Sản xuất nông nghiệp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện Khánh Vĩnh. Những năm qua, để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp và đời sống của người nông dân, Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, qua đó tạo bước chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Sản phẩm Bưởi da xanh Khánh Vĩnh
Huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội và lợi thế của từng địa phương như: điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Đề án phát triển cây trồng chủ lực giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020; Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, từng bước góp phần làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người nông dân; hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ…
Trên lĩnh vực trồng trọt, với những tiềm năng hiện có, huyện đã định hướng phát triển 8 cây trồng chính là: "Lúa, Bắp, Mì, Mía, Bưởi da xanh, Sầu riêng, Mít, Xoài", trong đó chú trọng nhất 4 cây trồng chủ lực là: Bưởi da xanh, Sầu riêng, Mít, Xoài và thực hiện một số Đề tài nghiên cứu khoa học về các loại cây trồng như cây chuối xen cây Điều cao sản; trồng thử nghiệm các giống mì mới thay thế giống mì truyền thống hiện nay; Mô hình trồng mới cây Mít nghệ đã tăng năng suất; Dứa Cayen… Nhờ làm tốt công tác định hướng, quy hoạch, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đã góp phần nâng cao giá trị trồng trọt trên đơn vị diện tích từ 20,95 triệu đồng/ha năm 2015 lên gần 30 triệu/ha năm 2020 và xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”.
Mô hình trồng Dưa lưới trong nhà của Công ty TNHH Nông nghiệp thương mại bền vững Diệp Châu ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh
Ngoài ra, để ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, Huyện đã quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, qua đó góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, toàn huyện có 03 Hợp tác xã và 16 Tổ hợp tác. Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hiện nay đã có một số công ty đầu tư trên địa bàn huyện, trong đó đáng chú ý là Công ty TNHH Nông nghiệp thương mại bền vững Diệp Châu, đã đầu tư trồng Dưa lưới và Cà chua tại xã Sông Cầu với quy mô 02ha.
Trong chăn nuôi, bước đầu phát triển mô hình chăn nuôi theo hình thức tập trung, trang trại để thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ; hiện nay trên địa bàn huyện đã phát triển 12 trại nuôi heo tập trung, 01 trại nuôi gà thịt công nghiệp và 01 trang trại nuôi bò công suất 3.000 con. Đa số các trang trại hiện nay đã áp công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi, xử lý chất thải sau chăn nuôi theo hướng sinh học nên đã tạo môi trường sạch và an toàn. Huyện đã thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại 04 xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung và xác định 02 vị trí xây dựng khu giết mổ tập trung tại xã Sông Cầu và xã Khánh Bình.
Riêng đối với nuôi trồng thủy sản, hiện nay có diện tích khoảng 18ha, huyện đã thực hiện quy hoạch nuôi cá nước lạnh tập trung tại 05 xã và đã có 02 doanh nghiệp đầu tư nuôi cá nước lạnh với diện tích 1,6ha tại xã Khánh Phú và xã Sơn Thái. Việc đầu tư và phát triển nuôi cá nước lạnh, sẽ tạo một hướng đi mới về định hướng phát triển ngành thủy sản trên địa bàn huyện.
Có thể nói, thông qua việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện Khánh Vĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Giá trị sản xuất phát triển khá ổn định, bình quân tăng 4,05%/năm; diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực được duy trì ổn định; các mô hình chăn nuôi hộ gia đình, trang trại tăng về số lượng và hiệu quả; hoạt động dịch vụ nông nghiệp phát triển cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất…
Thời gian tới, để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, huyện Khánh Vĩnh tập trung thực hiện một số giải pháp như: đẩy mạnh cơ giới hóa, đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất. Quan tâm đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất để phục vụ sản xuất, vận chuyển nguyên liệu về các nhà máy chế biến. Phát triển hệ thống thủy lợi tưới tiêu chủ động cho vùng cây màu, cây công nghiệp, cây ăn quả. Tăng cường mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, tiếp tục phát triển các tổ liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng nông sản thông qua các kênh thông tin truyền thông, triển lãm, các hội chợ nông sản. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đồng thời chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là chất lượng nguồn giống, công nghệ tự động tưới, công nghệ sau thu hoạch, nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh trên thị trường…
CTV Duy Hải - BTG.HU Khánh Vĩnh