượng sản phẩm trong khi vận chuyển. Việc đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm cũng phải được quan tâm.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cho biết, cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trên toàn cầu. Bên cạnh nâng cao chất lượng nông sản, nông dân cũng cần biết sử dụng công nghệ để đưa nông sản lên sàn TMĐT. Các cấp hội nông dân và bưu điện đang tăng cường tuyên truyền, phối hợp hướng dẫn nông dân chú trọng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng; đồng thời biết sử dụng thiết bị công nghệ để làm chủ hình thức bán hàng trực tuyến.
Đồng chí Ung Thị Vân - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn đưa nông sản lên sàn Postmart.vn nhằm hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản; đồng thời cung cấp các thông tin hữu ích về thị trường, dự báo nhu cầu, năng lực sản xuất, thời tiết, mùa vụ...; lựa chọn giới thiệu trên sàn các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp có thương hiệu, uy tín, chất lượng, giá cả phù hợp. Bên cạnh đó, giúp hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ra đời năm 2019, giúp quảng bá trực tiếp nông sản; hỗ trợ quản lý đơn hàng, tiếp nhận vận chuyển, phát đơn hàng, thu hộ tiền thanh toán. Các khâu bán hàng đều được bưu điện thực hiện khép kín. Đến nay, Bưu điện tỉnh đã đăng ký tài khoản mua, bán hàng trên sàn Postmart.vn cho 1.198 hộ; phối hợp tổ chức 20 lớp tập huấn cho cán bộ hội và đại diện hộ nông dân tại 8 địa phương cấp huyện. Năm 2021 và đầu năm 2022, có gần 40 tấn vải thiều Bắc Giang, gần 20 tấn nhãn Đồng Tháp, gần 1 tấn sầu riêng Khánh Sơn, hơn 2 tấn bưởi Khánh Vĩnh, 700kg xoài Úc Cam Lâm được tiêu thụ qua sàn. Tính đến ngày 20-4, có 20 sản phẩm được đưa lên sàn Postmart.vn. Theo kế hoạch, năm nay, Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp đưa 48.315 hộ sản xuất nông nghiệp (100%) lên sàn.
|
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202205/dua-nong-san-len-san-8251136/