|
Ông Hồ Ngọc Bế - phụ trách vườn ươm Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương cho biết: “Thị trường cây giống lâm nghiệp năm nay khá sôi động, nhu cầu tăng đột biến. Từ đầu vụ trồng rừng đến nay, vườn ươm chúng tôi đã ươm 1 triệu cây giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng của công ty. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cung cấp hơn 150.000 cây keo phục vụ nhu cầu trồng mới rừng của người dân Khánh Vĩnh. Hiện nay, cây làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tại Khánh Vĩnh, hiện có rất ít cơ sở ươm giống, hầu hết keo giống đang cung cấp trên thị trường Khánh Vĩnh hiện nay được các cơ sở kinh doanh nhập về từ các địa phương khác, nhiều nhất là từ tỉnh Đồng Nai”.
Ông Nguyễn Văn Bình kinh doanh keo giống tại thị trấn Khánh Vĩnh cho hay: “Hàng năm, gia đình tôi nhập về khoảng 600.000 cây để bán suốt vụ, nhưng năm nay tôi phải nhập về 4 đợt, số lượng gần 1 triệu cây, đã tiêu thụ hết hơn 90%. Hiện nay, nhu cầu keo giống vẫn rất lớn nên tôi tiếp tục đặt những đợt cây mới từ Đồng Nai. Hơn 10 cơ sở kinh doanh keo giống khác trên địa bàn huyện cũng đang trong tình trạng khan hàng. Để đảm bảo chất lượng, tôi chỉ nhập cây có xác nhận của cơ quan chức năng”.
Năm nay, do Khánh Vĩnh xuất hiện hạn muộn, liên tục nhiều tháng không có mưa nên người dân không trồng rải rác như những năm trước. Khoảng 10 ngày gần đây, trên địa bàn có mưa liên tục nên người dân tập trung trồng rừng, nhu cầu cây giống tăng đột biến. Để đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân, nhiều cơ sở kinh doanh cây giống lâm nghiệp đã mở rộng quy mô, nhập số lượng lớn về bán. Hiện nay, giá keo giống lên khá cao, nếu như đầu vụ ở mức 550 - 600 đồng/cây thì hiện nay đã lên mức 700 - 750 đồng/cây.
Thiếu nhân công
Việc người dân đồng loạt trồng rừng đã dẫn đến thiếu nhân công. Ông Nguyễn Văn Lý đang trồng rừng ở khu vực Thác Bầu (xã Khánh Thượng) cho hay: “Chúng tôi đang triển khai trồng rừng trên diện tích hơn 20ha, cần khoảng 30 người, trồng liên tục trong hơn 1 tuần nhưng đi kiếm khắp các xã Sơn Thái, Giang Ly vẫn không đủ nhân công. Cậy nhờ mãi chúng tôi mới thuê được 10 người dân xã Giang Ly lên Thác Bầu để trồng trước một phần diện tích. Tuy chấp nhận trả giá công cao để sớm hoàn thành việc trồng rừng nhưng chúng tôi vẫn không thuê được người”.
|
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lực - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương chia sẻ: “Năm nay, công ty có kế hoạch trồng mới khoảng 700 - 800ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất; triển khai tại 10 địa điểm. Do khan hiếm nhân công nên chúng tôi phải thuê người trồng từ các huyện khác trong tỉnh, thậm chí từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định. Hiện nay, chúng tôi chỉ mới có khoảng 400 nhân công trồng rừng, chưa đủ nhu cầu. Nhân công khan hiếm đã khiến cho giá nhân công tăng lên, những khu vực gần thì khoảng 170.000 đồng/người/ngày, nơi xa 200.000 đồng/người/ngày, tăng khoảng 30.000 đồng so với năm trước”.
Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Vĩnh, trung bình hàng năm, diện tích trồng mới khoảng 600 - 700ha (chưa tính chủ rừng nhà nước). Do cơn bão số 12 năm 2017 làm nhiều diện tích bị gãy đổ hàng loạt nên năm nay người dân phải tiến hành trồng mới, diện tích trồng mới tăng cao dẫn đến nhân công khan hiếm, nhu cầu cây giống lâm nghiệp cũng tăng cao so với mọi năm.
Theo Báo Khánh Hòa