Biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết, song ký ức về những người lính quả cảm hy sinh vì Tổ quốc trong sự kiện Gạc Ma năm 1988 vẫn mãi khắc ghi trong tim mỗi người dân Việt...
|
Không thể nào quên
Những ngày tháng 3, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) phấp phới cờ hoa. Trong dòng người tới thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, chúng tôi gặp cựu binh Lê Minh Thoa (ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) - là một trong những người còn sống sót trong sự kiện năm 1988 ở Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (thuộc quần đảo Trường Sa). Đứng trước cụm tượng đài, ông nhẹ nhàng đặt vòng hoa tươi thắm rồi nghiêm trang chào. Bước tới khu mộ gió, ông kính cẩn dâng những nén hương thơm, rồi khấn: “Các đồng đội ơi, tôi đã về đây! Mong các đồng chí, đồng đội hãy phù hộ cho quốc thái, dân an”. Nhiều năm qua, trong tâm khảm cựu binh Lê Minh Thoa vẫn chưa thôi đau đáu về những tháng ngày lịch sử. Ngồi bên khu mộ gió, ông nhẩm lại tên từng đồng đội, mường tượng gương mặt, vóc dáng từng người.
|
Khi mặt trời gần đứng bóng cũng là lúc mẹ con chị Đỗ Thị Hà (ở phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) tới Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để thắp hương cho chồng là liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh và đồng đội. Chị Hà chia sẻ: “Từ ngày có khu tưởng niệm, cứ đến ngày giỗ, lễ, Tết, mẹ con tôi lại đến đây thắp hương tưởng nhớ. Khu tưởng niệm là “ngôi nhà chung” của chồng và đồng đội của anh ấy”.
|
Chiều dần buông, chúng tôi gặp chị Trần Thị Thủy - con gái Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Phương lặng lẽ ngồi bên khu mộ gió. Chị cẩn thận sắp mâm hoa quả đặt lên bàn thờ dâng cha và các liệt sĩ. Thắp nén nhang, mắt chị hướng nhìn lên bia đá khắc ghi tên liệt sĩ Trần Văn Phương. Trong không gian tĩnh lặng, văng vẳng tiếng khóc thút thít của cô con gái vì nhớ bố. Khi lòng nguôi ngoai, chị mới khấn: “Bố ơi, con rất nhớ bố! Con sinh ra chưa một lần gặp, giờ đây qua di ảnh mới biết được gương mặt bố. Bố là tấm gương sáng để con và các cháu tiếp bước. Ở nơi suối vàng, bố hãy soi đường, chỉ lối cho chúng con, phù hộ cho gia đình, đất nước mãi bình an, hạnh phúc”.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Nhiều năm qua, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Mỗi năm có hàng trăm đoàn cơ quan, đơn vị, trường học trong và ngoài tỉnh thăm, viếng tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Tại đây, các đoàn đều được Ban quản lý đón tiếp chu đáo; nghe thuyết minh viên, các cựu chiến binh kể về diễn biến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988. Những tấm gương chiến sĩ Hải quân chiến đấu quả cảm, kiên trung khiến người nghe xúc động, cảm phục tinh thần “quyết tử” bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu quả cảm, sự hy sinh anh dũng của các anh mãi là dấu son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc cốt ghi tâm.
|
Đến thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, chiến sĩ Lê Văn Thiện - Lữ đoàn 101, Vùng 4 Hải quân chia sẻ: “Được trở thành người lính Hải quân, rồi được ra Trường Sa huấn luyện, tôi cảm thấy rất tự hào. Trong quân ngũ, tôi thường được nghe những câu chuyện về các thế hệ cha anh chiến đấu anh dũng để bảo vệ Trường Sa, tôi càng thêm yêu biển, đảo, Tổ quốc hơn. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong sự kiện Gạc Ma là những tấm gương để chúng tôi tiếp bước, tô đậm thêm truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Với trách nhiệm của người lính, chúng tôi sẽ cố gắng rèn luyện thật tốt, nguyện sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”.
|
Là người đứng trên bục giảng truyền lửa cho thế hệ trẻ, thầy Đặng Phước Đức - giáo viên Trường THCS Quang Trung (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) luôn tâm niệm, tôi sẽ luôn truyền dạy những trang sử hào hùng của dân tộc, sự kiện năm 1988 và nhắc nhở các em học sinh bây giờ và mai sau không được phép quên sự kiện ngày 14-3-1988, phải luôn biết ơn những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo…”. Với những cảm xúc về sự kiện Gạc Ma, thầy Đặng Phước Đức đã giành giải nhất cuộc thi “Tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma và Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma” do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức năm 2020.
Ông Võ Duy Trúc - Trưởng ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cho biết, kể từ ngày đi vào hoạt động (năm 2017) đến nay, khu tưởng niệm đã đón hơn 2.500 đoàn với hơn 220.000 lượt khách. Trong đó, có 20 đơn vị tổ chức lễ kết nạp đảng viên, 112 đơn vị tổ chức lễ kết nạp đoàn viên, 20 trường học tổ chức “Hát Quốc ca tại khu tưởng niệm” và nhiều đoàn đến sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử tại khu tưởng niệm. Nhiều hoạt động thi vẽ tranh, tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma được tổ chức thu hút hàng ngàn tác phẩm dự thi. Khu tưởng niệm không chỉ là địa chỉ để người dân đến tham quan, tưởng niệm 64 anh hùng, liệt sĩ mà còn góp phần giáo dục lịch sử, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Chúng tôi rời Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma khi mặt trời dần khuất sau dãy núi. Dòng người tới thăm viếng các anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma vẫn còn lưu luyến chưa rời. Chợt vang lời hát “Chân trời bất tử” của tác giả Đào Sơn làm xao xuyến lòng người: “Trường Sa, Hoàng Sa ngày đêm nào nguôi/Khi nghe dư âm trên khơi như hồn bất khuất của người lính Gạc Ma/Muôn dân Việt Nam còn nhớ các anh ơi/Muôn dân Việt Nam còn nặng công ơn mãi”...
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202103/nho-mai-gac-ma-8210137/