Trong không khí se lạnh của buổi sớm một ngày tháng 12 giáp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi theo chân người dân xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà băng suối, lên đồi để tới nơi gặt lúa rẫy. Sau hơn 30 phút đi bộ vượt qua các con dốc, chúng tôi cũng đến được rẫy lúa của chị Cà Thêm, một người dân tộc Trin, thôn Gia Lố, xã Giang Ly. Tại đây, trước mắt chúng tôi là cả một triền đồi lúa rẫy đã chín vàng hoe, những vạt lúa cao ngang vai nối đuôi nhau trãi dài cả một vùng, đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn.
Đồi lúa rẫy được mùa của chị Cà Thêm
Đối với người dân đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, lúa rẫy từ xa xưa được xem là “hạt ngọc” của trời, gắn liền với đời sống, tâm linh của đồng bào. Không chỉ góp phần đảm bảo lương thực hàng ngày, mà những phong tục văn hoá đặc sắc gắn liền với lúa rẫy vẫn theo họ mãi theo thời gian. Từng hạt cơm lúa rẫy còn nuôi dưỡng tâm hồn, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc nơi đây qua các mùa lễ hội.
Vào tháng 5, tháng 6 âm lịch, khi thời tiết thuận lợi, có mưa và khí hậu mát mẻ, người dân nơi đây đem giống lúa rẫy mà họ đã cất giữ từ mùa vụ trước để cùng nhau lên núi trỉa, sau khoảng 6 - 8 tháng sẽ cho thu hoạch. Từ những hạt giống lúa rẫy được gieo xuống, quá trình sinh trưởng, phát triển của nó đều được người dân mong chờ vào “ông trời” cho mưa thuận, gió hoà để cây lúa phát triển tốt, mùa màng bội thu.
Bà Cà Thêm cho biết, đã bao đời nay gia đình mình và bà con nơi đây vẫn trỉa lúa rẫy bằng cách này, vì nó được ông bà, cha, mẹ truyền lại khi mỗi lần lên rẫy trỉa lúa. Và cứ thế từ đời này đến đời sau vẫn vậy, con cháu giữ gìn nét bản sắc văn hoá đặc sắc thiêng liêng này. Tuy nhiên, chị cho biết đặc điểm của lúa rẫy nếu muốn lúa tốt, cho năng suất cao phải trồng ở những miền đất rẫy mới, tức là đất sau khi thu hoạch các loại cây trồng khác hoặc phát dọn từ rẫy hỗi, tức là rẫy, rừng bỏ hoang từ 3 mùa rẫy trước, người dân mới quay lại phát đốt để bắt đầu một chu kỳ lúa rẫy mới. Đến mùa thu hoạch, người dân vẫn thường tuốt bằng tay, cây rơm rạ để lại ủ mục, để cho đất thêm tốt tươi. Ngày nay, người dân thường trồng lúa xen với cây keo để tăng thu nhập trên cùng diện tích, đến khi keo khoảng 4-5 năm là thu hoạch, xong người ta đốt và chờ vào mùa để trỉa lúa rẫy xuống.
Năm nay, lúa rẫy của chị Cà Thêm được mùa, vì trồng trên vùng đất phù hợp, cộng với thời tiết khí hậu thuận lợi, chị vui mừng cho chúng tôi biết: “Mình dậy từ 5 giờ sáng để nấu cơm, ăn xong rồi cùng một vài người quen lên rẫy thu hoạch lúa. Năm nay, lúa chị được mùa vì thời tiết thuận lợi, mưa nhiều; đồng thời, chị đã bỏ công làm cỏ hai lần nên lúa mới có năng suất như hôm nay. Lúc nào thu hoạch xong mình sẽ làm lễ ăn mừng lúa mới, cho những người thân quen, những người tham gia giúp mình trong quá trình trồng và thu hoạch một ít lúa rẫy để xem như lời cảm ơn gửi đến họ.”
Những bông lúa rẫy trĩu hạt bên triền đồi của chị Cà Thêm, người dân tộc Trin, thôn Gia Lố, xã Giang Ly, Khánh Vĩnh.
Lúa rẫy từ xa xưa đã gắn liền với đời sống và văn hoá của các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Lúc trước, quan niệm của người dân nơi đây là nhà nào cũng phải trồng giống lúa rẫy dù ít hay nhiều. Sau khi thu hoạch xong, trước nhất họ nấu để cúng tạ ơn các vị thần, với cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cái khoẻ mạnh, làm ăn phát triển, cộng đồng bà con các dân tộc được bình yên, đoàn kết với nhau để làm ăn, sinh sống. Việc quan niệm cúng lúa rẫy là rất thiêng liêng đối với họ. Những ngày lễ quan trọng trong năm như: lễ ăn đầu lúa mới, lễ bỏ mả, lễ báo hiếu. Các lễ vật thường cúng dâng các vị thần là gà, vịt, heo và không thể thiếu hạt cơm lúa rẫy, rượu cần làm từ lúa rẫy,…
Lúa rẫy được xem là “Hạt ngọc” của trời, nên bà con khi thu hoạch xong là làm lễ cúng lúa mới để tạ ơn trời đất
Về bản sắc văn hoá gắn với lúa rẫy, thời điểm đồng bào dân tộc mong đợi nhất trong năm là Lễ cúng lúa mới. Lúc này, Lễ cúng lúa mới được tổ chức linh đình, con cháu sum vầy cùng chung thưởng thức những ché rượu cần thơm ngon, ủ từ lúa rẫy với men rừng, cùng nắm tay nhau bên ánh lửa hồng, múa, hát say sưa hòa nhịp với tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng khắp núi rừng; quan điểm của họ là để xua đuổi những xui xẻo, mang về những ấm no, hạnh phúc và đoàn kết của cộng đồng dân làng. Chính vì quan niệm thiêng liêng ấy, mà cho đến ngày nay, nhiều người dân vẫn còn gắn bó với cây lúa rẫy, không chỉ thích ăn gạo từ lúa rẫy mà họ còn xem là “hạt ngọc” của trời ban tặng, rượu cần là hiện thân của sự kết tinh trời đất, là truyền thống bản sắc văn hoá của cộng đồng dân tộc cần phải giữ gìn, tiếp nối.
Tuy nhiên, do quá trình của sự phát triển, ngày nay người dân các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây dần thích nghi với sự du nhập của các nền văn hoá đương đại; đồng thời, do hiệu quả kinh tế từ lúa rẫy không cao, cộng với quỹ đất phù hợp để trồng lúa rẫy không còn nhiều, nên người dân đã chuyển trồng các loại cây trồng khác, vì thế nó đã dần bị thu hẹp diện tích. Các bản sắc văn hoá đặc sắc thiêng liêng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng mai một dần, bị thu hẹp lại theo quy mô gia đình.
Hiện nay, tại Khánh Vĩnh lúa rẫy được trồng tập trung chủ yếu tại các xã cánh tây. Trong năm 2021, tổng diện tích lúa rẫy toàn huyện là 170 ha. Theo chị Cà Thêm, một số người dân và chị vẫn giữ quan niệm thiêng liêng, truyền thống bản sắc văn hoá từ cây lúa rẫy. Khi thu hoạch xong, đầu tiên chị sẽ chọn những dạ lúa rẫy đẹp nhất cho vào cối giã gạo, đem nấu cơm, cùng heo, gà, vịt, rượu cần để cúng dâng lên các vị thần, nhằm cầu mong những gì tốt đẹp nhất đến với gia đình và mùa màng năm sau tươi tốt. Tuy nhiên, quy mô chỉ gói gọn trong từng gia đình, chứ không làm lễ lớn cả cộng đồng dân cư như trước. Khi trồng và thu hoạch họ sẽ nhờ bà con, anh, em, làng xóm thân thiết tham gia đổi công và trả ơn bằng lúa rẫy. Họ chia nhau những hạt lúa rẫy để dành ăn, chứ không bán.
Những vạt lúa trãi dài cả một vùng, đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn.
Đem những suy tư về nỗi lo bản sắc văn hoá đẹp, thiêng liêng của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có thể dần mai một, mất đi theo thời gian, chúng tôi gặp anh Hà Duy, Phó Chủ tịch xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, thì anh cho biết: “Đối với địa hình của xã Giang Ly chủ yếu là đồi núi, nên đa số người dân nơi đây làm nông nghiệp với những loại cây thích nghi như: keo, thơm, chuối; trong đó lúa rẫy chiếm 50%. Năm 2021, diện tích trồng lúa của xã khoảng 32 ha, đạt sản lượng 78 tấn. Năm nay, người dân được mùa lúa rẫy nên ai cũng vui mừng. Đứng trước thực tế diện tích trồng lúa đã nhường lại cho nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, địa phương cũng đã khuyến khích người dân cố gắng giữ gìn bẳn sắc, phong tục truyền thống đẹp từ xa xưa của đồng bào mình. Song song đó, địa phương cũng ưu tiên xét duyệt về cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội Khánh Vĩnh để duy trì sản xuất đối với những hộ có nhu cầu. Đồng thời, xã sẽ phổ biến những kiến thức, kỹ thuật canh tác mới, phù hợp để năng suất lúa được cao hơn. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tích cực đề xuất với chính quyền các cấp cần có cơ chế phù hợp, tích cực nghiên cứu, lập đề án gắn sản xuất lúa rẫy với phát triển du lich cộng đồng, để vừa đảm bảo kinh tế, vừa góp phần giữ gìn, duy trì và phát huy được những bản sắc văn hoá dân tộc của cha ông".
Chia tay chúng tôi, cũng là lúc thời điểm nghỉ trưa, chị Thêm và những người hàng xóm cùng tiến hành gom những hạt lúa vừa thu hoạch được để chở về nhà đem phơi, chờ ngày ăn mừng lúa mới. Những người con của núi rừng Khánh Vĩnh đang vui mừng, vì vừa được mùa lúa rẫy và đã gần đến mùa xuân, mùa sum vầy của gia đình. Bên ché rượu cần uống từng ngụm một, ăn cơm gạo lúa rẫy mới thơm ngon, họ sẽ cùng nhau thưởng thức và trò chuyện để xua tan đi những mệt mõi sau những tháng ngày lao động vất vả. Họ cùng tề tựu bên nhau cầu chúc cho một năm mới nhiều hạnh phúc, ấm no và không còn nổi lo dịch bệnh hoành hành như hiện nay.
CTV Thế Tài –Trung tâm Văn hoá-Thông tin và Thể thao Khánh Vĩnh