Trong khói lửa, họ là những người con trung kiên của Tổ quốc đã không tiếc máu xương cho hòa bình, độc lập của dân tộc. Khi đất nước thống nhất, họ là những người luôn đi đầu trong công cuộc dựng xây quê hương...
Ký ức thời hoa lửa
Nhớ về một thời hoa lửa, ông Lê Thanh Huệ (sinh năm 1947) ở Ninh Hòa chia sẻ, năm 14 tuổi, ông đã tham gia cách mạng với nhiệm vụ đưa thư, đào hầm bí mật, rải truyền đơn. Năm 1963, ông bị địch phục kích bắn bị thương trong một lần lên căn cứ Đá Bàn. Thương tích không làm ông e sợ, mà ngược lại càng khiến ông tích cực hoạt động du kích, lập nhiều chiến công, được cấp trên cử đi học lính đặc công. Năm 1966, ông được điều về căn cứ Hòn Hèo tham gia chiến đấu, bảo vệ các chuyến tàu không số. Tại đây, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh lớn và tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Ông Huệ nhớ lại: “Năm 1968, trong lần hành quân về căn cứ, chúng tôi bị địch phục kích, mặc dù anh em đã đánh trả quyết liệt nhưng không thoát được. Tôi bị trúng mìn cụt mất 1 chân không thể trốn thoát và bị bắt đưa về trại giam Quy Nhơn”. Từ đó, ông phải chịu sự tra tấn dã man của quân thù trong suốt 6 năm đằng đẵng. Chúng kéo lê ông từ trại giam Pleiku, Biên Hòa đến nhà tù Phú Quốc.
|
Cũng với những vết thương mà đến giờ này vẫn chưa hết đau đớn, nhất là mỗi lúc trái gió trở trời, ông Giáp Tiến Bảng (sinh năm 1949, thương binh 1/4, suy giảm 81% sức khỏe, hiện ở xã Diên Phước, huyện Diên Khánh) đưa chúng tôi đến một câu chuyện khác. Quê ông Bảng ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Năm 17 tuổi, ông viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Trở thành lính đặc công tinh nhuệ, ông được đơn vị điều vào chiến trường Khánh Hòa chiến đấu ở khu vực Khánh Sơn, Cam Ranh, Nha Trang. Ông Bảng kể: “Để chuẩn bị cho đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, chúng tôi có trách nhiệm trinh sát dẫn đường đưa quân về Nha Trang. Thế nhưng, trên đường trinh sát thì bị địch phục kích, tôi bị trúng mìn dẫn đến đứt ruột. Khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình được anh em đưa về căn cứ Đồng Bò điều trị. Tuy thoát chết, nhưng vì vết thương quá nặng, tôi không thể tiếp tục chiến đấu, buộc phải ra Bắc an dưỡng cho đến ngày đất nước thống nhất”.
Theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, năm 1971, bà Trần Thị Nhân (sinh năm 1952, thương binh 1/4, suy giảm 81% sức khỏe, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, hiện ở phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) lúc đó đang là sinh viên Trường Đại học Vinh đã tạm gác bút nghiên lên đường ra trận. Về chiến trường thượng Lào, bà được giao nhiệm vụ thông tin liên lạc. Bà Nhân kể: “Ngày đó, chiến trường C khá ác liệt, sau mỗi trận đánh, hầu như đường dây thông tin đều bị đứt. Những lúc ấy, để đảm bảo thông tin chỉ huy thông suốt, chúng tôi phải thay phiên nhau dò tìm nơi bị đứt để nối lại, bất kể ngày đêm, mưa gió, bom đạn rơi. Chính vì vậy, trong một lần dò tìm nối dây, tôi bị trúng bom làm đứt cánh tay trái, bất tỉnh. Vì vết thương quá nặng, tôi được đưa ra Bắc điều trị, an dưỡng cho đến ngày bình phục, đất nước giải phóng mới trở về quê nhà…”.
Gương sáng đời thường
7 lần bị thương, mang trên mình hàng chục vết sẹo và hiện còn 3 viên đạn trong người không thể lấy ra, nhưng với ý chí của người lính cụ Hồ, ông Huệ vẫn vượt qua bệnh tật, tích cực tham gia làm kinh tế để nuôi 3 người con ăn học thành tài. Ông chia sẻ: “Ngày trở về địa phương, vợ chồng tôi tự lực khai khẩn được 2ha đất đồi và 1,2ha đất trồng lúa. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Vợ chồng tôi đã biến những khu đất cằn cỗi thành những rẫy bắp, ruộng lúa xanh tốt; kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, chúng tôi dành dụm nuôi con ăn học nên người. Giờ đây, các con tôi có công việc ổn định, gia đình đoàn kết, con cháu ngoan hiền, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời tôi”. Không chỉ làm kinh tế, người thương binh suy giảm 91% sức lao động ấy còn tham gia các hoạt động của địa phương, giúp đỡ những người khó khăn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh các trường học ở Ninh Hòa.
|
Sau ngày đất nước thống nhất, cả ông Bảng và bà Nhân đều chọn Khánh Hòa làm quê hương thứ 2 của mình. “Khánh Hòa là cái nôi cách mạng đã nuôi nấng, che chở, đùm bọc chúng tôi rất nhiều trong những năm tháng chiến tranh. Đặc biệt, mảnh đất này còn có hàng chục đồng đội của tôi còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ. Vì thế, sau ngày giải phóng, tôi đã chọn nơi đây lập nghiệp, để được gần hơn với đồng đội”, ông Bảng chia sẻ.
Giờ đây, bước chân đã chậm, mắt không còn sáng rõ, nhưng nhiệt huyết cách mạng của những cựu chiến binh vẫn rất mãnh liệt. Họ tích cực tham gia nhiều công việc ở địa phương. Ông Bảng đã có nhiều năm là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Truyền thống kháng chiến cứu nước xã Diên Phước và hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam xã Diên Phước và Diên Thọ. Trên các mặt công tác, ông luôn xông xáo, làm việc hết mình. Là người có uy tín, ông tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, bà con nhân dân chung tay chia sẻ, đóng góp quỹ mỗi năm được hàng chục triệu đồng để chăm lo cho các nạn nhân da cam. Tuy còn mang trong người 4 mảnh đạn, đau bệnh khi trái gió trở trời, nhưng ông luôn là tấm gương sáng, giàu nghị lực trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn. “Điều tôi còn canh cánh trong lòng là vẫn còn gần 50 hài cốt đồng đội chưa được tìm thấy. Ngày anh em hy sinh là lúc tôi bị thương bất tỉnh nên không biết thân xác đồng đội ở nơi nào. Tuy chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng đều không thành”, ông Bảng tâm sự. Trong căn nhà nhỏ của mình, ông trang trọng lập bàn thờ đồng đội để tưởng nhớ mọi người...
Còn bà Nhân cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động của địa phương. Ngày đầu mới vào Nha Trang, bà được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Ngọc Hiệp. Trên lĩnh vực đảm trách, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà cùng với các đoàn thể địa phương tích cực vận động bà con xây dựng đời sống mới, đóng góp kinh phí giúp đỡ phụ nữ nghèo, hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong khu dân cư. Tuy mất một cánh tay, mang trong mình 1 mảnh đạn, nhưng bà vẫn nỗ lực chăn nuôi heo, gà, vịt để có tiền nuôi 4 người con ăn học thành đạt. Giờ đây, sức khỏe đã yếu, nhưng nhìn thấy con cháu đoàn kết, ngoan ngoãn là niềm hạnh phúc lớn của bà. Đó cũng là động lực để bà vượt khó, tích cực tham gia hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh địa phương. Bà Nhân chia sẻ: “Còn sống được ngày nào tôi sẽ không ngừng tham gia các hoạt động của địa phương ngày ấy để góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp”.
VĂN GIANG - CÔNG ĐỊNH
Bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 3 thương binh 1/4 Lê Thanh Huệ, Giáp Tiến Bảng và Trần Thị Nhân đều là những tấm gương tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội biểu dương, khen thưởng trong dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tuy mang trong người nhiều bệnh tật do vết thương của chiến tranh, nhưng cả 3 thương binh đều vượt khó, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, giúp đỡ nạn nhân da cam, người nghèo và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nuôi dạy con cháu nên người…
Theo Báo Khánh Hòa