Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững” được Hội Nông dân (HND) các cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa triển khai có hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Nhiều tấm gương sản xuất giỏi
Đồng chí Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch HND tỉnh cho biết, những năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKDG trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất. Thông qua phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân điển hình tiên tiến. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 58.600 hộ nông dân SXKDG các cấp, 38% trong số đó có mức thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên sau khi trừ chi phí.
|
Điển hình như gia đình ông Cao Văn Sang (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) hiện có trang trại sầu riêng rộng hơn 10ha. Ngoài sầu riêng, ông Sang phát triển thêm các loại cây ăn quả như: chuối, quýt, cam, chanh, măng cụt… lấy ngắn nuôi dài. Ông Sang cho biết: “Để có nước tưới cho trang trại rộng lớn, tôi đã kéo nước từ thượng nguồn về và đầu tư thêm công nghệ tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây. Hệ thống nước tự chảy và công nghệ tưới tiết kiệm đã giúp gia đình tôi giảm chi phí sản xuất rất lớn”. Năm 2014, trang trại sầu riêng của ông Sang cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng, đến nay đã cho thu nhập 12 tỷ đồng/năm.
Tương tự, với mô hình trồng mía, chăn nuôi bò thịt và dịch vụ vận tải, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Phan Kiến Nghĩa (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Hiện nay, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động tại địa phương, giúp đỡ 4 hộ nghèo về vốn, cây giống phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình ông Trần Xuân Hoàng (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) từng phải thuê đất trồng mía. Sau đó, ông tích góp dần và mua được đất trồng mía, mì, chuối, ông còn làm thêm dịch vụ thu mua nông sản và vận tải. Hiện nay, gia đình ông Hoàng có gần 20ha đất trồng cây các loại. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên năng suất cây trồng luôn đạt cao. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập 2,4 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, mô hình nuôi bò thịt, gà thương phẩm và dịch vụ tiệc cưới của gia đình bà Nguyễn Thị Én (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) mỗi năm thu lãi khoảng 3 tỷ đồng sau khi trừ chi phí; gia đình ông Lê Văn Nhân (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) với mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc xen canh cây đu đủ và nuôi cá, thu nhập bình quân 3,7 tỷ đồng/năm; gia đình ông Dương Văn Quang (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) với nghề đánh bắt xa bờ, mỗi năm thu nhập 4,8 tỷ đồng…
Động lực giúp nông dân phát triển kinh tế
Để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, HND các cấp đã thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền, đổi thửa, tạo vùng sản xuất tập trung; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; tín chấp cho nông dân vay vốn…
Tính đến nay, các cấp hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng dư nợ các chương trình hơn 933 tỷ đồng, hơn 42.600 hộ vay; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hộ nông dân vay với tổng dư nợ 369 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã cho gần 3.000 hộ nông dân vay với số tiền hơn 56 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ vốn, các cấp hội còn quan tâm đến công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: ứng dụng công nghệ lai ghép giống xoài Úc với xoài canh nông truyền thống, mang lại năng suất cao và đảm bảo chất lượng (huyện Cam Lâm); trồng táo theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh)…
Cùng với đó, hội tăng cường hỗ trợ nông dân trong hoạt động tiêu thụ nông sản. Năm 2017 - 2018, HND tỉnh tổ chức thành công phiên chợ nông sản, giúp nông dân có điều kiện tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức bán hàng, mở rộng kênh phân phối hàng hóa thông qua việc tham gia hội chợ, hội thảo… Hội còn thường xuyên đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay đã có hơn 250 tổ hợp tác SXKD do hội hướng dẫn thành lập và thành lập mới 9 hợp tác xã. Việc đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã đã giúp nông dân cách thức làm ăn mới, phát triển quy mô, đẩy mạnh sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, theo chuỗi giá trị… Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hỗ trợ nông dân đăng ký và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản xoài Cam Lâm, dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang, rau VietGAP Ninh Đông, Đắc Lộc...
“Thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững”, phấn đấu xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Đặc biệt, tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm, giảm nghèo, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn và quá trình xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Trung cho biết.
Theo Báo Khánh Hòa