Tết đã cận kề. Xuân đã về trên từng con phố, những ngả đường quê... Không khí Tết đã len vào mỗi ngôi nhà.
Nha Trang rực rỡ chào xuân
Những ngày này, hoa xuân, cây cảnh đủ loại khoe sắc trên nhiều tuyến phố, những tiểu cảnh đẹp mắt ở tuyến đường Trần Phú thu hút nhiều người dân, du khách đến chụp hình, những tuyến phố lấp lánh ánh sáng về đêm, các cơ sở kinh doanh trang trí lộng lẫy… Thành phố cũng đã thực hiện duy tu, sửa chữa một số tuyến đường để phục vụ người dân đi lại thuận lợi trong dịp Tết như: đường Thái Thông - Xuân Sơn, Hòn Chồng; sơn vạch tín hiệu giao thông; sửa chữa, thay thế biển báo giao thông; sửa chữa đèn tín hiệu giao thông bị hư hỏng…Và Hội hoa xuân Nha Trang - Khánh Hòa lần thứ V năm 2018 vừa được khai mạc tối 8-2 là điểm nhấn nổi bật cho bức tranh sắc xuân rực rỡ của thành phố chào đón người dân và du khách khắp nơi đến du xuân.
Trang trí hoa trên đường Trần Phú, TP. Nha Trang.
Trong bức tranh xuân ấm áp, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp, các vị mạnh thường quân đối với người dân, nhất là những gia đình bị thiệt hại do bão, hộ nghèo, đối tượng chính sách… đã góp cho cái Tết các gia đình thêm đầm ấm. Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Làm (thôn Tây, xã Vĩnh Phương) - một trong những hộ nhà bị sập hoàn toàn do bão. Tết này, cả gia đình đón Tết trong nhà mới khang trang, rộng rãi hơn, lát gạch sáng bóng. Bà Làm vui mừng kể: “Gia đình luôn thiếu trước hụt sau nên khi nhà sập, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình chỉ che tạm tôn ở chứ không thể cất nổi nhà. Gia đình tôi cũng gom góp mua thêm đồ mừng Tết đầu tiên ở nhà mới”…
Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, thành phố đã chi hơn 4,2 tỷ đồng hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão. Trong đó, về nhà ở, đã hỗ trợ 629 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 4,16 tỷ đồng. Ngoài ra, UBMTTQ Việt Nam thành phố hỗ trợ thêm mỗi trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hoàn cảnh khó khăn có nhà bị sập hoàn toàn, nhà hư hỏng nặng 3 triệu đồng/hộ. Thành phố hỗ trợ gần 197 tấn gạo (15kg/khẩu) với kinh phí gần 2,4 tỷ đồng cho 13.126 khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có nguy cơ thiếu đói do ảnh hưởng của cơn bão số 12. Cục Dự trữ Nam Trung bộ cũng hỗ trợ 70 tấn gạo. Toàn bộ số gạo trên đã được trao đến tận tay từng hộ gia đình. Thành phố cũng đã phân bổ và tiến hành cấp phát hàng viện trợ từ các tổ chức của Nga, ASEAN, Chính phủ Belarus cho UBND các xã, phường. Toàn bộ số hàng viện trợ trên đã được UBND các xã, phường tiến hành cấp phát đến tay các đối tượng kịp thời.
Xuân ấm áp nơi vùng tâm bão
Chúng tôi trở lại Vạn Ninh sau khoảng 3 tháng cơn bão số 12 đi qua. Nơi đây sau bão là cảnh tan hoang, thế nhưng những ngày này, không khí Tết cũng đã len lỏi trong từng ngõ xóm.
Trong căn nhà cấp 4 gần 50m2 vẫn còn thơm mùi gạch mới, ông Huỳnh Văn Trúc (tổ 12, thị trấn Vạn Giã) đang tất bật dọn dẹp, chăm chút cho cây hoa cảnh chuẩn bị đón xuân. Ông Trúc phấn khởi tâm sự: “Căn nhà cũ dột trong, hư ngoài chưa đầy 40m2 đã bị bão làm sập nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, những tấm lòng tình nghĩa, gia đình tôi lại có một căn nhà khang trang hơn. Ngày khánh thành nhà, đoàn thể địa phương và bạn bè tặng đủ vật dụng sinh hoạt. Gia đình cũng tính ăn Tết lớn nên chung với hàng xóm con heo hơn 70kg, chỉ nay mai là có thịt gói bánh rồi”. Gần nhà ông Trúc, gia đình bà Võ Thị Hương Lan cũng được hỗ trợ xây nhà mới sau bão. Hàng chục thợ hồ đang tất bật hoàn thiện, đóng những viên gạch men cuối cùng để gia chủ kịp về nhà mới. Đứng ngắm căn nhà rộng rãi, khang trang, bà Lan nghẹn ngào: “Gia đình chỉ có 2 mẹ con, sau bão nhà sập phải đi ở nhờ hàng xóm. Không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo cho những người nghèo như chúng tôi. Con tôi, năm nay cũng đến tuổi nhập ngũ, cháu đã tình nguyện nộp đơn đi bộ đội để phụng sự Tổ quốc”.
Đường Hùng Vương, thị trấn Vạn Giã rợp cờ hoa.
Không chỉ ở thị trấn Vạn Giã mà đến địa phương nào trong huyện chúng tôi cũng cảm nhận được mùa xuân đang đến thật gần. Làng chài Hà Già (xã Vạn Hưng) có đến 70% người dân nuôi trồng thủy sản và đều bị thiệt hại nặng do bão. Thế nhưng những ngày cuối năm, người dân gác lại một năm kém vui để chuẩn bị đón Tết. Gia đình ông Nguyễn Tấn Hòa mất hơn 2 tỷ đồng nhưng ông cũng không muốn nhắc lại câu chuyện bão. Ông Hòa chia sẻ: “Thiệt hại cũng đã qua rồi, giờ đây gia đình không muốn nhắc lại nữa. Tôi đang chuẩn bị đưa bọn trẻ lên thị trấn sắm ít đồ Tết. Sau Tết, gia đình tính vay mượn bà con chòm xóm đóng lại lồng bè để tái sản xuất”. Cùng chung hoàn cảnh với ông Hòa, gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn cũng nuôi tôm hùm và bị thiệt hại hơn 5 tỷ đồng do bão. Chỉ cây sống đời nở hoa đỏ thắm, bà bảo: “Tết năm nay có thể không bằng năm trước, không có cây mai lớn, cây quất đại, nhưng vẫn có cây nhà lá vườn và áo đẹp cho các cháu đón xuân”.
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, đến thời điểm này, việc khắc phục những hậu quả do bão đã cơ bản, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Toàn huyện đang dồn sức chăm lo cho nhân dân vui xuân đón Tết, với quan điểm không để bà con thiếu đói. Tính đến ngày 6-2, huyện đã tiếp nhận và phát 2.045 suất quà Tết cho người dân các xã, thị trấn với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện cũng kịp thời chi trả chế độ ưu đãi cho người có công, quà của Chủ tịch nước, UBND tỉnh, các tổ chức, cá nhân… thăm tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu với tổng kinh phí gần 4,1 tỷ đồng.
Tết đang về vùng cao
Những ngày cuối tháng Chạp, những con đường ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn đã khoác lên mình chiếc áo mùa xuân với cờ hoa rực rỡ. Không khí xuân cũng đã len lỏi vào từng ngôi nhà khi những chậu mai, chậu cúc đã được đặt trước sân, chuẩn bị trang trí Tết.
Chợ Tết vùng cao tuy không tấp nập như ở miền xuôi nhưng cũng đủ các loại mặt hàng phục vụ người dân đón Tết, việc bán mua cũng khá nhộn nhịp. Ông Bùi Văn Chuyền - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Sơn cho hay: “Nguồn hàng hóa phục vụ Tết năm nay phong phú về chủng loại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được bình ổn giá. Để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm Tết, ngoài tổ chức bán hàng bình ổn giá tại 6 cửa hàng thương mại ở 6 xã, thị trấn trong toàn huyện, từ ngày 26 tháng Chạp, trung tâm còn tổ chức các điểm bán hàng lưu động ở những khu vực xa trung tâm. Ban ngày, bà con thường đi rẫy, chiều tối mới đi mua sắm nên các điểm bán hàng mở cửa đến tận khuya để phục vụ người dân mua sắm Tết”.
Đồng bào Raglai ở Khánh Sơn mua sắm Tết.
Cuối tháng Chạp, bước chân của các ama (bố), away (mẹ) người Raglai như hối hả hơn. Cõng trên lưng gùi chuối ra trung tâm xã để bán, ông Mấu Ngự (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) cho biết: “Tranh thủ chuối Tết đang được giá, từ sáng sớm mình và vợ lên rẫy thu hoạch bán để lấy tiền mua sắm Tết”. Sau khi cân bán 3 quầy chuối, ông Ngự quay sang cửa hàng Thương mại Sơn Hiệp để chọn mua thêm mấy gói bánh, kẹo, mứt Tết… rồi mời chúng tôi ghé thăm nhà. Ngồi trong căn nhà mới được xây khang trang sau cơn bão số 12, ông Ngự chia sẻ thêm: “Sau bão, nhìn đống đổ nát vợ chồng mình lo lắng không biết Tết này sẽ ở đâu. Nhưng Nhà nước đã kịp thời xây lại cho mình căn nhà mới, ấm cúng lắm. Không chỉ vậy, gia đình mình còn được nhận quà Tết do các đơn vị tặng nữa. Tết này, có nhà mới, có đầy đủ cái ăn, cái mặc… vợ chồng mình để dành tiền bán chuối mua cái ti vi; mua thêm bánh, mứt… mời xóm làng đến thăm nhà đầu năm”.
Những ngày cuối năm, các chuyến xe chứa chan tình cảm của các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện cũng ngược lên miền núi, mang theo sự sẻ chia. Những món quà xuân ấm áp dành cho đồng bào vùng cao càng khiến cho không khí Tết thêm rộn rã. Bà Phan Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Sơn cho hay: “Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, địa phương đã trao cho đối tượng chính sách (647 phần quà); hộ nghèo (3.235 phần quà); hộ bị thiệt hại nặng do cơn bão số 12; hỗ trợ gạo cho 4.093 hộ trên địa bàn theo các chính sách của Trung ương, của tỉnh. Ngoài ra, UBND huyện Khánh Sơn còn hỗ trợ Tết cho 50 đối tượng chính sách tiêu biểu (500.000 đồng/người), 142 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (300.000 đồng/em). Không chỉ vậy, người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn được các đơn vị giúp đỡ các xã miền núi, các doanh nghiệp đến thăm, tặng quà Tết. Năm nay, 100% hộ trên địa bàn sẽ đón cái Tết no ấm”.
Ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Để đảm bảo tốt các điều kiện cho người dân đón Tết, huyện đã yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, mừng Đảng - mừng xuân, chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ bị thiệt hại do cơn bão số 12; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao; đảm bảo an ninh, trật tự trong dịp Tết… Đến nay, công tác chuẩn bị đón Tết của địa phương đã hoàn tất. Tết này, người dân Khánh Sơn sẽ đón Tết trong không khí tươi vui, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm; đảm bảo không để cho hộ nào thiếu ăn, thiếu ở trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc”.
Theo BaoKhanhHoa