Bằng sự tìm tòi sáng tạo, chăm chỉ kiên trì, hai học sinh của Trường PTDT Nội trú Cam Ranh đã nghiên cứu sáng tạo ra chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh trên rau xanh từ cây lá lốt. Đây cũng là dự án đã tham gia và vừa dành giải Nhì- giải cao nhất từ trước đến nay của Nhà trường tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023- 2024.
Có mặt tại Trường PTDT Nội trú Cam Ranh, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi được gặp gỡ hai học sinh người dân tộc Raglay: em Mấu Hoàng Nhật My và em Bo Bo Cao Hồng Đăng Khôi là sự nhanh nhẹn, hoạt bát và thông minh. Đây là những tác giả của Dự án “Tạo chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật từ cây lá lốt phòng trừ sâu bệnh hại rau xanh” vừa vượt qua nhiều dự án, xuất sắc đạt giải Nhì trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023- 2024.
Nói về ý tưởng thực hiện dự án, em Mấu Hoàng Nhật My cho biết: “Nhà em hiện nay có trồng rau xanh và sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật hóa học với mục đích là phòng trừ sâu bệnh hại. Em thấy cây lá lốt trong vườn nhà em thì ít bị sâu bệnh tấn công, nên em tò mò và tìm hiểu trên Web thì thấy cây lá lốt có hai hoạt chất chống lại sâu bệnh đó chính là alcanoicl và phenol nên chúng em đã nảy ra ý tưởng là làm chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật từ cây lá lốt…”
Sau khi có ý tưởng, My cùng với bạn Bo Bo Cao Hồng Đăng Khôi dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh đã nghiên cứu tìm tòi ra cách chế tạo chế phẩm để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả trên rau xanh. Theo đó, qua nghiên cứu, các thành phần hoá học của cây lá lốt phù hợp với việc tạo chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật: Hợp chất alcaloid có trong lá lốt là piperin, pipericid có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, chống lại sâu bọ. Dẫn chất phenol có trong lá lốt là propenylphenol có tác dụng ức chế vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh cho cây. Dự án sử dụng hoạt tính sinh học của hai hợp chất alcaloid và phenol có trong lá lốt để làm cho sâu bọ bị ức chế thần kinh, chán ăn, chết dần và kháng lại sự phát triển của vi khuẩn, nấm trên rau xanh, từ đó phòng trừ sâu bệnh hại rau xanh.
Qua rất nhiều quy trình nghiên cứu, thử nghiệm, hai em đã tìm ra quy trình phù hợp để tạo chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật từ cây lá lốt bằng 02 phương pháp: Phương pháp 1: Cho lá lốt, giấm và nước vào máy xay, xay nhuyễn hỗn hợp, lọc lấy phần nước, bỏ phần bã và lấy chế phẩm phun lên rau. Phương pháp 2: Tạo chế phẩm IMO là cắt nhỏ lá lốt, cho lá lốt, IMO và giấm vào thùng chứa, ngâm ủ trong 14 ngày, sau đó phun chế phẩm lên rau. Khi sử dụng, nếu thực hiện phun phòng sâu bệnh thì sẽ lấy 50ml chế phẩm pha với 01 lít nước; nếu phun để diệt trừ sâu bệnh sẽ lấy 100ml chế phẩm pha với 01 lít nước, đều phun trên diện tích 50m2 . Qua thời gian phun thử nghiệm trên rau xanh, kết quả thử nghiệm cho thấy mức độ hiệu quả đạt trên 80%.
Em Bo Bo Cao Hồng Đăng Khôi chia sẻ thêm: “Trong quá trình thực hiện thì chúng em cũng đã từng thất bại nhiều lần vì chưa tìm được liều lượng phù hợp và dẫn đến là cháy lá, xót cây. Sau khi thất bại nhiều lần thì bọn em đã tìm ra được lưu lượng phù hợp cho thuốc và thành công. Nếu như là làm theo phương pháp 1 là lá lốt với dấm thì lá lốt chúng ta lấy 2kg giấm 100ml, với lại nước 1 lít. Còn nếu như làm theo phương pháp 2 thì chúng ta lấy 5kg lá lốt, 200ml giấm và 05 lít IMO…”.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, giáo viên hướng dẫn hai em làm Dự án cho biết: “Hai em Mấu Hoàng Nhật Mi và Bo Bo Cao Hồng Đăng Khôi tiếp thu rất là nhanh, tư duy rất là nhạy bén. Các em rất đam mê sáng tạo khoa học và có ý thức quan tâm sức khỏe cộng đồng. Khi thực hiện dự án, cô trò đã rất là miệt mài, cặm cụi cùng với nhau đi từ các khay rau trồng tại nhà đến các vườn rau trên địa bàn xã Cam Phước Đông để phun chế phẩm và theo dõi. Và ròng rã 06 tháng như vậy, cứ phun xong rồi thất bại, rồi lại phun lại, lại theo dõi lại, cuối cùng thì cũng tìm ra được tỷ lệ chế phẩm phù hợp. Dự án bắt đầu được nghiên cứu từ tháng 7/2022 và đến 8/2023 thì hoàn thành… Kết quả vừa qua hoàn toàn xứng đáng với công sức và trí tuệ mà các em đã đầu tư cho dự án này…”
Theo lãnh đạo Trường PTDT nội trú Cam Ranh, trong các năm học qua hầu hết nhà trường đều có dự án để tham gia cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh. Các dự án cơ bản đều đạt chất lượng tốt, nhiều dự án đạt giải Ba, giải Tư, giải Khuyến khích... Ông Lê Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú Cam Ranh cho biết: “Năm học 2023 - 2024, Trường đã đưa ra dự án “Chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật từ cây lá lốt phòng trừ sâu bệnh hại rau xanh” để đi dự thi cấp tỉnh. Kết quả là đạt giải nhì cấp tỉnh, là kết quả cao nhất từ trước tới nay mà trường tham gia. Dự án này đã mang lại một thành công cho chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật từ cây lá lốt. Nó góp phần giải quyết nỗi lo của người trồng rau xanh về phòng trừ sâu bệnh phá hoại thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường…”.
Hiện nay, nền nông nghiệp nước ta đang đi vào mức độ thâm canh cao nên việc sử dụng thuốc BVTV hóa học với mục đích khai thác tối đa năng suất cây trồng ngày càng nhiều. Điều đó đã làm cho đất thoái hóa vì hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, các chất độc hại tồn dư trong đất gây tích lũy mầm bệnh và ô nhiễm môi trường, gây hại đến sức khỏe người sử dụng. Do vậy, việc sử dụng chế phẩm sinh học BVTV trong trồng trọt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững là hướng đi tất yếu. Cây lá lốt là loài cây phổ biến ở Việt Nam và hầu như không bị các loài sâu bệnh tấn công vì trong cây chứa những hợp chất có khả năng chống lại sâu bệnh hại. Ý tưởng “Chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật từ cây lá lốt phòng trừ sâu bệnh hại rau xanh” bằng cách tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, tạo ra một chế phẩm BVTV hữu cơ thân thiện với môi trường và sức khỏe con người là một trong những ý tưởng rất sáng tạo, lần đầu tiên được nghiên cứu và ứng dụng; có ý nghĩa rất thiết thực đối với việc trồng rau xanh nói riêng và nền nông nghiệp nước ta nói chung, góp phần nâng cao sức khoẻ và chất lượng đời sống của người dân. Ngoài áp dụng trên rau xanh, chế phẩm này cũng có thể nghiên cứu để sử dụng phòng trừ sâu bệnh hại trên các loại cây trồng khác.
Hai em Mấu Hoàng Nhật My và Bo Bo Cao Hồng Đăng Khôi tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2023 - 2024.
Lê Ngân - Đài Cam Ranh