Sáng tạo là một đặc trưng, phẩm chất quan trọng của con người, là động lực to lớn làm chuyển biến tích cực mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động quân sự. Trong những năm qua, với tinh thần “Tiến quân vào khoa học công nghệ”, phong trào “Sáng tạo trẻ” nói chung và các hoạt động của Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong Quân đội liên tục phát triển, mang lại những công trình thiết thực, đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Quân đội trên các mặt công tác. Tuy nhiên, “đi xin” sản phẩm sáng tạo vẫn là một hiện tượng khá phổ biến ở một số cơ quan, đơn vị trong toàn quân nhất là trên các hội, nhóm trao đổi trên mạng xã hội, đi ngược lại với giá trị cốt lõi của hoạt động sáng tạo của tuổi trẻ Quân đội.
Sức sáng tạo không ngừng của Tuổi trẻ Quân đội
Trước yêu cầu bức thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ tổ quốc; sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến quân sự quốc phòng và yêu cầu của tác chiến trong chiến tranh hiện đại, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Thực hiện tinh thần trên, tuổi trẻ toàn quân đã tích cực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ trong hoạt động quân sự, quốc phòng, cho ra đời nhiều sản phẩm khoa học, có giá trị thực tiễn cao, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng để Đảng, Nhà nước, QUTƯ, BQP có chủ trương, giải pháp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, khẳng định vai trò là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Qua 23 năm tổ chức giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội” lần thứ 23 đã có 6802 đề tài, sáng kiến của hơn 10.000 lượt tác giả, nhóm tác giả tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội; tỷ lệ đoạt giải trên 54%, trong đó có hơn 95% công trình được trao giải đã triển khai ứng dụng vào thực tiễn, nhiều đơn vị 100% công trình ứng dụng đạt hiệu quả cao, nhất là những công trình thuộc các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu, giảng dạy, khám, chữa bệnh, sản xuất, kinh doanh,…
“Đi ngược” với tinh thần sáng tạo
Bên cạnh những kết quả to lớn của phong trào sáng tạo của tuổi trẻ toàn quân, hiệu quả hoạt động ở một số, đơn vị vẫn còn chưa thực sự tốt, thiếu “thực chất”, bệnh “hình thức” dẫn đến tình trạng “chủ trương nhiều, sản phẩm nhiều, hiệu quả thấp”. Nếu như dạo quanh một số hội, nhóm trên mạng xã hội như facebook, zalo trao đổi kinh nghiệm công tác thi thoảng chúng ta sẽ không khó để bắt gặp một số tin nhắn như “Đồng chí nào có sáng kiến, mô hình gì hay về…. cho tôi…xin”, hay “Đơn vị yêu cầu nộp mô hình, sáng kiến huấn luyện. Ai có không giúp mình cho đủ chỉ tiêu được không”,…Thoạt nhìn có thể nghĩ đơn thuần là xin tài liệu tham khảo thôi nhưng là những mô hình, sáng kiến mang tính trí tuệ thì vẫn có thể “xin” sau đó chỉ cần “đổi tên” tác giả thì có thể trở thành sản phẩm của mình hay chăng? Và đó có còn là “sản phẩm sáng tạo”?
Tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng trên ở một số cơ quan, đơn vị, một trong những nguyên nhân mang tính mấu chốt đó là nằm ở quan điểm chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy đơn vị đối với phong trào sáng tạo. Bởi thế mà cứ mỗi năm sắp tới mùa huấn luyện, hay hội thi “sáng kiến, mô hình, học cụ” ở bất kỳ đơn vị nào cũng hướng dẫn, chỉ đạo “100% các đơn vị phải có mô hình, sáng kiến”. Hay trong tổng kết phong trào thi đua Quyết thắng, ngoài những tiêu chuẩn cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ, mỗi cá nhân muốn được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” đó là phải “có đề tài nghiên cứu đã nghiệm thu được áp dụng; ….mang lại hiệu quả cao được thủ trưởng đơn vị từ cấp trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên xem xét, công nhận”. Và thế là nhiều đơn vị cứ phải “loạn” lên để tìm và “xin” cho ra sản phẩm để tham gia để “đủ chỉ tiêu” và “đủ tiêu chuẩn”.
Để cho ra đời một sản phẩm sáng tạo là một quá trình tìm tòi, nghiên cứu, thực hiện trong một thời gian dài, có sản phẩm mất vài tháng nhưng cũng có những sản phẩm mất vài năm, hàng chục năm, đòi hỏi người nghiên cứu phải có sự đam mê, sức sáng tạo đồng thời đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ vào “đứa con tinh thần” của mình. Các đề tài, mô hình, sáng kiến có thể là sản phẩm vừa mang tính kế thừa vừa mang tính phát triển, cho nên việc tham khảo các sản phẩm trước đó là việc cần thiết và khó tránh khỏi tuy nhiên “đi xin” để nghiễm nhiên “báo cáo” là sản phẩm trí tuệ của mình lại đi được với mục đích của phong trào sáng tạo, gây nhiều hệ quả không tốt.
Theo Thượng uý Nguyễn Văn Tĩnh, Trưởng xe Kíp, Đại đội 1, Tiểu đoàn 115 (Trung đoàn 274, Sư đoàn 377): Để phong trào sáng tạo của tuổi trẻ đạt được mục đích, yêu cầu đề ra và phát huy hiệu quả mang lại, ngoài chủ trương đúng, cần kèm theo triển khai nhiều biện pháp phù hợp để tạo động lực, môi trường thuận lợi để sĩ quan trẻ nghiên cứu, sáng tạo.
Nhiều giải pháp tại Sư đoàn Phòng không 377
Sư đoàn Phòng không 377 là đơn vị có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời (SSCĐ, QLVT) các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, nhất là trong tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vùng trời được giao, một trong những biện pháp hàng đầu luôn được Đảng uỷ, chỉ huy Sư đoàn đặc biệt quan tâm đó là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), động viên cán bộ, chiến sĩ nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo các đề tài, sáng kiến để góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, SSCĐ, QLVT được giao.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hàn Anh Truyền, Chính uỷ Sư đoàn 377 chia sẻ: Để phong trào sáng tạo của tuổi trẻ Sư đoàn kịp thời nắm bắt, đáp ứng yêu cầu xây dựng đơn vị “tinh, gọn, mạnh” tiến thẳng lên hiện đại, cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong đơn vị đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định rõ mục tiêu, nội dung phong trào thi đua, xây dựng chương trình hành động sát tình hình, đặc điểm nhiệm vụ..., đồng thời khuyến khích, động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Sáng tạo trẻ”.
Trong một chuyến đi công tác tại Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, chúng tôi được mời tham quan Câu lạc bộ “Sáng tạo trẻ” - một mô hình NCKH của sĩ quan trẻ đã được Trung đoàn 274 nói riêng và các đơn vị của Sư đoàn 377 nói chung ứng dụng hiệu quả trong hơn 5 năm qua. Trong một căn phòng có diện tích khoảng 50 m2 là những dãy bàn được kê ngay ngắn sát tường, được trang bị đầy đủ hệ thống điện, thiết bị chiếu sáng, các dụng cụ kỹ thuật, máy tính,…cùng nhiều mô hình, sáng kiến huấn luyện là sản phẩm sáng tạo của Câu lạc bộ trong những năm qua đang được trưng bày. Tại đây, các thành viên đang trao đổi sôi nổi về một thiết bị mang tên “Thiết bị tắt, mở truyền thanh, tuyên truyền tự động”, sau khi Thượng uý Nguyễn Thịnh Đạt, Trợ lý Kỹ thuật (Ban Kỹ thuật, Trung đoàn 274) trình bày ý tưởng thực hiện về lý thuyết và thực hành, các thành viên khác của câu lạc bộ đã đóng góp ý kiến, đưa ra những giải pháp để “hiện thực hoá” ý tưởng một cách hiệu quả nhất.
Là chủ nhiệm Câu lạc bộ “Sáng tạo trẻ” của Trung đoàn 274, cũng là một cán bộ có niềm đam mê và nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động NCKH, có nhiều đề tài đạt giải cấp Quân chủng, toàn quân, Trung tá Nguyễn Vĩnh Cửu, Chủ nhiệm Kỹ thuật (Ban Kỹ thuật, Trung đoàn 274) cho biết thêm: Hằng năm, các ý tưởng sẽ được Câu lạc bộ đánh giá tính khả thi và đề xuất tham mưu cho Đảng uỷ, chỉ huy đơn vị phương pháp thực hiện phù hợp. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động “Sáng tạo trẻ” trong đơn vị theo hướng “khoa học, tiết kiệm, hiệu quả”, tránh hình thức, lãng phí. Bên cạnh đó, những sản phẩm có giá trị khoa học, giá trị thực tiễn cao sẽ được đầu tư nhân rộng và gửi dự thi cấp Quân chủng, Quân đội.
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và những biện pháp kịp thời, phù hợp, từ năm 2018 đến nay, Sư đoàn 377 đã có hơn 220 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trong đó nhiều đề tài, sáng kiến có chất lượng, hàm lượng khoa học cao, được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, QLVT của đơn vị như Thiết kế thiết bị ghi, phân tích sai số bám sát trắc thủ PC của tổ hợp tên lửa phòng không S-125; Máy sấy silicagel tự động; Phần mềm kiểm tra nhận thức giáo dục chính trị; Phần mềm “Ai giỏi pháp luật”;…

Thủ trưởng Sư đoàn tham quan các mô hình, sáng kiến tại Hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2023.

Thượng uý Nguyễn Thịnh Đạt (bên trái) cùng các thành viên nhóm tác giả hoàn thiện “Thiết bị tắt, mở truyền thanh, tuyên truyền tự động”.

Các thành viên Câu lạc bộ “Sáng tạo trẻ” Trung đoàn 274, Sư đoàn 377 trao đổi, xây dựng phần mềm trên máy tính.

Giờ kiểm tra nhận thức chính trị các đối tượng bằng phần mềm “Kiểm tra nhận thức chính trị”.
Xuân Sang - Sư đoàn 377