Đã gần 1 năm trôi qua, ký ức về trận sạt lở núi kinh hoàng hồi tháng 11-2018 vẫn còn hiện hữu. Nhưng, những người dân xóm Núi (thôn Thành Phát) và xóm Mũi (thôn Thành Đạt) của xã Phước Đồng, TP. Nha Trang vẫn phải liều ở lại nơi khu vực nguy hiểm, bởi họ không biết đi đâu, trong khi mùa mưa lại cận kề…
Thấp thỏm lo âu
Gần 1 năm trở lại xóm Núi, hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở vẫn ngổn ngang xà bần, đất đá, tôn hỏng. Tuy nhiên, ngay tại khu vực nguy hiểm đã có một căn nhà tôn được dựng lên. Đây là căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Trọng. Căn nhà lợp mái tôn, chỉ xây tường cao chừng 1m, sau đó bắn tôn bao 4 phía; trong nhà chỉ có chiếc ti vi, còn lại hầu như không có tài sản gì. Bà Huỳnh Thị Hồng - vợ ông Trọng kể, sau trận sạt lở làm sập nhà, mất mấy tháng thuê nhà rồi ăn ở tạm nhà người khác, vợ chồng bà quay lại chỗ cũ làm nhà nhưng cũng luôn trong tâm trạng phập phồng lo lắng. Bà Hồng bảo: “Lúc cất nhà, mấy anh (cán bộ phường - PV) không cho, nhưng tụi tui dân biển bấp bênh không có tiền để thuê nhà, trả tiền điện, nước nên quay lại nhặt nhạnh tôn cũ, rách và mua thêm ít tôn mới bao lại ở chứ không thể ăn nhờ ở đậu nhà người ta mãi được. Nhà tôi quay về ở được mấy tháng rồi, nhưng không dám mua sắm gì để hễ mưa lớn là rời đi. Tháng này trở đi là bắt đầu lo…”.
|
Ở gần nhà ông Trọng, căn nhà của gia đình ông Bùi Long Tiễn đang sinh sống cũng nằm trong khu vực nguy hiểm. Trong vụ sạt lở, gia đình ông đau xót khi mất đi 2 người thân, vợ và con ông cũng bị thương nặng. Khi ấy họ vừa chạy ra khỏi nhà, chưa kịp thoát thân đã bị nước cuốn đi với đất đá. Sau sạt lở, căn nhà bị trôi hổng chân phần móng, mất một phần nên phải mở cửa bên hông. Dẫu biết căn nhà trong tình trạng “muốn sập lúc nào thì sập”, ông Tiễn vẫn đưa vợ con quay về sinh sống. “Căn nhà vẫn để y nguyên, chỉ dọn dẹp lại. Hiện nay, vợ, con bị thương mới bình phục. Hoàn cảnh gia đình thế, lo vậy nhưng biết đi đâu?!”, ông Tiễn lo lắng nói.
|
Vết sẹo do bị thương khiến bà Lê Thị Phụng mỗi lần nhắc lại vẫn thảng thốt: “Lúc đó, 2 vợ chồng đang đứng ở gần cửa, nước làm sạt góc nhà, bứt bức tường, cuốn trôi cả 2 vợ chồng lẫn tài sản. May nhờ chồng giữ tay và mấy đứa nhỏ kéo lên mái nhà nên tôi chỉ bị thương”. Sau đợt đó, vợ chồng bà Phụng kéo nhau về ở nhà chồng một thời gian thì quay lại dọn dẹp bùn đất, sửa lại nhà để ở. Bà Phụng chia sẻ: “Nghĩ cũng sợ, nhưng nhà mình ở đây thì về ở, khi nào mưa lớn, nước nhiều thì đi. Mấy bữa trước trời mưa, vợ chồng thấp thỏm cả đêm không dám ngủ…”.
Trở lại xóm Mũi, căn nhà sát dòng suối từng bị sập của gia đình bà Trương Thị Thùy Trang đã được làm lại để có chỗ ở tạm bợ cho 6 người. Bà Trang bị ung thư, anh trai cũng bị bệnh nên cuộc sống rất khó khăn. Sau đợt sạt lở, bà thuê nhà được 3 tháng, đến khi đi mổ cạn tiền nên đành quay về làm lại nhà. Bà Trang chia sẻ: “Nhà làm tạm bợ, chi phí chỉ hơn 8 triệu đồng nên hễ mưa là dột. Bây giờ cứ mưa gió là anh em tôi không dám ngủ. Nhưng hoàn cảnh vậy, thôi thì tới đâu tính tới đó, chừng nào mưa to, gió lớn sẽ đi tìm phòng trọ hoặc chỗ ở nhờ”.
Sẽ di dời dân khi có nguy cơ sạt lở
Theo ông Nguyễn Đức Vinh - Trưởng thôn Thành Phát và bà Nguyễn Thị Linh - Trưởng thôn Thành Đạt, bây giờ hễ mưa là thôn nhắc nhở, cảnh báo sớm cho người dân lo đến nhà người thân quen hoặc đến địa điểm bố trí theo phương án di dời.
|
Trước nguy cơ sạt lở chực chờ ở khu vực xóm Núi và xóm Mũi, UBND TP. Nha Trang đã nhiều lần họp đề xuất phương án di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở tại xã Phước Đồng và phường Vĩnh Trường. Nhưng đến nay, phương án chưa được tỉnh thông qua. Theo báo cáo của UBND thành phố, qua rà soát, thôn Thành Phát có 348 hộ với 1.373 nhân khẩu; thôn Thành Đạt có 346 hộ với 1.243 nhân khẩu. Hầu hết các hộ đều xây dựng không phép (một vài hộ không có thông tin); phần lớn xây nhà từ năm 2014 trở về trước; đa số các hộ có mức sống trung bình trở xuống.
Tại buổi giám sát về lĩnh vực trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Nha Trang mới đây của đoàn giám sát HĐND tỉnh, đồng chí Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đặt vấn đề phương án di dời phải lâu dài mới thực hiện được, trong khi mùa mưa sắp đến, thành phố có phương án gì để đảm bảo an toàn cho người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở? Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, UBND thành phố đã đề xuất phương án xây dựng chung cư nhà ở xã hội để di dời các hộ dân (địa điểm xây dựng ở Khu tái định cư Phước Hạ, xã Phước Đồng). Tuy nhiên, phương án này khó khăn vì nguồn vốn đầu tư lớn. Mặt khác, qua thăm dò ý kiến, đa số người dân không đồng ý thuê nhà chung cư xã hội mà có nguyện vọng được cấp đất tái định cư. Thành phố cũng đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch dự án khu giết mổ gia súc để bố trí khu tái định cư cho người dân dưới hình thức giao đất cho nợ tiền sử dụng đất và hạn chế quyền chuyển nhượng để người dân có chỗ ở ổn định. Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, xây dựng phương án di dời là giải pháp lâu dài căn cơ, không phải phương án trước mắt. Trong mùa mưa bão năm nay, biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở thực hiện theo phương án phòng, chống thiên tai năm 2019 của thành phố và các xã, phường.
Trước nỗi lo sạt lở khi mùa mưa bão sắp tới, ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, địa phương luôn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo bà con ở khu vực có nguy cơ sạt lở; chuẩn bị và thông tin để bà con nắm phương án, địa điểm di dời khi có nguy cơ xảy ra sạt lở. Xã cũng đã chỉ đạo các thôn thành lập tổ phòng, chống thiên tai; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời cảnh báo người dân…
Ngày 23-9, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND tỉnh và UBND TP. Nha Trang báo cáo việc thực hiện các đề nghị của đoàn công tác HĐND tỉnh. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đất đai thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng tại các khu vực hình thành cư trú tự phát; có biện pháp cương quyết di dời các hộ đang cư trú bất hợp pháp tại khu vực này, không để xảy ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người dân như trong thời gian qua, đặc biệt khi mùa mưa bão sắp đến. UBND TP. Nha Trang chỉ đạo UBND các xã rà soát, phân loại các hộ dân đang cư trú tự phát tại một số khu vực trên địa bàn (lưu ý thống kê có bao nhiêu hộ đã có đất tái định cư ở nơi khác và bao nhiêu hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn); có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Theo Báo Khánh Hòa