Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã đạt nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” (Chỉ thị số 19-CT/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai học tập, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị. Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW vào tình hình thực tế của tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; các Sở, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện. Việc tuyên truyền Chỉ thị được thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, tỉnh đã thực hiện 633 lượt kiểm tra, giám sát, trong đó có 18 đoàn kiểm tra cấp tỉnh, qua đó kịp thời phát hiện, nắm bắt tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Những kết quả đạt được
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tỉnh ủy đã chỉ đạo và phát huy được vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác dạy nghề trong tỉnh. Các cơ quan chuyên môn đã tham mưu tích cực cho UBND các cấp triển khai các hoạt động của Chỉ thị và Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã từng bước nâng cao nhận thức của người lao động về đào tạo nghề; nhờ đó, số lượng người tham gia học nghề hàng năm đều tăng; qua đó người lao động được lựa chọn những ngành nghề phù hợp với bản thân và gia đình; áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã được học vào quá trình sản xuất, kinh doanh đảm bảo có hiệu quả, tạo được việc làm và thu nhập ổn định; góp phần xây dựng xã đạt nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các học viên học nghề xây dựng tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh
|
Các học viên học nghề đan lát mây tre tại trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh.
|
Về đổi mới dạy nghề cho LĐNT: Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được kiện toàn, sắp xếp tổ chức cho phù hợp với thực tế. Giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - TB&XH phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sắp xếp, sáp nhập, giải thể các cơ sở GDNN đến nay còn 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Trong đó: 04 trường Cao đẳng; 11 trường Trung cấp; 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 16 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Hàng năm hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh với tổng số 37.735 người (trong đó: trình độ cao đẳng là 4.665 người với 29 nghề đào tạo; trình độ trung cấp là 7.060 người với 33 nghề đào tạo; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 26.010 người). Cơ cấu nghề đào tạo phong phú, đa dạng cơ bản đủ các nhóm nghề thuộc các lĩnh vực công nghiệp xây dựng, tiểu thủ công nghiệp; các nghề thuộc nhóm du lịch, dịch vụ đang được đầu tư phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.019 cán bộ quản lý, nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó nhà giáo là 970 người (nhà giáo trực tiếp đứng lớp là 813 người, cán bộ quản lý tham gia giảng dạy là 156 người), gồm 12 tiến sĩ, 215 thạc sĩ, 558 đại học, 164 trình độ cao đẳng và 71 trình độ trung cấp. Hầu hết nhà giáo đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; 100% cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên và tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp. Công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp luôn được quan tâm thông qua việc mở các lớp bồi dưỡng, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo tiêu chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo cho 189.777 người, trong đó hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 30.504 nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; bao gồm: 8.840 người được đào tạo nghề nông nghiệp, 17.665 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp; 3.999 người được đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá. Kết quả có 14.162 lao động nữ tham gia đào tạo nghề (chiếm 44,74%), lao động nam tham gia đào tạo chiếm 55,26%; 1.680 đối tượng thuộc hộ nghèo tham gia đào tạo nghề, chiếm 5,31%; 1.424 đối tượng thuộc hộ cận nghèo tham gia đào tạo nghề, chiếm 4,5%; 5.027 đối tượng là người dân tộc thiểu số tham gia đào tạo nghề, chiếm 15,88%. Sau đào tạo, có 27.819 người học có việc làm, đúng ngành nghề đào tạo, đạt tỷ lệ trên 91%, trong đó 8.247 người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; 1.508 người được doanh nghiệp đơn vị bao tiêu sản phẩm; 17.925 người tự tạo việc làm; số còn lại tự tạo việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn lực thực hiện dạy nghề cho LĐNT: Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2010-2020 là 87.547 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 14.000 triệu đồng; Ngân sách tỉnh: 73.574 triệu đồng. Theo các nội dung hoạt động: Tuyên truyền, tư vấn việc làm cho người lao động: 1.028 triệu đồng; hỗ trợ dạy nghề cho người lao động nông thôn: 59.882 triệu đồng; công tác kiểm tra, giám sát: 738 triệu đồng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã: 11.926 triệu đồng.
Khắc phục hạn chế, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT; Một số địa phương chưa xác định chỉ tiêu, giải pháp cụ thể công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phát triển miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả còn thấp; Công tác phối hợp giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp chưa được gắn kết chặt chẽ ở tất cả các lĩnh vực, chỉ tập trung ở các lĩnh vực chế biến thủy sản, may mặc, tiểu thủ công nghiệp...
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Khánh Hòa xác định một số phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn mới; theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 31%.
Hai là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và mọi người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Ba là, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí và vận động các thành viên của mình tham gia học nghề. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và mọi người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Bốn là, đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, khởi nghiệp cho lao động nông thôn; Đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp gắn với các mô hình đào tạo và giải quyết việc làm hiệu quả ở khu vực nông thôn; huy động sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp trong công tác truyền thông, tư vấn khởi nghiệp cho lao động nông thôn. Tổ chức tư vấn hướng nghiệp, việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ ở khu vực nông thôn để chuyển đổi nghề nghiệp.
Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nông thôn; Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá, cấp chứng chỉ, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Hải Vân - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy