Đều đặn trưa thứ Ba và thứ Tư hàng tuần, chẳng kể mưa hay nắng, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) lại lên đò dân sinh, ra đảo Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) để dạy tiếng Anh cho các em nhỏ.
|
Mỗi giờ đến trường là một giờ vui
18 giờ. Còn cả tiếng nữa mới tới giờ học, nhưng khoảnh sân trước hội trường Đồn Biên phòng Bích Đầm đã rộn rã tiếng trẻ vui đùa. Chỗ này, mấy bạn nam tâng bóng, đánh cầu lông; chỗ kia, mấy bạn gái nhảy dây, đá cầu… Ánh hoàng hôn dần nhạt màu, ngoài sân đã sáng đèn, các em vẫn mải mê chơi. Vậy mà vừa thấy bóng thầy Hình, tất cả tức khắc chạy tới mừng rỡ. Em lớp 3, bạn lớp 5, đứa níu tay, đứa chạy trước, ùa cả vào lớp học.
Giờ học tiếng Anh ở Đồn Biên phòng Bích Đầm khác biệt so với ở đất liền. Khởi động giờ học là màn văn nghệ cây nhà lá vườn rất sôi nổi. Binh nhất Ngô Xuân Phúc ôm cây ghi ta gảy bập bùng. Thầy Hình bắt nhịp và cùng cả lớp ca vang bài: Chú voi con ở Bản Đôn; Một con vịt… Các em say sưa hát, chẳng câu nệ lạc nhịp, sai từ.
|
Tiếp nối màn khởi động hào hứng là những trò chơi không kém phần hấp dẫn. Thầy Hình hỏi: “Ai xung phong?”. Lập tức, cả loạt cánh tay giơ thẳng tắp, hàng chục cái miệng nhao nhao: “Em! Em!”. Khoảng chục bạn lên xếp hàng. Trò chơi làm theo mệnh lệnh, câu lệnh rất ngắn gọn: Đứng lên! Ngồi xuống! Quay trái! Quay phải!..., vậy mà vẫn có bạn làm sai, bởi câu lệnh bằng tiếng Anh. Sang “phiên bản 2”, thầy Hình viết sẵn hàng loạt câu lệnh bằng tiếng Việt lên giấy, đưa cho một bạn đứng sau cả nhóm giơ lên làm hiệu lệnh, bạn đứng đối diện dịch mệnh lệnh sang tiếng Anh để cả nhóm thực hiện. Mỗi lần bạn đọc sai, cả lớp lại cười ồ khoái chí. Một số “khán giả” lanh chanh nhắc bài, lập tức bị cả lớp nhao nhao tố cáo với thầy và đề nghị phạt. Rất nhiều phần quà nhỏ sẵn sàng tặng bạn thắng cuộc. Lớp học náo nhiệt, ồn ào như vậy chừng nửa giờ thì lưng áo thầy Hình cũng thấm ướt mồ hôi, dù gió biển buổi tối mát rượi…
Từ không khí hào hứng đó, các em được thầy Hình dẫn dắt từ bài học cũ “What is this?” để bước vào bài học mới “What colour is this?”. Chiếc bút màu, tập vở, quyển sách, túi xách, hay bộ quần áo đang mặc…, những món đồ rất gần gũi, bỗng thêm ý nghĩa, khi các em biết thêm những từ tiếng Anh mới và có thể mô tả chi tiết hơn. Học nói, học nghe, học viết cho đúng ngữ pháp…, 1 tiếng rưỡi trôi qua nhanh chóng với nghĩa “mỗi giờ đến trường là một giờ vui”. Ánh mắt lấp lánh niềm vui, em Nguyễn Hoàng Bảo Quyên bộc bạch: “Em rất thích học ở đây, vì vừa được học tiếng Anh, vừa được chơi. Hồi chưa mở lớp, buổi tối, em chỉ biết quanh quẩn ở nhà. Lớp học 2 buổi một tuần vẫn ít, em muốn học nhiều nữa”.
Ấm áp nghĩa tình
Đảo Bích Đầm cách TP. Nha Trang gần 10 hải lý. Học sinh tiểu học nơi đây muốn học tiếp phải vào bờ. Đi học xa nhà, lại chưa được học tiếng Anh bậc tiểu học, nên các em lên bậc THCS rất bỡ ngỡ. Ông Nguyễn Hòa - Tổ trưởng tổ dân phố Bích Đầm thừa nhận, điều kiện kinh tế của người dân đảo còn khó khăn. Điểm trường Bích Đầm (Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3) lại chưa dạy tiếng Anh nên các cháu học hết lớp 5 vào đất liền học tiếp THCS rất chật vật với môn này. Vì thế, trước đây, nhiều cháu học hết tiểu học là nghỉ. Thiếu tá Hình cho biết, thời gian công tác ở đảo, nhận thấy tình trạng đó, anh đã suy nghĩ, tại sao không tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí để bổ sung vốn ngoại ngữ ban đầu, giúp các em vào đất liền khỏi bỡ ngỡ với môn tiếng Anh. Do đó, anh đã báo cáo cấp trên ý tưởng và được chấp nhận.
Lớp học tiếng Anh miễn phí chính thức được mở tại Đồn Biên phòng Bích Đầm từ năm 2019. Ban đầu khá chật vật, bởi các em ở nhiều lứa tuổi, đều chưa hề biết tiếng Anh; việc tiếp cận mạng Internet cũng ít; đa số ngại giao tiếp… Cán bộ, chỉ huy trong đồn cùng Thiếu tá Hình phải kiên trì phối hợp với địa phương vận động các em ra lớp. Đồn cùng chính quyền phường, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và một số đơn vị hỗ trợ các em toàn bộ sách vở, dụng cụ học tập. Việc truyền đạt kiến thức được lồng ghép với trò chơi để tạo hứng thú học tập. Riêng Thiếu tá Hình, sau khi mở lớp, do chuyển công tác về Bộ đội Biên phòng tỉnh nên để bám lớp, đều đặn 2 ngày/tuần, anh lại lên đò dân sinh, lênh đênh gần 2 giờ ra đảo dạy.
|
Bù lại, càng ngày các em càng hứng thú. “Trước đây, buổi chiều, các em thường tập trung ngoài bờ kè chơi, tán chuyện. Nhưng từ khi mở lớp, các em đều tập trung về sân đơn vị từ sớm chờ vào học. Ban đầu, tôi cứ nghĩ sau 1 - 2 tháng, thấy học khó, chắc các em sẽ bỏ dần. Nhưng lớp học ngày một đông lên. Điều đó khiến tôi thêm động lực chuẩn bị bài giảng thật tốt”, thầy Hình chia sẻ. Đáp lại tâm huyết của thầy, nhiều em từ chỗ ngại giao tiếp, khó phát âm, đã nhớ được nhiều từ và còn mạnh dạn hỏi thêm thầy sau giờ học. Những chuyến đò dân sinh cũng thân thuộc hơn mỗi khi anh bước xuống, bởi luôn có phụ huynh, học sinh chào thầy, thay vì… chào chú bộ đội như trước. Tình cảm của người dân dành cho đồn và cho thầy Hình ngày càng ấm áp. Bà Nguyễn Thị Liễu nói chân tình: “Cứ nghe bữa nay thầy ra là tôi mừng, xuống đón đò. Con tôi học chắc chưa đạt nhưng tôi vẫn động viên cháu ráng học, khỏi phụ thầy bỏ công dạy mình, sau này vô đất liền còn theo kịp bạn”. Còn bà Đặng Thị Kiều Loan chỉ biết nói: “Cảm ơn thầy Hình vì đã giúp con tôi. Tôi mong con học giỏi báo đáp thầy”. Ông Nguyễn Hòa cho biết, trong các buổi họp, ông luôn động viên bà con ráng nhắc con cháu ra đồn biên phòng học tiếng Anh. Thời nay mà không biết tiếng Anh, sau này thiệt thòi lớn. Em Nguyễn Thị Bích Hiền xúc động: “Con cảm ơn thầy vì đi lại vất vả nhưng hàng tuần thầy vẫn ra đảo. Con mong thầy có nhiều sức khỏe. Con mơ ước sau này làm cô giáo dạy các em nhỏ như thầy Hình”.
Qua thời gian, sĩ số lớp học tiếng Anh ngày càng tăng, từ 26 lên 36 em lớp 3 đến lớp 5. “Sĩ số tăng, tôi mừng, mà cũng lo. Mừng vì các em ham học, còn lo vì không biết phân bố dạy thế nào cho phù hợp. Dạy học ở đảo có sự vất vả nhất định. Nhưng đây vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm vui. Được lên lớp chính là sức mạnh vô hình giúp tôi hoàn thành các nhiệm vụ tốt hơn; lại được bù đắp thiệt thòi cho học sinh ở đảo, nên tôi luôn sẵn lòng. Tuy vậy, về lâu dài, tôi vẫn mong sẽ có các thầy cô dạy tiếng Anh thực thụ ra dạy các em, để rút ngắn khoảng cách giữa đảo và đất liền. Dù gì, tôi cũng chỉ là một người lính, chuyên môn sư phạm còn hạn chế”, Thiếu tá Hình bày tỏ.
Trung tá Nguyễn Hồng Lam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bích Đầm: Lớp học tiếng Anh miễn phí được mở tại Đồn Biên phòng Bích Đầm nhằm giúp học sinh trên đảo làm quen với tiếng Anh, để có thể bắt kịp các bạn khi vào học THCS ở đất liền. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình từng học Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng; học 2 năm tiếng Anh - Mỹ nâng cao khóa sĩ quan hàng hải quốc tế tại Hoa Kỳ và lớp bồi dưỡng tiếng Anh ở Australia, nên có thể giúp các em làm quen bước đầu với tiếng Anh.
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202010/ra-dao-pho-cap-tieng-anh-8188890/