Sau 1 năm thực hiện Đề án “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp” của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam, các chi - tổ hội nghề nghiệp ở TP. Nha Trang đã có những bước đi khá vững chắc.
Xây dựng hiệu quả các mô hình điểm
Thực hiện Đề án “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp”, năm 2017, HND TP. Nha Trang đã khảo sát và chọn HND xã Vĩnh Lương và HND phường Vĩnh Nguyên làm điểm xây dựng mô hình tổ hội nghề nghiệp.
|
HND xã Vĩnh Lương đã ra mắt tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả gồm 10 hộ làm vườn rẫy tại khu vực Lỗ Lương với tổng diện tích 49ha, trồng các loại cây ăn quả kết hợp trồng rừng. Sau khi thành lập, các thành viên được đào tạo nghề trồng cây ăn quả, được hỗ trợ 700 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo đất… Theo ông Nguyễn Hữu Thật - Chủ tịch HND xã Vĩnh Lương, ngày càng nhiều nông dân thực hiện mô hình liên kết làm ăn, mạnh dạn đầu tư để phát triển vườn cây ăn quả chuyên canh với một số giống có giá trị kinh tế cao. Trong đó, riêng cây mãng cầu tây hiện phát triển được hơn 10ha và đã cho thu hoạch, có thể cho người trồng thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, hàng chục héc-ta bưởi da xanh, cam, mít, chuối… được trồng cách đây 2 - 3 năm đang phát triển tốt, hứa hẹn mang về thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Mô hình thứ 2 được áp dụng tại phường Vĩnh Nguyên. Theo đó, HND phường thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản với 10 hộ hội viên là thành viên của Tổ hợp tác nuôi cá bớp lồng bè. Quy mô mỗi hộ 1 bè, trung bình mỗi hộ từ 45 đến 120 ô lồng. Sau khi thành lập, các thành viên của tổ được tập huấn khoa học kỹ thuật và nhận được hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 700 triệu đồng.
Theo đánh giá bước đầu của HND TP. Nha Trang, từ chỗ sản xuất, trồng trọt đơn lẻ, 2 tổ hội nghề nghiệp này đã góp phần mở rộng quy mô sản xuất, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đồng thời tiếp cận được quá trình cung ứng vật tư, phân bón, giống… với mức giá cạnh tranh hơn so với đầu tư đơn lẻ. Từ đó nâng cao hiệu quả trồng trọt, nuôi trồng thủy sản so với trước.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch HND TP. Nha Trang, các tổ hội nghề nghiệp đều được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và đảm bảo đạt được tiêu chí 5 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Đặc biệt, các chi - tổ hội đã xây dựng được nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực, trong đó bao gồm việc đi sâu vào trao đổi thông tin liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay… Việc xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đây là một chủ trương thiết thực, phù hợp trong tình hình hiện nay.
Tiếp tục định hướng sản xuất
Đánh giá về những hạn chế, HND TP. Nha Trang cho rằng, các mô hình tổ hội nghề nghiệp có sức lan tỏa, khả năng gắn kết tạo mô hình bền vững để nhân rộng chưa cao. Một số tổ hội nghề nghiệp được thành lập còn mang tính hình thức, việc lựa chọn, định hướng xây dựng mô hình ngành nghề phù hợp còn khó khăn, chưa rõ ràng. Một số cơ sở hội, chính quyền địa phương cơ sở chưa thực sự quan tâm, nhất là việc định hướng cho nông dân phát huy thế mạnh của lĩnh vực sản xuất ưu thế của địa phương để xây dựng các mô hình tổ hội nghề nghiệp. Nguồn vốn cho các mô hình tổ hội nghề nghiệp vay để đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường tuyên truyền về “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp”, HND TP. Nha Trang tiếp tục định hướng các tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ cho đô thị. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cho hội viên các tổ hội nghề nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ. Ở lĩnh vực vốn, bên cạnh nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp tổ hội nghề nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Mặt khác, đẩy mạnh đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xây dựng mô hình, qua đó kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp, hỗ trợ kịp thời; đồng thời biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong triển khai, thực hiện.
Đến nay, toàn thành phố có 27 tổ hội nghề nghiệp với 211 hội viên trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề, dịch vụ, thủy sản... được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tổng cộng hơn 4 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất.
Theo Báo Khánh Hòa