Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi trong những năm qua được các cấp Hội Nông dân thành phố Nha Trang triển khai sâu rộng, đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, đã giúp hàng ngàn hộ nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Hàng Nhật Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nha Trang cho biết, từ 2017 - 2022, toàn thành phố Nha Trang có 19.705 lượt hộ nông dân tham gia đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp (đạt 60%). Tính đến cuối năm 2021, toàn thành phố có 4.264 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD các cấp, tăng 430 hộ so với năm 2017. So với giai đoạn 2011-2016, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đến 1 tỷ đồng/năm tăng gấp nhiều lần. Đã có nhiều tấm gương nông dân vượt khó, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng về đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình SXKD hiệu quả, đem lại thu nhập cho gia đình, tạo công ăn, việc làm cho cộng đồng. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, mở rộng sản xuất, phá thế độc canh, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư, thâm canh, chuyển đổi nghề nghiệp sang làm dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, ứng dụng những thành tựu tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong SXKD, hình thành nhiều mô hình sản xuất khép kín, mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Tiêu biểu có thể kể đến như hộ gia đình ông Lê Minh Quyền (phường Vĩnh Nguyên) với mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp dịch vụ thu mua hải sản, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động; hộ gia đình ông Trần Thanh Sơn (xã Vĩnh Thạnh) với mô hình trồng hoa lan và bưởi da xanh cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động; hộ gia đình bà Hoàng Thị Tuyết (phường Phước Long) với mô hình nuôi và chế biến yến tổ cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động; hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Lâm (xã Vĩnh Trung) với mô hình du lịch sinh thái và câu cá giải trí cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động; hộ gia đình ông Mai Trần Đăng Vang (phường Vĩnh Trường) với mô hình chế biến nước mắm và sơ chế hải sản khô cho thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động; hộ gia đình ông Lê Minh Chánh (xã Vĩnh Lương) với mô hình đánh bắt thủy sản xa bờ cho thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 36 lao động…
Bà Hoàng Thị Tuyết - Người nông dân vươn lên làm giàu với mô hình nuôi và chế biến yến tổ tại phiên chợ nông sản tỉnh Khánh Hòa năm 2022. Ảnh: Chinh An
Để hỗ trợ nông dân vay vốn làm ăn, phát triển SXKD, 5 năm qua, các cấp Hội đã tín chấp cho hội viên, nông dân vay vốn với tổng dư nợ hiện nay trên 171,5 tỷ đồng cho trên 6.600 lượt hộ vay. Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã giải ngân trên 7,5 tỷ đồng cho 255 lượt hộ vay. Thực hiện chương trình liên kết 4 nhà, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành, phòng, ban chuyên môn thành phố tổ chức 95 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân, hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình với trên 4.365 lượt hội viên, nông dân tham dự. Phối hợp tổ chức 54 lớp dạy nghề về trồng, chăm sóc cây cảnh, nấu ăn, pha chế đồ uống, thuyền trưởng, máy trưởng, trồng nấm, trồng rau... cho 1.615 lượt hội viên, nông dân, con em nông dân tham dự. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đặc biệt quan tâm gắn việc dạy nghề với việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất; sau khi học xong có trên 80% số học viên có việc làm.
Mặt khác, phong trào làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp hội đặc biệt quan tâm. Các hộ nông dân SXKD giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho trên 30.090 lao động, phổ biến kinh nghiệm làm ăn, vận động được gần 1,3 tỷ đồng, 5.200kg giống, 3.850 cây, con giống các loại và trên 1.160 ngày công lao động, hỗ trợ, giúp đỡ 767 hộ nông dân nghèo có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm ăn khá giả, góp phần giảm nghèo bền vững...
Ông Lê Hàng Nhật Tuấn cũng cho biết, phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm giàu, đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thành phố tích cực tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi, công trình giao thông, bê tông hóa kênh mương đồng nội. Kết quả đã vận động nông dân hiến trên 66.600m2 đất mở đường giao thông trị giá hàng chục tỉ đồng, đóng góp gần 2,3 tỷ đồng, 2.185 ngày công lao động làm mới, sửa chữa trên 50 km kênh mương phục vụ sản xuất, thực hiện trên 80 công trình do hội viên, nông dân đóng góp hàng chục tỷ đồng. Hội đã vận động hội viên, nông dân, doanh nghiệp đóng góp xây dựng 5 căn nhà cho nông dân nghèo với số tiền trên 260 triệu đồng. Nhiều nông dân SXKD giỏi đã trở thành hạt nhân đoàn kết và nhân tố hòa giải có uy tín ở cơ sở. Ngoài ra, nông dân SXKD giỏi và ngư dân còn sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc như: Tham gia dân quân tự vệ biển, đăng ký sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Lãnh đạo thành phố tham quan sản phẩm nông dân SXKD giỏi trưng bày tại Hội nghị tổng kết 5 năm Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKD) giai đoạn 2017-2022.
Các tập thể được UBND TP. Nha Trang tặng Giấy khen trong phong trào nông dân SXKD giỏi giai đoạn 2017-2022.
Để phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi tạo sức lan tỏa sâu rộng, thực chất, thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hội viên, nông dân tích cực tham gia phong trào; khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực trong từng hộ nông dân, tạo chuyển biến mới về chất của phong trào trên tất cả lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Phối hợp chặt chẽ với ngân hàng giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển SXKD; nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân. Hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ cho đô thị; chú trọng hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển mạnh các dịch vụ, ngành nghề phù hợp với tiềm năng của từng địa phương nhằm giải quyết việc làm, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác phối hợp và liên kết trong SXKD nhằm hỗ trợ nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, hỗ trợ vay vốn, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho ông dân... ông Tuấn cho biết.
CTV THU HƯƠNG - Thành ủy Nha Trang