Hồ Thị Thanh (áo đen trong ảnh) động viên chị em phụ nữ xã Trọng Hóa
tích cực tham gia lớp học mây tre đan. (ảnh: Trần Quỳnh)
Bản Hưng có 25 hộ, thì trong đó 22 hộ nghèo và 3 hộ mới vươn lên thành hộ cận nghèo. Ở những nơi khác, thoát nghèo là một kỳ tích, thì ở bản Hưng để không nghèo hơn cũng là một kỳ tích, vì nơi đây vốn là bản nghèo nhất của xã nghèo nhất (tỷ lệ hộ nghèo của xã Trọng Hóa là 93,58%), thuộc huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Bình và cũng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước (tỷ lệ hộ nghèo của huyện Minh Hóa là 39,73%, trong đó hộ nghèo khu vực nông thôn là 45,66%). Đóng góp vào “kỳ tích” giữ không để nghèo hơn ấy có công sức của chị Hồ Thị Thanh, người phụ nữ trẻ tuổi, xinh đẹp, đảm đang, luôn lăn lộn, nhiệt tình, gắn bó với phong trào phụ nữ, phong trào xóa đói giảm nghèo của bản Hưng và của xã Trọng Hóa trong suốt 13 năm qua.
Hồ Thị Thanh sinh năm 1982, là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Cách đây 13 năm, cảm kích trước sự lanh lợi, nhiệt tình của cô gái trẻ nên chị em phụ nữ bản Hưng đã tín nhiệm bầu Hồ Thị Thanh làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của bản. Cả hai vợ chồng đều đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, uy tín “bông hoa rừng” Hồ Thị Thanh tiếp tục bay xa khắp núi rừng xã Trọng Hóa, và đã được chị em phụ nữ trong xã tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch bán chuyên trách Hội Phụ nữ xã.
Với đồng bào dân tộc phải mắt thấy, tai nghe thì họ mới tin tưởng làm theo, chị Hồ Thị Thanh đã cho họ điều đó. Ban đầu, dù đã có chủ trương cho vay vốn, nhưng hội viên phụ nữ không ai dám vay vì sợ vay xong sau này không trả nổi. Trước thực trạng trên, với vai trò vừa là đảng viên, lại vừa là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Hưng, Hồ Thị Thanh Thanh đã đi đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động bà con tham gia vay vốn làm kinh tế; đồng thời trực tiếp gương mẫu đi đầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Trước đây, gia đình Hồ Thị Thanh cũng là hộ nghèo. Năm 2007, khi Nhà nước có chủ trương cho người nghèo vay vốn lãi suất 0% từ chương trình tín dụng dành cho người nghèo, Hồ Thị Thanh và chồng đã mạnh dạn vay 5 triệu đồng để mua một con bò giống. Khởi nghiệp từ một con bò, hai vợ chồng Hồ Thị Thanh đã chăm chỉ đầu tư, chăm sóc; nay đã nhân đàn thành 15 con. Tích lũy được kinh nghiệm từ vay vốn nuôi bò, Hồ Thị Thanh tiếp tục cùng chồng mạnh dạn vay thêm vốn nuôi lợn và nhận rừng trồng hơn 2 vạn cây keo lá tràm.
Nhờ chịu khó làm ăn nên gia đình chị Hồ Thị Thanh đã thoát nghèo từ năm 2008. Hiện nay, kinh tế gia đình thu nhập chủ yếu từ đàn lợn 8 con. Bằng cách “lấy ngắn nuôi dài”, trước mắt mỗi năm bán được 2 lứa lợn, mỗi lứa bán được khoảng 20 đến 23 triệu đồng, là mức thu nhập cao so với các hộ gia đình ở đây. Còn đàn bò và rừng keo sẽ là của để dành cho tương lai. Khi được hỏi về định hướng làm kinh tế trong thời gian tới, Hồ Thị Thanh lạc quan chia sẻ: “Hiện nay, hộ nghèo chỉ được vay không quá 50 triệu đồng. Nếu được vay 100 triệu đồng thì miềng cũng dám vay để mua thêm cái đất trồng rau cho bò, lợn; xây thêm cái chuồng trại khang trang hơn”.
Từ những kinh nghiệm tích lũy của bản thân, cộng với sự hăng hái và nhiệt tình trong công tác, Hồ Thị Thanh đã vận động được rất nhiều gia đình trong xã Trọng Hóa từ bỏ thói quen chăn thả rông gia súc, mạnh dạn vay vốn làm kinh tế theo mô hình chăn nuôi chuồng trại. Riêng ở bản Hưng từ chỗ trong bản không có con trâu, con bò nào, thì đến nay cả bản đã có 70 con trâu, bò chăn nuôi trong chuồng trại.
Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm bản Hưng, Hồ Thị Thanh còn gặp gỡ, chia sẻ với bà con về ý thức tiết kiệm. Từ năm 2015, chị đã vận động chị em trong Chi hội Phụ nữ tiết kiệm từ 40 nghìn đến 100 nghìn đồng/tháng/người. Với số tiền tiết kiệm được, Hội cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã vay, giúp họ phát triển chăn nuôi.
Năm 2015, Trường tiểu học bản Hưng được mở rộng, nhưng không có đất để xây dựng, không ngần ngại, vợ chồng Hồ Thị Thanh đã hiến 1000 m2 đất cho xã xây dựng mở rộng Trường tiểu học bản Hưng. Không dừng lại ở đó, vợ chồng Hồ Thị Thanh cũng đã không ngần ngại chặt 40 cây keo lấy mặt bằng, rồi cho không hai gia đình là Hồ Lam và Hồ Xuân Bách diện tích đất đó để làm nhà ra xa khe suối tránh nước lũ mỗi khi mùa mưa về.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm kinh tế, chị Hồ Thị Thanh cho biết: “Cái khó nhất ở đây là không có đường giao thông nên khi trồng rừng thường khó bán hoặc bị ép giá. Ví dụ, vườn của nhà tôi nếu ở sát đường khi bán sẽ được 60 triệu, nhưng do ở xa đường, mất nhiều chi phí vận chuyển nên bị thương lái ép giá còn khoảng 30 triệu. Hơn nữa, khí hậu nơi đây cũng rất khắc nghiệt, thường cứ 3 - 4 năm lại gặp bão; mới đây nhất là cơn bão số 10 làm đổ hết cây rừng, thương lái không thu mua khiến bà con không biết phải làm sao. Như nhà tôi đây bị thiệt hại tới 90% số cây trồng nên có nguy cơ tái nghèo. Đến cuối năm phải làm đất, mua giống trồng lại từ đầu”. Thiệt hại nặng nề là vậy nhưng không khiến cho người phụ nữ vùng cao chùn bước trước những khó khăn. Và cũng như nhiều chị em khác trong xã Trọng Hóa, Hồ Thị Thanh mong muốn tiếp tục được vay thêm vốn để làm ăn và kiếm thêm nhiều việc làm cho bà con nơi đây bớt đi cái đói, cái nghèo…
Mấy năm gần đây, đời sống của bà con dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Hưng nói riêng, xã Trọng Hóa nói chung đã được cải thiện, nhưng vì căn cứ theo chuẩn nghèo đa chiều nên tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới ở nơi đây vẫn còn rất cao. Chính quá trình gắn bó lâu dài, trách nhiệm và hiệu quả với mọi công việc được giao của Hồ Thị Thanh đã đóng góp một phần không nhỏ giúp cải thiện đời sống của người dân, hạn chế tình trạng đói nghèo, đặc biệt là với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở nơi đây.
Nhận xét về Hồ Thị Thanh, ông Hồ Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Ở xã nghèo miền núi này có một cán bộ nữ nhiệt tình, năng nổ như Hồ Thị Thanh là điều đáng quý lắm! Bản thân cả hai vợ chồng đều là đảng viên nên trong mọi việc chị luôn gương mẫu đi đầu làm trước, làm tốt vì vậy bà con trong xã ai cũng yêu mến, tin tưởng”.
Với những đóng góp tích cực của mình, chị Hồ Thị Thanh đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”; Giấy khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa cho “Cán bộ hội viên Chi hội Phụ nữ bản Hưng, xã Trọng Hóa đã có thành tích trong phong trào hoạt động của phụ nữ”; Giấy khen của Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa “Vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Xóa đói giảm nghèo”.
Đôi chân Hồ Thị Thanh đã in dấu khắp các bản làng của xã Trọng Hóa; và “bông hoa miền sơn cước” ấy sẽ còn tiếp tục tỏa hương thơm ngát, góp phần làm đẹp thêm đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều trên đỉnh dãy núi Trường Sơn thiêng liêng và hùng vĩ./.
Theo Dangcongsan.vn