Về vùng tứ thôn Đại Điền (nay là xã Diên Điền và xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh), đi trên con đường nhựa nối liền 2 xã, ngắm những cánh đồng lúa trải dài, những ngôi nhà mới xây khang trang, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống mới mạnh mẽ trên quê hương Đồng khởi năm nào.
|
Tiếp nối trang sử hào hùng
Cùng chúng tôi đi trên tuyến đường nội đồng được bê tông hóa, lão nông Lê Văn Nhân (71 tuổi, trú thôn Trung 2, xã Diên Điền) nhớ lại, năm 1987, đất canh tác chưa có, ông và một số người dân phải khai phá đất hoang gần hồ Am Chúa để sản xuất. Mỗi năm, người dân nơi đây chỉ làm được một vụ lúa, năng suất thấp, cái đói giáp hạt xảy ra liên miên. Đến nay, gia đình ông đã sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm mỗi năm 2 vụ trên diện tích khoảng 12ha, thu nhập 800 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn làm dịch vụ nông nghiệp với số tiền thu về gần 2,5 tỷ đồng và thu 800 triệu đồng từ nuôi cá nước ngọt mỗi năm… “Ngày nay, không còn cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau nữa, toàn bộ đã được cơ giới hóa, máy móc vào từng chân ruộng, giúp nông dân từ khâu làm đất đến thu hoạch nên năng suất rất cao”, ông Nhân chia sẻ.
|
Ở xã Diên Sơn, Công ty TNHH May Toàn Hưng là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của xã, hoạt động hơn 10 năm nay. Có thời điểm, doanh nghiệp này giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng. Nắm bắt nguồn lao động phổ thông dồi dào của xã, mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng để gia công sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp này đánh dấu sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp của địa phương.
|
Những nông dân dám nghĩ, dám làm như vậy ở vùng đất Diên Điền, Diên Sơn hiện nay không hiếm, họ trở thành chứng nhân tiếp nối trang sử hào hùng cho vùng đất cách mạng này. Sự kiên cường, anh dũng trong đấu tranh cách mạng của thế hệ ông cha đi trước trở thành động lực hun đúc cho ý nghĩ vươn lên thoát nghèo, phát triển thôn, xã của những thế hệ hôm nay. Nhiều năm qua, bài toán khó về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân được Đảng bộ, chính quyền 2 xã giải đáp bằng nhiều quyết sách đúng đắn, như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; vận dụng có hiệu quả các mô hình kinh tế vườn, đồi; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm; chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ… Nhờ đó, quê hương Đồng khởi đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Một lòng theo Đảng
Qua những câu chuyện với người dân và các cựu chiến binh ở 2 xã Diên Điền và Diên Sơn, chúng tôi nhận thấy một điều không bao giờ phai nhạt ở vùng đất này đó là lòng tin đối với Đảng, với cách mạng qua bao thế hệ vẫn luôn nồng ấm. Ngày xưa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân 2 xã Diên Sơn và Diên Điền đã nổi dậy đồng khởi giành chính quyền; ngày nay, người dân đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương trở thành những xã nông thôn mới nâng cao.
Được sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn và sự đồng thuận của lòng dân, xã Diên Điền và Diên Sơn đang ngày càng vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ông Phan Văn Thuần - Chủ tịch UBND xã Diên Điền cho biết, xã đã đạt nông thôn mới nâng cao năm 2021 và đang tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, nước sạch sinh hoạt… đã được xây dựng, góp phần tạo cảnh quan nông thôn khang trang, hiện đại. Ngoài sản xuất lúa, người dân Diên Điền còn sản xuất rau màu; thành lập các tổ liên kết nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại thu nhập cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhờ đó, thu nhập của người dân tăng cao; riêng năm 2022, thu nhập bình quân đạt hơn 44 triệu đồng/người/năm.
Trong khi đó, xã Diên Sơn cũng đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2023. Hiện nay, xã có hơn 500 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể lớn nhỏ, bao gồm các lĩnh vực: khai thác, sản xuất đá xây dựng, hàn sắt, mộc dân dụng, chạm trổ, xay xát lương thực, dệt may... Đặc biệt, các nghề truyền thống như: Làm bánh, bún được người dân tiếp tục duy trì sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Việc phát triển và xây dựng phong trào văn hóa cơ sở luôn được xã coi trọng, xem đó là nền tảng tinh thần của xã hội nhằm bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống cho người dân và xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tiếp nối truyền thống cách mạng của thế hệ cha ông.
Rời vùng quê Đồng khởi, đi trên con đường bê tông liên xã, liên thôn hai bên nở đầy hoa hoàng yến và những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ, chúng tôi chợt nhớ đến một câu thơ trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi: “Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Với sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, nhân dân 2 xã, tin rằng vùng đất cách mạng này sẽ có sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Theo https://baokhanhhoa.vn/ky-niem-370-nam-hinh-thanh-phat-trien-tinh-khanh-hoa/202303/suc-song-moi-tren-que-huong-dong-khoi-8277716/