Trong 5 năm (2019 - 2023), Khánh Hòa liên tục tăng điểm, thăng hạng về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) - PAR INDEX. Năm 2023, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng bậc đáng kể. Kết quả công tác CCHC đã góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
PAR INDEX tăng 11 bậc, SIPAS tăng 10 bậc
Theo công bố mới đây của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, PAR INDEX của Khánh Hòa năm 2023 đạt 88,6% (cao hơn giá trị trung bình của cả nước là 86,98%); xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 2,41% và tăng 11 bậc so với năm 2022; đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đây là lần thứ 5 liên tiếp, PAR INDEX của tỉnh tăng so với năm liền trước.
Trong 8 chỉ số thành phần, tỉnh có tới 5 chỉ số đạt hơn 90% (công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; cải cách tài chính công); 6 chỉ số cao hơn trung bình chung của cả nước. Riêng chỉ số Cải cách tài chính công đạt tới 91,25%, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố, dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Chỉ số xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh xếp thứ 16/63 và được đánh giá khá cao ở các nội dung: Phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp; thiết lập, vận hành hệ thống thông tin giải quyết TTHC; số hóa hồ sơ giải quyết TTHC; thanh toán trực tuyến. Ở chỉ số tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội, nội dung tác động của CCHC đến người dân, tổ chức tăng 10 bậc so với năm 2022; mức độ thu hút đầu tư đạt điểm tối đa; việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội gần đạt điểm tối đa.
|
Công chức Sở Tư pháp hỗ trợ người dân tạo tài khoản để thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. |
SIPAS 2023 của tỉnh chuyển biến tích cực với chỉ số 81,09%, đứng thứ 43/63 tỉnh, thành phố; tăng 4,38% và tăng 10 bậc so với năm 2022. Đặc biệt, 91,41% số người được hỏi đánh giá không có công chức nào gây phiền hà, sách nhiễu; 93,56% người được hỏi xác nhận không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức. Đây là chuyển biến đáng ghi nhận.
Nỗ lực thực hiện trên mọi lĩnh vực
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn coi công tác CCHC là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thông qua việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách; tạo môi trường đầu tư thuận lợi; nâng cao chất lượng dịch vụ công; thiết lập cơ chế giám sát hoạt động quản lý nhà nước; khuyến khích các ý tưởng mới trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Năm 2023, tỉnh đã ban hành 89 văn bản quy phạm pháp luật thực hiện kịp thời các chính sách của Trung ương, chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Ngày 2-4-2023, Cổng Thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh chính thức khai trương, kết nối trực tiếp với dữ liệu quy hoạch của tỉnh, góp phần quan trọng thu hút đầu tư. Tỉnh cũng cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn 100.000 tỷ đồng; điều chỉnh tăng quy mô vốn đầu tư cho 18 dự án, với mức tăng hơn 40.000 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp; hoàn thiện quy chế một cửa liên thông trong cấp giấy chứng nhận đầu tư được đẩy mạnh. UBND tỉnh và các sở, ngành đã tổ chức 37 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
|
Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân tra cứu hồ sơ, thủ tục hành chính. |
Năm qua, UBND tỉnh đã ban hành 79 quyết định công bố danh mục TTHC; rà soát 129 TTHC trọng tâm, từ đó báo cáo, đề xuất đơn giản hóa 12 TTHC, ước tính tiết kiệm chi phí tuân thủ gần 665 triệu đồng. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng, sớm hạn của khối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (khối sở), UBND cấp huyện, cấp xã đạt 99,61%; của khối cơ quan ngành dọc đạt 99,96%. Để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách giảm 50% mức thu phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến so với mức thu thực hiện trực tiếp đối với 5 khoản phí, 5 khoản lệ phí; duy trì giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cho các cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ của TTHC được công bố thực hiện trực tuyến của khối sở, UBND cấp huyện, cấp xã đạt 62,9%; khối cơ quan ngành dọc đạt 92,16%. Tỷ lệ hồ sơ có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến của khối sở, UBND cấp huyện, cấp xã đạt 75,27%, với tổng số tiền thanh toán hơn 134 tỷ đồng.
Cùng năm, Hệ thống Phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh và ứng dụng Phản ánh kiến nghị Khánh Hòa trên thiết bị di động thông minh được đưa vào vận hành. Qua đó, tiếp nhận, phân loại, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý 381 phản ánh, kiến nghị; giải quyết đúng và sớm hạn đạt 75%. Hiện nay, tỉnh tiếp tục xây dựng hệ thống giám sát tiếp công dân. Nhiều mô hình, sáng kiến tại Cuộc thi Mô hình, sáng kiến CCHC của công chức, viên chức trẻ lần thứ 6 - năm 2023 đã được chỉ đạo triển khai trên toàn tỉnh.
Kết quả tích cực trong công tác CCHC góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Năm 2023, GRDP của tỉnh đạt 60.158 tỷ đồng, tăng 10,35%, dẫn đầu khu vực Duyên hải miền Trung và xếp thứ 4 toàn quốc. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 18.000 tỷ đồng, vượt 16,6% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 71.300 tỷ đồng, tăng hơn 7,6% so với năm 2022...
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Đồng chí Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, có được kết quả như trên là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo, điều hành tập trung của UBND tỉnh; sự phối hợp, tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ tích cực của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để duy trì bền vững và có bước tiến mới, các cơ quan, đơn vị cần áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp CCHC; chú trọng đo lường, đánh giá toàn diện, chính xác, khách quan kết quả, tác động của CCHC đối với kinh tế - xã hội, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chủ yếu của việc thực hiện CCHC.
Sở Nội vụ sẽ tham mưu tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế; hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách quản lý; tạo môi trường thật sự thông thoáng, minh bạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, chủ động rà soát, đơn giản hóa TTHC đúng quy định, nhất là các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đầu tư; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Các cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức phát huy trình độ, năng lực, sức sáng tạo; chú trọng các giải pháp nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, tích cực xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; tăng cường bảo mật, an toàn, an ninh mạng; gắn kết ứng dụng công nghệ thông tin với CCHC; đổi mới phương thức làm việc; tiếp tục xây dựng cơ chế và kênh thông tin để tăng cường sự tương tác, tham gia của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đáp ứng đúng nhu cầu, tạo sự đồng thuận trong nhân dân... Tất cả nhằm tạo chuyển biến thực chất nhận thức, hành động về một chính quyền phục vụ, phấn đấu tiến vững chắc đến mục tiêu Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
NGUYỄN VŨ
Theo https://baokhanhhoa.vn/chung-tay-cai-cach-hanh-chinh/202404/thang-hang-cai-cach-hanh-chinh-hai-long-su-phuc-vu-3084f90/