Nhiều người biết đến đảo Bình Ba (TP. Cam Ranh) bởi thiên nhiên hoang sơ, nước biển trong xanh, hải sản tươi ngon. Nhưng nếu có thời gian lưu lại đây lâu hơn, chắc hẳn ai cũng cảm nhận được hòn đảo này không chỉ giàu về kinh tế mà còn đầy ắp tình người.
Hiền hòa, mến khách
Lần đầu tiên tôi đặt chân lên đảo Bình Ba cách đây đã 7 năm nhưng tình cảm chân thành mà người dân hòn đảo bình yên này dành cho tôi còn sâu đậm mãi. Chuyến công tác đến một vùng đất lạ của cậu phóng viên trẻ bỗng trở nên dễ dàng hơn nhiều so với những tính toán ban đầu bởi sự nhiệt thành mà con người nơi đây dành cho khách lạ. Khi đó Bình Ba thực sự hoang sơ. Cả hòn đảo rộng hơn 3km2 nhưng không có một nhà nghỉ nào. Khái niệm du lịch đối với người dân nơi đây còn lạ lẫm. Tôi được gia đình ông Đinh Văn Tưởng cho ở nhờ và coi như khách quý. Tối đến, chúng tôi ngồi bên bờ biển ngắm trăng, nghe sóng vỗ, uống với nhau vài lon bia và thưởng thức loại mực một nắng dai dai, ngọt ngọt mà tôi chưa bao giờ thấy ngon đến vậy. Những câu chuyện cởi mở về con người, vùng đất cứ thế tuôn trào như bạn bè lâu ngày gặp lại. Sáng sớm, cậu con trai cả của ông Tưởng dẫn tôi lên bè tôm rồi câu cá bè, mực tươi lên đãi khách. Từ đó đến nay cũng gần 10 lần tôi quay lại hòn đảo yêu thương này.
|
Đầu năm 2018, tôi có dịp trở lại Bình Ba, có dịp ngồi hàn huyên với ông Bảy Hộ (tên thật là Hồ Văn Na) và bị thu hút bởi lối kể chuyện có duyên cùng kiến thức sâu rộng về vùng đất và con người nơi đây của ông. Ông Bảy Hộ kể: Bình Ba có từ những năm 1820. Khi đó có 3 người đàn ông quê ở Bình Định chở muối vào nam đi buôn. Khi thuận buồm xuôi gió hay khi thiên tai, bão táp họ đều ghé hòn đảo này làm nơi nghỉ chân giữa đường. Thấy hòn đảo tuy nhỏ nhưng phong cảnh hữu tình, kín gió, thiên nhiên ưu đãi nên họ mang cả gia đình đến đây lập nghiệp. Từ đó họ đặt tên cho hòn đảo là Bình Ba, ý nói có 3 người từ Bình Định đến lập nghiệp.
|
Con người Bình Ba vốn hiền hòa, thật thà và mến khách. Ông Lê Văn Nghĩa - giám đốc một công ty đang triển khai dự án du lịch trên đảo Bình Ba tâm sự: “Tôi ở với người dân nơi đây chỉ vài năm nhưng rất yêu quý con người ở đảo này. Họ thật thà đến kỳ lạ, họ tin người đến đáng yêu. Có nhiều hôm tôi đi bộ từ văn phòng dự án xuống một quán tạp hóa để mua nhu yếu phẩm mà quên mang theo tiền. Biết tôi là khách lạ, họ vẫn sẵn sàng cho nợ tiền. Mọi người ở đây đều thật thà, chất phác như vậy”.
|
Hòn đảo ấy không chỉ khiến người nơi khác mê mẩn mà còn giữ chân nhiều người ở lại, gắn bó cả cuộc đời mình. Sống ở Bình Ba đã 25 năm nhưng ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình (gồm đảo Bình Ba và đảo Bình Hưng) lại có quê ở tận Ninh Hòa. 25 năm trước, người lính trẻ biên phòng sau 2 năm làm nghĩa vụ ở đảo Bình Ba đã cảm mến vùng đất và con người nơi đây nên ở lại lập nghiệp. Đó là một ví dụ cụ thể để thấy sức cuốn hút của hòn đảo này đối với con người.
Khá lên nhờ tôm hùm và du lịch
Nhắc đến Bình Ba, người ta nghĩ ngay đến tôm hùm, không chỉ bởi hòn đảo này có đến 90% hộ nuôi tôm, mà còn bởi tôm hùm ở đây ngon không nơi nào sánh bằng. Từ mấy chục năm nay, ngư dân nơi đây nhờ tôm hùm mà xây nhà cao cửa rộng, mua sắm vật dụng hiện đại hơn cả đất liền. Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, để xây một ngôi nhà trên đảo Bình Ba, chi phí tốn gấp 1,5 đến 1,7 lần xây ở đất liền. Toàn bộ vật liệu xây dựng phải vận chuyển bằng tàu gỗ từ đất liền qua. Thợ xây cũng phải thuê ở đất liền ra với chi phí ăn, ở rất cao. Thế nhưng từ đầu thôn đến cuối xóm, từ Bình Ba Đông đến Bình Ba Tây, đâu đâu cũng thấy nhà cửa khang trang, rộng lớn, tiện nghi đủ đầy.
|
Lãnh đạo UBND xã Cam Bình cho biết, năm 2017, toàn xã có 6.800 lồng tôm, sản lượng xuất bán đạt 225 tấn tôm hùm thịt, trong đó tập trung chủ yếu ở đảo Bình Ba. Đặc biệt, cơn bão số 12 đã tàn phá hết vùng nuôi tôm hùm từ Phú Yên đến Vạn Ninh, Nha Trang, Cam Ranh nhưng Bình Ba lại may mắn không bị ảnh hưởng. Thế nên người dân Bình Ba năm nay đã trúng mùa lại được giá nên nhà nhà phấn khởi. Có gia đình trúng lớn vài tỷ đồng, gia đình ít cũng vài trăm triệu đồng.
Không chỉ giàu nhờ tôm hùm, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng phong cảnh hữu tình nên du lịch hiện nay phát triển rất mạnh. Từ chỗ toàn đảo không có nhà nghỉ, khách sạn trước năm 2012, đến nay Bình Ba đã có 28 nhà nghỉ, khách sạn với hơn 300 phòng cùng hàng trăm cơ sở dịch vụ ăn uống, vui chơi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Du lịch phát triển, người dân được lợi. Người nhiều tiền thì xây nhà nghỉ hoặc phát triển loại hình homestay, người ít tiền thì buôn bán, mở nhà hàng hải sản… Nhờ đó thu nhập của người dân ở đây ngày càng được nâng cao.
Ông Nguyễn Ân cho biết, tuy là xã đảo nhưng người dân ở Bình Ba có thu nhập trung bình cao hơn rất nhiều so với các phường trung tâm của TP. Cam Ranh. Năm 2014, tiêu chuẩn nông thôn mới là thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm, nhưng con số này ở Bình Ba là 42 triệu đồng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở đây đã đạt hơn 50 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên đảo cũng chỉ ở mức dưới 2% và giảm dần qua các năm.
Ca nô cao tốc đưa chúng tôi rời đảo Bình Ba khi mặt trời đang chìm dần sau đỉnh núi. Câu nói của ông Bảy Hộ trước lúc chia tay khiến tôi nhớ mãi: “Với thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng, vài năm gần đây du lịch ở Bình Ba phát triển mạnh mẽ. Mong rằng chính quyền sớm có định hướng để du lịch Bình Ba phát triển bền vững, xây dựng nơi đây thành nơi sống lý tưởng của người dân, là điểm đến không thể quên của du khách”.
Theo Báo Khánh Hòa