Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Khánh Sơn luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, giúp hội viên, phụ nữ trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” và “Giúp nhau phát triển kinh tế” được các cơ sở hội đặc biệt quan tâm. Theo đó, các cấp hội phụ nữ đã tập trung rà soát, nắm bắt tình hình và nhu cầu của phụ nữ nghèo, cận nghèo để kịp thời giúp đỡ. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở phân công những chị em có điều kiện kinh tế khá giả trực tiếp giúp đỡ các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn bằng các hình thức như: Ủng hộ giống, vật nuôi, ngày công lao động, chuyển giao vật dụng cũ… Với cách làm này, hội đã huy động được 2.573 hội viên tham gia, trực tiếp giúp đỡ 150 chị. Đơn cử như chị Cao Thị Nguyệt (thôn Liên Bình, xã Sơn Bình), hộ gia đình thuộc diện khó khăn tại địa phương. Năm 2018, được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ một con bò sinh sản, chị Nguyệt đã nỗ lực chăm sóc, đồng thời trồng thêm cỏ tạo nguồn thức ăn cho bò. Đến nay, chị đã có đàn bò 7 con, đời sống dần ổn định và vươn lên thoát nghèo.
|
Để có thêm nguồn lực giúp phụ nữ nghèo, Hội LHPN huyện đã thực hiện tín chấp từ các ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Trong năm 2022, tổng vốn ủy thác do hội quản lý gần 113 tỷ đồng, giải quyết cho 2.287 hộ vay vốn phát triển kinh tế. Hội cũng duy trì và quản lý tốt nguồn vốn quay vòng giảm nghèo, với tổng dư nợ 270 triệu đồng/57 hộ vay. Bên cạnh đó, hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, các mô hình phát triển kinh tế cho các hộ. Chị Mấu Thị Mỹ Duyên (xã Sơn Trung) là hội viên điển hình của xã trong việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Giữa năm 2019, chị Duyên được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chăn nuôi heo và buôn bán tạp hóa. Đến nay, gia đình chị đã trả được hết số tiền gốc và lãi vay ngân hàng, cuộc sống ngày càng ổn định, có điều kiện chăm lo cho con ăn học.
Ngoài ra, hội còn đẩy mạnh thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao vai trò, vị thế trong xã hội hiện đại. Trong đó, hội ưu tiên những vấn đề như: Bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; trẻ suy dinh dưỡng, bỏ học; kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, phòng, chống bạo lực… Hội đã thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật với 50 thành viên tại xã Ba Cụm Bắc. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền chuyên đề về tham vấn, hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em.
Đồng chí Cao Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục làm tốt công tác nắm chắc đối tượng phụ nữ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp; vận động hội viên duy trì và nhân rộng các mô hình tiết kiệm tại chi, tổ hội để tạo nguồn vốn tại chỗ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, mua bảo hiểm y tế..., góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên. Đặc biệt, hội sẽ triển khai thực hiện 2 khâu đột phá: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội” và “Đồng hành xây dựng chi, tổ phụ nữ vững mạnh”, thực hiện phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”...
Ngoài thực hiện các phong trào giúp đỡ phụ nữ nghèo, công tác phát triển hội viên và xây dựng tổ chức hội vững mạnh được các cấp hội đặc biệt chú trọng. Năm 2022, hội đã phát triển thêm 200 hội viên, nâng tổng số lên 5.494 hội viên; phát triển được 35 hội viên nòng cốt, nâng tổng số lên 890 hội viên. Các cơ sở hội duy trì các mô hình tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ đặc thù trên địa bàn như: Mô hình câu lạc bộ phụ nữ tôn giáo; phụ nữ dân tộc thiểu số; tổ phụ nữ không hút thuốc lá...
|
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202212/hoi-lien-hiep-phu-nu-huyen-khanh-son-no-luc-nang-cao-doi-song-hoi-vien-8272581/