Được mùa, được giá, không khí vui vẻ, phấn khởi đang lan tỏa khắp vùng núi Khánh Sơn, khi trái sầu riêng đang tiếp tục mang về vụ mùa bội thu cho nông dân trên mảnh đất này.
|
Được mùa, được giá
Tỉ mẩn kiểm tra từng gốc sầu riêng để xác định độ già của trái, anh Lưu Văn Thắng (thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình) hồ hởi: “Nhà tôi có 2ha trồng 400 gốc sầu riêng, trong đó hơn 1ha đang cho thu hoạch. Năm nay, gia đình tôi thu hoạch ước gần 20 tấn sầu riêng. Đây là con số rất đáng phấn khởi. Người thu mua mới chốt giá cách đây 1 tuần với giá 50.000 đồng/kg”.
Không chỉ gia đình anh Thắng, hầu như khắp cao nguyên Tô Hạp, thấp thoáng trong những vườn sầu riêng bạt ngàn, đang bước vào vụ thu hoạch rộ luôn đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ. Niềm vui như càng vỡ òa, nhân lên gấp bội bởi mùa này, đã có lúc tưởng chừng như trái sầu riêng bị hạn hán nghiêm trọng uy hiếp. Ông Cao Văn Sang (xã Sơn Bình), một nhà vườn trồng sầu riêng có diện tích thuộc diện lớn nhất Khánh Sơn cho biết: “Cuối tháng 5, hạn hán khắc nghiệt, chỉ cần nắng nóng thêm chừng 10 ngày nữa, có lẽ các nhà vườn sẽ phải bỏ hết trái để cứu cây sầu riêng vì nguồn nước tưới đã cạn kiệt. Rất may, những trận mưa tiểu mãn vào phút cuối đã kịp thời giải khát cho hàng trăm héc-ta sầu riêng nơi đây”.
Hiện nay, khắp các nhà vườn đều chung niềm vui năng suất cao. Những nhà vườn có trình độ canh tác hàng đầu có thể đạt tới 14 tấn quả mỗi héc-ta. Theo ông Đậu Dương Trần Nguyễn, hộ có hơn 20ha sầu riêng ở xã Sơn Bình, năm nay, người trồng sầu riêng từng phải lo lắng giá thu mua sẽ giảm do dịch bệnh Covid-19, đường tiểu ngạch sang nước khác bị ảnh hưởng, thế nhưng đến phút cuối cùng, giá sầu riêng thậm chí còn cao hơn năm trước từ 4 - 5 giá. Cụ thể, hiện các thương lái đến tận vườn chốt giá sầu riêng Monthong 45.000 - 50.000 đồng/kg, Ri6 40.000 - 45.000 đồng/kg, Chín Hóa 30.000 - 35.000 đồng/kg. Được biết, xã Sơn Bình có 320ha sầu riêng, 190ha trong số đó đang cho thu hoạch.
|
Người trồng sầu riêng ở xã Sơn Hiệp cũng chung niềm vui được mùa. Anh Cao Mai Hùng (thôn Hòn Dung) chia sẻ: “Nhà tôi có tổng cộng gần 2ha đất. Trước đây, tôi trồng bắp, mì, sau đó chuyển sang trồng cà phê, keo. Gần 10 năm trước, tôi đã trồng 60 cây sầu riêng, chủ yếu là giống Monthong, nhưng do chưa biết chăm sóc, cũng không mạnh dạn đầu tư nên chưa thấy hiệu quả. 3 năm gần đây, nhờ cán bộ xã hướng dẫn tận tình, tôi cũng đi học hỏi ở một số nhà vườn khác nên về đầu tư, chăm sóc. Cây cho trái nhiều hơn, bán được nhiều tiền hơn”. Được biết, 60 cây sầu riêng nhà anh Hùng năm nay cho thu về 3 tấn quả. Sau khi bán và trừ hết chi phí, gia đình anh thu nhập gần 100 triệu đồng. Sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh đều dành một phần vốn để chuyển sang trồng sầu riêng. Đến nay, nhà anh đã trồng thêm 100 cây hiện đã 2 năm tuổi.
Ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng, 3 năm qua, nông dân xã Sơn Hiệp đã chuyển sang trồng hơn 100ha sầu riêng. Đến nay, toàn xã có 226ha sầu riêng, phần lớn là 2 - 3 năm tuổi, có 31ha đã cho thu hoạch. Đây là cây trồng khá mới đối với nhiều hộ nông dân ở Sơn Hiệp, vì vậy, các năm qua, huyện, xã đều đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng cho người dân. Các hộ cũng đoàn kết trợ giúp nhau, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc sầu riêng. Vì thế, nhiều hộ nông dân, trong đó có cả những hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã bước đầu nắm bắt được kỹ thuật canh tác, vươn lên thoát nghèo, làm giàu nhờ cây sầu riêng.
Vẫn còn trăn trở
Theo ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, diện tích trồng sầu riêng của huyện hiện nay đã lên đến 1.500ha. Trong đó có 520ha đã cho thu hoạch. Năm nay, nhờ được mùa, sản lượng ước đạt 4.000 tấn, tăng gần 500 tấn so với năm trước. Đây không phải là con số quá lớn đối với một loại cây trồng. Tuy nhiên, với đặc trưng là vụ thu hoạch chỉ kéo dài trong khoảng 2 tháng, ước tính bước vào vụ thu hoạch rộ, 1 ngày sầu riêng Khánh Sơn cho ra thị trường hơn 66 tấn quả. Đây là con số khá lớn, đòi hỏi hệ thống bao tiêu sản phẩm phải đủ mạnh. Là loại nông sản có giá trị kinh tế cao, nhưng trái sầu riêng Khánh Sơn chưa có đầu ra ổn định, vẫn còn bấp bênh và thiếu bền vững. Nông dân Khánh Sơn mong muốn UBND tỉnh, các sở, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân tìm kiếm, liên hệ với nhiều doanh nghiệp để kết nối, bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ thông qua hệ thống sạp hàng trái cây đặt tại các cơ sở du lịch lớn trên toàn tỉnh để phục vụ du khách.
|
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, những năm gần đây, mặc dù huyện đã tìm kiếm, tổ chức cho một số doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư bao tiêu sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn nhưng các doanh nghiệp nhìn chung vẫn chưa cạnh tranh được với các tư thương vốn linh động hơn nhiều về giá cả, phương thức thu mua. Ngoài ra, việc người dân trồng theo chuẩn VietGAP, tổ chức dán nhãn thương hiệu…, chi phí bỏ ra cao hơn so với hộ trồng thông thường, nhưng khi đưa ra thị trường thì chưa có sự khác biệt về giá cả nên nhiều hộ chưa mặn mà.
Được biết, toàn huyện Khánh Sơn hiện có 255ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các sở, ngành liên quan đang tập trung hỗ trợ người dân trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc nông sản cho vùng trồng Khánh Sơn để trái sầu riêng có thể xuất khẩu chính ngạch qua nhiều thị trường trên thế giới. Một số nhà vườn đã bắt tay vào việc trồng, chăm sóc sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là những bước đi cần thiết nhằm xây dựng thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn phát triển bền vững. Dự kiến, huyện Khánh Sơn sẽ tổ chức Phiên chợ nông sản vào ngày 1 và 2-8. Tại đây, cùng với mong muốn giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài tỉnh những điều thú vị về mảnh đất, con người và nông sản đặc trưng của cao nguyên Tô Hạp, phiên chợ còn có các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhất là trong việc bao tiêu sản phẩm nông sản của vùng đất này.
Theo Báo Khánh Hòa