Các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã khẳng định được vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Khánh Sơn. Nhằm phát triển ngành Nông nghiệp bền vững, huyện đang định hướng để chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”.
Mũi nhọn kinh tế
Những ngày này, nhiều nhà vườn trên địa bàn xã Sơn Bình tập trung chăm sóc sau thu hoạch đối với cây sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác. Đồng chí Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Trên địa bàn xã có 430ha sầu riêng, trong đó 380ha đã cho thu hoạch; 70ha bưởi da xanh, 5ha quýt đường, 45ha cà phê, 4ha tiêu. Thời gian qua, nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP; toàn xã có 1 hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP và 5 tổ hợp tác trồng sầu riêng, trong đó có 1 tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP. Trong vụ thu hoạch trái cây vừa qua, toàn xã đã cung cấp ra thị trường 2.000 tấn sầu riêng, 50 tấn bưởi da xanh đạt chuẩn. Những năm qua, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã được người dân địa phương chú trọng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống”.
|
Nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện như: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp… cũng đã phát triển nhiều loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 1.908ha sầu riêng, 752ha chuối, 345ha bưởi da xanh, 71ha chôm chôm. Các loại cây ăn quả khác như: măng cụt, mít nghệ, cam, quýt đường, bơ Booth đã phát triển được 455ha; cây mía tím có 236ha. Các loại nông sản của huyện được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Đặc biệt, sầu riêng Khánh Sơn đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, được nông dân sản xuất sạch, áp dụng theo chuẩn VietGAP, một số nhà vườn đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch. Hiện nay, bình quân mỗi héc-ta canh tác của huyện đã đạt thu nhập 47,4 triệu đồng/năm. Nhờ đó, đã mang lại thu nhập khá cao cho người dân địa phương; mở ra cánh cửa thoát nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Định hướng phát triển
Theo đồng chí Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, để tiếp tục phát huy thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã xây dựng đề án chuyển đổi, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. Cùng với đó, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, bền vững; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ một giá trị sang tích hợp nhiều giá trị; chuyển từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra… Ngoài ra, phát triển ngành Nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch tìm hiểu văn hóa - nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại địa phương.
Để thực hiện những định hướng chuyển đổi này, ngành Nông nghiệp địa phương xác định sẽ tập trung hỗ trợ để chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, với mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 888ha cây trồng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là xây dựng các vùng trồng cây ăn quả ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, với tổng diện tích đến năm 2030 đạt 1.860ha.
Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản chủ lực như: Trái cây tươi, mía tím và các sản phẩm chế biến từ trái cây, mía tím. Địa phương sẽ củng cố, phát triển hợp tác xã, tổ liên kết; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông, lâm sản trên địa bàn. Huyện còn chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương theo Chương trình OCOP, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này; từng bước ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Nông nghiệp huyện là đưa thu nhập bình quân/ha đất canh tác đến năm 2025 gấp 1,7 lần so với hiện nay; đến năm 2030, thu nhập bình quân/ha đất canh tác gấp 1,6 lần so với năm 2025.
Dự kiến, vốn đầu tư thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện hơn 90 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp phát triển sản xuất hơn 80 tỷ đồng; hỗ trợ hợp tác, liên kết, tiêu thụ sản phẩm gần 10 tỷ đồng…
|
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202211/khanh-son-nang-cao-gia-tri-gia-tang-cua-nong-san-8269142/