Với những kết quả tích cực từ Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, diện mạo khu vực miền núi ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có sự thay đổi, đời sống của các hộ ĐBDTTS từng bước nâng lên.
Kết quả nổi bật
Trở lại Xóm Cỏ (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn), chúng tôi có dịp gặp cựu chiến binh Cao Đảm, người đã từng hoạt động cách mạng, làm liên lạc tại căn cứ địa Xóm Cỏ từ thuở 15 - 16 tuổi. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đảm hân hoan chia sẻ về những đổi thay ở vùng cao Xóm Cỏ hôm nay. “Điều khiến tôi vui mừng nhất là đời sống của ĐBDTTS tại địa phương đã khác xưa nhiều. Điện lưới quốc gia đã đến với 100% hộ dân, đường giao thông đến tận xóm, nước sinh hoạt từ hệ thống tự chảy được đưa đến từng hộ gia đình. Đáng mừng hơn là người dân Xóm Cỏ bây giờ đã biết trồng cây ăn quả, nhất là sầu riêng, bưởi da xanh, nhờ đó nhà nào cũng có của ăn của để. Như gia đình tôi có 3ha đất trồng sầu riêng, bưởi, quýt. Vụ trái cây năm trước, gia đình tôi thu sầu riêng được gần 400 triệu đồng, chưa tính các cây khác”, ông Đảm nói.
|
Để hỗ trợ người dân miền núi, hộ ĐBDTTS, những năm qua, huyện Khánh Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ phát triển sản xuất, cho vay nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… Nhờ đó, diện mạo nông thôn miền núi đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của các hộ ĐBDTTS được cải thiện nhiều. Đầu năm 2020, thu nhập bình quân của ĐBDTTS trên địa bàn huyện đạt 12 triệu đồng/người/năm; 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông; 35% số lao động là người DTTS đã qua đào tạo nghề; 98% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 91,4% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; hơn 90% học sinh người DTTS đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS hàng năm giảm khoảng 9,5%... “Chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ ĐBDTTS đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững KT-XH vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, nhờ đó Khánh Sơn ngày càng có nhiều gương nông dân là ĐBDTTS sản xuất kinh doanh giỏi”, bà Cao Thị Hiền - Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn cho biết.
Diện mạo huyện miền núi Khánh Vĩnh cũng có nhiều thay đổi. Ven những con đường đã được bê tông hóa là những căn nhà mới được xây dựng khang trang sau những vụ mùa bội thu. Kết quả ấy có được một phần đến từ hiệu quả Chương trình Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Khánh Vĩnh, triển khai chương trình từ năm 2016 đến nay, hơn 1.900 lượt ĐBDTTS đã được tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật; 417 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ hơn 4,7 tỷ đồng để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ, giảm nghèo bền vững; 497 hộ nghèo, cận nghèo được vay hơn 13,2 tỷ đồng để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế; hơn 2,5 tỷ đồng đầu tư các công trình nước sinh hoạt để giúp hàng trăm hộ dân có đủ nước hợp vệ sinh; hơn 19 tỷ đồng đầu tư đường vào khu sản xuất cho người dân… Tính đến đầu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của ĐBDTTS đạt 16 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 5%, 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh, 25,8% số lao động qua đào tạo nghề…
Thay đổi tích cực
Đã có nhiều thời gian gắn bó với công tác dân tộc tại địa phương, ông Trần Minh Thuận - Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Vĩnh và bà Cao Thị Hiền đều chung nhận định: Các chính sách hỗ trợ ĐBDTTS và miền núi của tỉnh đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo của các địa phương miền núi, vùng ĐBDTTS. Từ hiệu quả của các chính sách dân tộc, vấn đề dân chủ ở cơ sở được phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, ĐBDTTS tỏ rõ sự tin tưởng, đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, qua 5 năm triển khai Chương trình Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị, cùng với việc phối hợp lồng ghép các nguồn lực đã góp phần thay đổi diện mạo vùng cao trong tỉnh. Nhận thức pháp luật và ý thức của người dân đã có sự chuyển biến tích cực. Song song đó, các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai, phổ biến, nhân rộng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp, như: phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 tại huyện Khánh Sơn; quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm phù hợp điều kiện canh tác ở huyện Khánh Sơn; quy trình thâm canh cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện canh tác (huyện Khánh Sơn); mô hình thâm canh cây keo lai giâm hom để cung cấp nguyên liệu giấy tại Khánh Vĩnh; cây mít nghệ, bưởi da xanh, dứa Cayenne trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh... Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu tại khu vực miền núi, vùng ĐBDTTS được đầu tư đã góp phần hoàn thiện dần các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, so với các vùng đồng bằng trong tỉnh, điều kiện KT-XH của các vùng ĐBDTTS và miền núi vẫn còn khó khăn. Để thu hẹp khoảng cách, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của ĐBDTTS về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác, chính sách dân tộc, tỉnh cần tiếp tục huy động, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển hạ tầng thiết yếu gắn với vùng sản xuất của ĐBDTTS. Bên cạnh lựa chọn và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả phù hợp với năng lực, nhận thức của đồng bào và thế mạnh của địa phương, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cần tạo điều kiện giúp ĐBDTTS tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giảm nghèo bền vững…
Kết quả thực hiện Chương trình Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020: Tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều là 34,63% (giảm 30,13% so với năm 2015); thu nhập bình quân của ĐBDTTS đạt hơn 14 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015. Có 25/48 xã miền núi đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông. Tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 92,4%; có 99,9% hoàn thành chương trình tiểu học; 80,2% người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ. Tỷ lệ hộ ĐBDTTS sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97%; tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90,42%. Tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp trở lên đạt 45,63%. 11/48 xã vùng DTTS và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202004/ky-niem-45-nam-ngay-giai-phong-tinh-khanh-hoa-2-4-1975-2-4-2020-vung-cao-doi-moi-8157336/