Sầu riêng Khánh Sơn đã được khẳng định về chất lượng, uy tín thương hiệu. Thế nhưng, lâu nay, cứ vào vụ thu hoạch, các nhà vườn lại thấp thỏm lo lắng về đầu ra. Việc một số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng Khánh Sơn được cấp mã số để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đang kỳ vọng tiếp tục nâng cao giá trị của thương hiệu sầu riêng của địa phương.
Tín hiệu vui
Với điều kiện, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, huyện Khánh Sơn đã tập trung phát triển nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao. Trong đó, cây sầu riêng đang được nông dân đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ để từng bước hình thành chuỗi liên kết nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, toàn huyện đã phát triển hơn 1.720ha sầu riêng, trong đó có hơn 1.100ha trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm cho sản lượng khoảng 9.000 tấn. Mặc dù chất lượng, uy tín thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được khẳng định, được người tiêu dùng lựa chọn, song cứ vào mỗi vụ thu hoạch, nhà vườn lại thấp thỏm nỗi lo tiêu thụ bởi lâu nay chủ yếu dựa vào thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Nông dân huyện Khánh Sơn chăm sóc sầu riêng.
Để ổn định đầu ra cho sầu riêng, những năm qua, huyện Khánh Sơn đã tổ chức các lễ hội trái cây, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, tìm hướng xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường, trong đó có Trung Quốc. Định hướng tiêu thụ sầu riêng Khánh Sơn theo con đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã có những tín hiệu đầu tiên khi vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố danh sách mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam để được xuất khẩu sang nước này. Trong đó, Khánh Hòa có 3 vùng trồng sầu riêng tại Khánh Sơn được cấp mã số, gồm: Vùng trồng của gia đình ông Nguyễn Hữu Đức ở xã Ba Cụm Bắc (diện tích 22ha, sản lượng dự kiến 18 tấn/ha); vùng trồng của 10 hộ thuộc Tổ hợp tác Trái cây Ba Cụm Bắc (diện tích 36,5ha, sản lượng dự kiến 16 tấn/ha); vùng trồng của 17 hộ thuộc Tổ hợp tác Trái cây Sơn Bình (diện tích 32ha, sản lượng dự kiến 17 tấn/ha). Ngoài ra, Công ty Cổ phần Kho lạnh Biển Sáng (Khu Công nghiệp Suối Dầu) được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng quả tươi sang thị trường Trung Quốc, với công suất dự kiến 100-200 tấn/ngày.
Mở ra cơ hội mới
Ông Lê Anh Quang - Tổ trưởng Tổ hợp tác Trái cây Sơn Bình cho biết: “Việc 3 vùng trồng sầu riêng tại Khánh Sơn và 1 doanh nghiệp chuyên thu mua sầu riêng Khánh Sơn được cấp mã số để xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc là cơ hội để nâng cao giá trị sầu riêng địa phương. Ví dụ như ở Đắk Lắk, trong khi sầu riêng trên thị trường nội địa chỉ có giá 50.000 đồng/kg thì xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có giá lên đến 75.000 đồng/kg”. Theo chia sẻ của ông Quang, để được cấp mã số, phía thị trường nhập khẩu đã kiểm tra chặt chẽ các vấn đề như: Việc ghi chép đầy đủ thông tin từng giai đoạn trong quá trình sản xuất về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát người ra, vào vườn, đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đạt tiêu chuẩn VietGAP… Sau khi được cấp mã số, việc duy trì, quản lý mã số cũng được giám sát chặt chẽ.
Người trồng sầu riêng ở Khánh Sơn hy vọng con đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ mang lại thu nhập cao.
Hiện nay, nhiều nhà vườn trên địa bàn Khánh Sơn quan tâm tìm hiểu các quy định, thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tập trung hướng dẫn nông dân về quy định tạm thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về cấp, quản lý mã số vùng trồng; rà soát, kiện toàn, thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác để tiếp tục xây dựng, kiện toàn các tiêu chí đề nghị cấp mã số vùng trồng sầu riêng trên địa bàn.
Theo đồng chí Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, để việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc được thuận lợi, bền vững, giữ được uy tín thương hiệu, các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số phải tuân thủ đúng quy định của Việt Nam cũng như thị trường nhập khẩu. Hàng năm, các cơ sở gửi hồ sơ giám sát duy trì mã số về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 60 ngày để chi cục báo cáo Cục Bảo vệ thực vật. Các cơ sở phải tuân thủ công tác giám sát định kỳ và đột xuất; đảm bảo điều kiện kiểm soát vi sinh vật gây hại ở mức độ thấp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu. Cơ sở đóng gói sầu riêng phải đăng ký tên, chữ ký của cán bộ kỹ thuật, có biên bản kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu. Huyện cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc cấp, quản lý các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202210/khanh-son-co-hoi-xuat-khau-sau-rieng-chinh-ngach-8265050/