Ngoài những chính sách chung của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, tỉnh còn huy động các cơ quan, đơn vị, tổ chức… chung tay giúp đỡ hộ nghèo. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia khó khăn, với mong muốn không có ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng chí Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bàn giao nhà mới cho các hộ ở xã Khánh Bình.
Cuộc vận động nhiều ý nghĩa
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà chị Cao Thị Ngọc Thu và anh Lê Văn Anh (thôn Bến Khế, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh). Chị Thu kể, gia đình bố mẹ đông con, vợ chồng chị ra ở riêng khi mới cưới nhau và chỉ đủ tiền dựng căn nhà tre, mái lá để ở. Trong khi đó, công việc làm thuê của chồng thất thường, chỉ đủ lo ăn qua ngày, cuộc sống càng chật vật hơn khi vợ chồng chị sinh 2 con. Thấy hoàn cảnh khó khăn của chị, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tỉnh đã hỗ trợ 50 triệu đồng xây cho gia đình chị ngôi nhà mới rộng 60m2, tường gạch, mái tôn, nền lát gạch men. Ngôi nhà là niềm mơ ước, cũng là động lực để vợ chồng chị vươn lên, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Điều đáng mừng, gia đình chị Thu cũng vừa được địa phương giao cho hơn 1ha đất rẫy; được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng để đầu tư trồng keo và mua 1 con bò giống về nuôi. Anh Văn Anh - chồng chị Thu nói: “Có nhà cửa ổn định, bây giờ, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn để sớm thoát nghèo. Ngoài trồng keo, nuôi bò, tới đây, tôi sẽ đầu tư trồng bưởi da xanh và nuôi gà thả vườn”…
Niềm vui của gia đình chị Thu cũng là niềm vui chung của hàng nghìn trường hợp được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tỉnh tiếp sức. Ra đời từ năm 2017, cuộc vận động đã thu hút đông đảo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ kinh phí để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Theo đồng chí Lê Văn Hoa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, trước khi hỗ trợ, hội cùng các địa phương đến từng hộ để thẩm định từng trường hợp. Từ nguồn hỗ trợ của cuộc vận động đã và đang tiếp thêm động lực để nhiều hộ nghèo nỗ lực vươn lên làm ăn.
Chung tay giúp đỡ hộ nghèo
Để giúp các hộ nghèo, từ năm 2016, UBND tỉnh đã phân công 190 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ 36 xã khó khăn. Tùy theo điều kiện thực tế ở mỗi xã, các đơn vị triển khai những hạng mục hỗ trợ khác nhau. Trong đó, chú trọng hỗ trợ sinh kế, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho hộ nghèo. Trung bình mỗi năm, các đơn vị huy động được hơn 10 tỷ đồng để trợ giúp người dân các xã khó khăn. Thay vì hỗ trợ vật phẩm trực tiếp như nhiều năm về trước, các đơn vị đã chuyển sang hỗ trợ theo hướng trao “cần câu” cho hộ nghèo. Cách làm này đã tạo việc làm, thu nhập lâu dài, góp phần làm thay đổi suy nghĩ, không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ.
Lãnh đạo Báo Khánh Hòa trao hỗ trợ cho người dân xã Suối Cát (huyện Cam Lâm).
Tiêu biểu như: Năm 2018, gia đình bà Nông Thị Đào và ông Pi Năng Huỳnh (thôn A Xay, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) được các đơn vị do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm nhóm trưởng hỗ trợ hơn 30 triệu đồng trồng hơn 50 cây bưởi da xanh. Trước khi trồng, bà Đào được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, cây bưởi được chăm sóc phát triển mạnh, đến nay đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, bà còn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng đầu tư nuôi heo đen, gà thả vườn. Từ sự hỗ trợ nói trên, cùng cách làm hiệu quả đã giúp gia đình bà Đào thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Đến nay, các đơn vị giúp đỡ xã Khánh Nam đã hỗ trợ 40 mô hình trồng hơn 4ha bưởi da xanh cho hộ nghèo...
Đặc biệt, trong lúc khó khăn do dịch Covid-19, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra kêu gọi chung tay hỗ trợ cho hàng nghìn người nghèo. Trong đó, Báo Khánh Hòa kêu gọi một số doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ hơn 7 tấn gạo với trị giá hơn 80 triệu đồng, hơn 3.650 suất quà trị giá hơn 1,4 tỷ đồng, trực tiếp trao cho người nghèo và lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh. Trong năm 2020, nhóm các đơn vị do Báo Khánh Hòa làm trưởng nhóm đã trao 200 phần quà với tổng trị giá 74 triệu đồng cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn xã Suối Cát; vận động xây 1 căn nhà tình nghĩa (hơn 80 triệu đồng). Ngoài ra, thông qua Hộp thư từ thiện, Báo Khánh Hòa đã trao 377 triệu đồng cho 8 trường hợp bệnh tật hiểm nghèo, gia cảnh khó khăn. Trong đợt dịch Covid-19, Báo Khánh Hòa vận động 25 tấn gạo để hỗ trợ người nghèo tại các địa phương trong tỉnh; tặng vật tư, thiết bị phòng, chống dịch với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Báo cũng vận động 870 triệu đồng, 5.000 cuốn vở, trao trực tiếp cho đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiên tai. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Báo Khánh Hòa kịp thời kêu gọi một số doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ được gần 8 tấn gạo, gần 500 chai nước sát khuẩn, hơn 3.650 suất quà và nhiều nhu yếu phẩm với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng trực tiếp trao cho người nghèo và lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh.
Hay ông Cao Quang Hải, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa) đã trích 5 tháng lương, với số tiền 18 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo và công tác phòng, chống dịch của địa phương. Gia đình bà Lý Minh Trân (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) ủng hộ 6 chỉ vàng (tương đương 30 triệu đồng) mà bà tích cóp nhiều năm qua cho địa phương để giúp đỡ hộ nghèo trong khu phong tỏa và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, “Gian hàng 0 đồng” của lực lượng quân đội đã giúp đỡ hàng nghìn hộ khó khăn… Những việc làm ý nghĩa ấy đã và đang góp phần lan tỏa yêu thương, nhân rộng lòng nhân ái trong cộng đồng, nhằm không để một ai bị bỏ lại phía sau.
Vẫn còn những khó khăn
Đồng chí Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, công tác giảm nghèo hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Điều đáng nói, nhận thức của một số địa phương về giảm nghèo đa chiều còn chưa rõ, dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Nhất là từ năm 2022, tiêu chí giảm nghèo đa chiều sẽ có nhiều thay đổi nâng cao, nếu không kịp thời nắm bắt thì rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa phấn đấu vươn lên, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, tác động của dịch Covid-19 đã kéo theo những hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo rơi vào khó khăn, nhất là việc làm bị hạn chế, thu nhập giảm sâu, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giảm giá…; trong khi đó, giá cả thị trường ngày một tăng, chi phí đầu tư lớn. Đó là những tác động dẫn đến tình trạng tái nghèo.
Những thách thức đó đòi hỏi công tác giảm nghèo những năm tới phải có giải pháp đột phá, nhất là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự chung sức của nhân dân; kết hợp chặt chẽ chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, đa dạng hóa nguồn vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân và hộ nghèo về công tác giảm nghèo để thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của hộ nghèo. Ngoài ra, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, sự giúp sức từ các nguồn lực; tiếp tục nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế cho hộ nghèo…
Năm 2020, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tỉnh đã tiếp nhận hơn 9,5 tỷ đồng. Từ số tiền này, đã trích hỗ trợ xây 80 căn nhà và trao học bổng, sinh kế, chi phí chữa bệnh… cho hàng trăm hộ nghèo. Từ đầu năm 2021 đến nay, cuộc vận động đã tiếp nhận hơn 17,8 tỷ đồng. Qua đó, trích hỗ trợ xây 180 căn nhà và trao học bổng, sinh kế… cho gần 300 địa chỉ nhân đạo.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202108/hieu-qua-cong-tac-giam-ngheo-bai-2-no-luc-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-8224929/