Khánh Vĩnh với nét đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và đa tôn giáo. Trình độ dân trí, đời sống vật chất tinh thần còn khoảng cách khá lớn so với các địa phương khác trong tỉnh. Những năm qua, bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân thì công tác xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò của già làng, người uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở cơ sở đã được cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc các cấp trong huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.
Hiện nay, lực lượng già làng, người có uy tín ở huyện Khánh Vĩnh có 107 người, bố trí đều ở địa bàn 14 xã, thị trấn, gồm nhiều thành phần dân tộc khác nhau như: Raglay, Trin, Ê đê, Tày, Nùng, Kinh… Trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, già làng, người có uy tín có vị trí, vai trò quan trọng không chỉ đối với gia đình, dòng tộc mà còn ảnh hưởng, tác động, lan tỏa mạnh mẽ tới nhận thức, cách tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ở huyện Khánh Vĩnh, điều cần đề cập đầu tiên là lực lượng già làng, người có uy tín tham gia thực hiện chính sách dân tộc. Đó là giúp cho cấp ủy đảng, chính quyền đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng gồm cả quyền lợi, trách nhiệm; đồng thời tham gia vận động người thân, xóm giềng, cộng đồng thực hiện đúng những quy định, chính sách nói trên. Có thể nói, nhờ tiếng nói của lực lượng già làng, người có uy tín, nhiều chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được triển khai khá hiệu quả, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Không chỉ giúp cấp ủy, chính quyền chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đội ngũ già làng, người có uy tín còn góp tiếng nói quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ các tôn giáo chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về tôn giáo, xây dựng khối đoàn kết lương - giáo, không mắc mưu kẻ xấu, không tham gia các tổ chức tôn giáo lạ, tà đạo, mê tín dị đoan; đồng thời tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào xã hội do Đảng, Nhà nước phát động.
Bên cạnh tham gia vận động cộng đồng thực hiện tốt chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, lực lượng già làng, người có uy tín còn là tai mắt, “cánh tay nối dài” cho chính quyền và ngành chức năng trong công tác bảo vệ rừng, giữ gìn trật tự thôn xóm, phát giác tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội; vận động nhân dân đưa con em mình đến trường đầy đủ, lên đường nhập ngũ thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bài trừ tệ nạn xã hội, đẩy mạnh sản xuất xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là công tác hòa giải ở cơ sở… Thực tế cho thấy, ở huyện Khánh Vĩnh, nhiều trường hợp già làng, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác vận động hòa giải tranh chấp đất đai giữa các hộ đồng bào dân tộc thiểu số với nhau; giữa các hộ dân với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn… Theo đánh giá của các cấp chính quyền và ngành chức năng, hàng năm lực lượng già làng, người có uy tín ở huyện Khánh Vĩnh tham gia hoà giải thành công hàng chục vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở, từ đó đã giải quyết những phát sinh ngay từ địa bàn cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, dân tộc - tôn giáo…
Hội nghị gặp mặt biểu dương các già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện
Không những đi đầu trong công tác vận động quần chúng nhân dân, già làng, người có uy tín còn tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, mong muốn được cống hiến cho gia đình và xã hội, nhiều già làng, người có uy tín là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Một số tấm gương điển hình có thể kể đến như: Già làng Cao Ri Nâng ở xã Khánh Thành. Ông là một trong những già làng tiêu biểu luôn được người dân tin yêu nể trọng và chính quyền tin tưởng, bởi tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn hàng ngày lên rẫy lao động, vừa làm vừa truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu, ông cũng hướng dẫn, chỉ bảo bà con ở địa phương trồng trọt, chăn nuôi, tạo dựng lối sống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, cùng xây dựng gia đình no ấm, buôn làng văn minh, hay như câu chuyện về Già làng Mà Giá làm du lịch ở xã Giang Ly…
Có thể nói, cùng với hệ thống chính trị, đội ngũ già làng, người có uy tín là lực lượng nòng cốt ở cơ sở, có ảnh hưởng lớn trong công tác vận động quần chúng; là cánh tay nối dài, chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động tổ chức cho nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế xã hội miền núi; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xóa bỏ các phong tục lạc hậu; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn khối đại đoàn kết các dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đưa những tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là những kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất có hiệu quả để đội ngũ già làng, người có uy tín được tiếp cận, học hỏi để tổ chức vận động cộng đồng cùng thực hiện. Đồng thời, trang bị một số kỹ năng cần thiết, nắm vững những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho đội ngũ này để họ phản bác lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, gây mất đoàn kết. Từ đó, giúp họ có nhận thức đúng, có đủ thông tin để giúp bà con tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở hàng năm khi xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cần có nội dung bồi dưỡng, tập huấn công tác tuyên truyền vận động cho đội ngũ già làng, người có uy tín để họ có điều kiện được học tập, trao đổi, chia sẻ cách làm hay lẫn nhau để áp dụng tại địa bàn mình. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình người tốt, việc tốt, gương sản xuất giỏi trong nhân dân, nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số… để già làng, người có uy tín thực sự là hạt nhân, chỗ dựa quan trọng trong việc giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra ngay tại cơ sở, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của huyện Khánh Vĩnh giai đoạn hiện nay.
CTV Duy Hải - BTGHU Khánh Vĩnh