Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh vừa phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức diễn đàn “Phụ nữ Khánh Hòa khởi nghiệp và sáng tạo” năm 2018. Tại diễn đàn, có 3 ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá cao.
3 ý tưởng từ vùng quê
Thị xã Ninh Hòa là địa phương có nhiều ý tưởng tham gia vòng sơ khảo “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” năm 2018 với 23 cá nhân, tập thể tham gia. Trong đó, ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình trồng nấm của chị Nguyễn Thị Chiến, Hội Phụ nữ xã Ninh Hưng được chọn là ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu.
Năm 2013, tận dụng nguồn bột cưa gỗ xoài dồi dào của địa phương, chị Chiến đã đầu tư trồng nấm sò, bào ngư và linh chi. Chị cho biết: “Hiện nay, tôi đã phát triển được 7 trại nấm, với nhà xưởng sơ chế nấm có diện tích khoảng 2.500m2, mang về lợi nhuận gần 350 triệu đồng/năm”. Hiện nay, cơ sở của chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài cung cấp nguồn nấm cho người dân địa phương, sản phẩm phôi nấm của cơ sở chị đã xuất đi các tỉnh: Phú Yên, Bình Định. Đặc biệt, hiện nay, chị có ý tưởng kinh doanh sản phẩm “lẩu nấm 24 giờ”. Đó là liên kết với một số cơ sở trồng nấm khác, tạo ra sản phẩm lẩu nấm có từ 5 đến 7 loại nấm và túi gia vị. Sản phẩm này là một giải pháp cho các nhà hàng và các bà nội trợ giảm chi phí, tiết kiệm thời gian đi mua nhiều loại nấm cùng lúc. “Sắp tới, tôi sẽ làm thủ tục cơ sở đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Với thành công ban đầu, nếu ai muốn học hỏi mô hình này, tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm”, chị Chiến nói.
|
Ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu đến từ huyện Vạn Ninh là Tổ hợp tác bánh tráng kẹo dừa xã Vạn Long. Năm 2013, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Lộc Thọ đã tập hợp những chị em phụ nữ làm kẹo dừa nhỏ lẻ trong thôn và thành lập nên Tổ bánh tráng kẹo dừa. Tổ có 7 lao động nữ tham gia sản xuất với số vốn 20 triệu đồng vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Từ chỗ cung cấp sản phẩm nhỏ lẻ, đến nay, sản phẩm của tổ đã vươn ra các địa phương khác như: Nha Trang, Cam Ranh, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Hiện nay, tổ giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động nữ, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/tháng/người, số vốn tăng lên 200 triệu đồng. Đồng thời, tổ thành lập 2 nhóm góp vốn xoay vòng hàng tháng cho hội viên mượn với số tiền 4 triệu đồng/chị. “Thời gian tới, tổ sẽ phấn đấu đầu tư thêm trang thiết bị, thành lập doanh nghiệp, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động, tăng thu nhập lên 3 đến 4 triệu đồng/lao động/tháng”, bà Lan nói.
Kế hoạch khởi nghiệp kinh doanh của Hợp tác xã (HTX) nuôi dê Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh cũng được hội đánh giá cao. Thành lập tháng 10-2017, vốn điều lệ 400 triệu đồng, 10 xã viên, HTX chuyên cung cấp thịt dê sạch và dê giống cho khách hàng địa phương. Doanh thu của HTX hơn 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, trên địa bàn TP. Cam Ranh mỗi năm tiêu thụ khoảng 300 tấn thịt dê, trong khi đó tổng đàn dê của HTX chỉ có khoảng 500 con, tương đương với sản lượng 125 tấn. Như vậy, nguồn cung mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu. Hơn nữa, hàng năm, HTX chỉ mới cung cấp ra thị trường khoảng 70 con dê giống cho người dân. Thời gian tới, HTX sẽ có hướng tiếp thị, mở rộng cung cấp con giống, mở rộng kinh doanh, đưa sản phẩm thịt dê sạch vào siêu thị, tăng thu nhập cho xã viên…
Sẽ kết nối, hỗ trợ
Theo lãnh đạo Hội LHPN nữ tỉnh, tham gia ngày “Phụ nữ khởi nghiệp” năm nay là những hội viên phụ nữ cần khởi sự kinh doanh; đang kinh doanh theo hình thức hộ gia đình có nhu cầu thành lập doanh nghiệp; là chủ doanh nghiệp mới thành lập 1 năm có mong muốn phát triển doanh nghiệp; tổ hợp tác, tổ kiên kết kinh doanh có nhu cầu nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất. Vòng sơ khảo có 34 ý tưởng khởi nghiệp tham gia. Có 8 ý tưởng lọt vào vòng chung khảo, trong đó 3 ý tưởng có chất lượng được hội tặng bằng khen.
Bà Lê Thị Mai Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, nhìn chung, các ý tưởng khởi nghiệp năm nay đạt yêu cầu đề ra, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở xây dựng ý tưởng ban đầu, chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể, rõ ràng, thuyết phục, khâu xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường còn yếu. Mặt khác, trong quá trình thực hiện ý tưởng, các chị em khởi nghiệp còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có quyết tâm cao, đang gặp các khó khăn về vốn, mặt bằng, thủ tục pháp lý… Chính vì vậy, diễn dàn “Phụ nữ Khánh Hòa khởi nghiệp và sáng tạo” sẽ tạo cơ hội cho các hội viên phụ nữ có mong muốn khởi nghiệp kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đồng thời giải đáp cho các chị em những thắc mắc, khó khăn trong quá trình khởi sự kinh doanh. Cũng thông qua chương trình này, tổ chức hội phụ nữ sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của chị em có mong muốn khởi nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn, kết nối các nhu cầu về vốn vay lãi suất thấp, cung cấp kiến thức, tiếp cận khoa học công nghệ, thủ tục pháp lý... Qua đó tạo điều kiện cho chị em có cơ hội thực hiện thành công ý tưởng khởi nghiệp của mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm tại địa phương.
Theo Báo Khánh Hòa