Những năm gần đây, có rất nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thay đổi tư duy, rời bỏ tập quán lao động cố hữu, vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp. Nhờ đó, cuộc sống của họ ổn định hơn, từng bước hòa nhập và bắt kịp với lối sống hiện đại.
|
Khá lên khi có việc làm
Tại phân xưởng chế biến hải sản của Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam, hơn 150 công nhân là người DTTS. Đôi tay thoăn thoắt lột vỏ tôm, chị Cao Thị Kim Ngân (dân tộc Raglai ở xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) cho biết: “Trước đây, mình chỉ ở nhà trông con, còn chồng đi làm thuê. Bữa nào có việc thì có thịt, có cá, hôm nào không có thì ăn sắn, ăn rau. Vì vậy, cuộc sống gia đình gặp nhiều thiếu thốn. Năm 2017, được chính quyền địa phương vận động, mình đăng ký đi làm công nhân. Ngày đầu mới vào làm, công việc còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng nay mình đã thạo nghề và nằm trong tốp công nhân sản xuất giỏi, thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Chồng mình giờ cũng vào làm việc tại công ty, mỗi tháng 2 vợ chồng thu nhập hơn 15 triệu đồng. Cuộc sống gia đình cũng khấm khá, con cái được ăn học đàng hoàng hơn”.
Anh Cao Sương (dân tộc Raglai ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) không giấu được nụ cười rạng rỡ, rất thật, khoe: “Mình đi làm công nhân nên mới cưới được vợ đó!”. Các công nhân làm cùng đều cười ồ, hướng mắt về nữ công nhân gần đó khiến cô này đỏ bừng mặt. Năm 2016, anh Cao Sương xin vào làm công nhân Công ty TNHH Tín Thịnh. Ban đầu cũng rất ngại, nhưng anh dần yên tâm khi được mọi người quan tâm, chia sẻ, sẵn sàng chỉ dẫn công việc. Trong quá trình làm việc, anh làm quen và tiến tới hôn nhân với một nữ công nhân trong công ty. Giờ đây, 2 vợ chồng thu nhập hơn 15 triệu đồng mỗi tháng, họ xây được căn nhà khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình.
|
Đến nay, vợ chồng chị Cao Thị Thắm và anh Cao Tuấn (dân tộc Raglai ở xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) đã có hơn 2 năm làm công nhân Công ty TNHH Hải Vương; thu nhập của 2 vợ chồng hơn 16 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, gia đình anh chị đã thoát nghèo, con cái được ăn học đầy đủ. “Trước đây, cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào 1ha rẫy trồng chuối, bắp nên luôn thiếu trước, hụt sau. Khi các doanh nghiệp tư vấn tuyển dụng, vợ chồng tôi mạnh dạn đăng ký đi làm. Hàng ngày có xe đưa đón, công ty lo ăn và các chế độ rất chu đáo. Mỗi tháng đều có thưởng chuyên cần, năng suất nên ai cũng phấn khởi”, chị Thắm chia sẻ.
Thay đổi tư duy
Khi vào làm việc trong các doanh nghiệp, những lao động người DTTS không chỉ ổn định hơn trong cuộc sống mà ngay trong tư duy, nhận thức và ý thức cũng có nhiều chuyển biến. Anh Cao Sương chia sẻ: “Từ khi vào làm việc trong doanh nghiệp, tôi mới hiểu rõ được giá trị đồng tiền mình làm ra; hiểu được môi trường làm việc công nghiệp. Qua đó, rèn luyện được tính kiên nhẫn; có chịu khó trong lao động thì mới đem lại cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và gia đình, con cái. Đồng thời, hiểu hơn về những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”. Chính tư duy ấy, anh Sương luôn nỗ lực, phấn đấu và được xem là tấm gương sáng trong công ty, hiện anh đã được kết nạp Đảng.
Anh Cao Tuấn tâm sự: “Trước đây, chúng tôi đi rẫy, làm thuê, rảnh rỗi lại mua rượu về uống. Nhiều người say xỉn tối ngày, không lo cho gia đình. Thế nhưng, từ ngày làm công nhân, chúng tôi bỏ hẳn nhậu nhẹt, giữ gìn sức khỏe để tập trung vào công việc. Nhờ đó, cuộc sống không còn vất vả, con cái không còn thiếu ăn, thiếu mặc như trước. Có thu nhập, vợ chồng tôi đã mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt như: tivi, tủ lạnh, xe máy, máy giặt…”.
Bà Nguyễn Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, từ năm 2016 đến nay, xã đã tích cực vận động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến tư vấn, tuyển dụng hơn 200 lao động người DTTS ở địa phương. Môi trường kỷ luật công nghiệp đã tạo ra nhiều chuyển biến trong đời sống, nhận thức của công nhân DTTS. Nhiều hộ xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều vật dụng có giá trị; cuộc sống gia đình tốt hơn nhờ có nguồn thu nhập ổn định.
Còn ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chia sẻ, hiện nay huyện đã vận động và tạo điều kiện cho hơn 190 lao động người đồng bào DTTS làm công nhân. Có việc làm, thu nhập, nhận thức và ý thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số người đi làm trước, thấy hiệu quả đã kêu gọi anh em, người trong làng cùng tham gia. Từ đó, chất lượng cuộc sống được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Doanh nghiệp tạo điều kiện
Phần lớn những lao động công nhân DTTS đều được các doanh nghiệp dành nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện về việc làm, chế độ, chính sách. Ông Mai Hữu Đệ - Tổng vụ Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam nhận xét, đa phần, xuất phát điểm của những công nhân người DTTS là rất hạn chế về trình độ tay nghề, nhận thức. Do vậy, khi tiếp nhận vào làm, đơn vị đều phải đào tạo tay nghề, bồi dưỡng kiến thức về tác phong công nghiệp theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Họ có thể tiếp thu chậm nhưng khi đã tiếp thu rồi thì lại rất chăm chỉ, bền bỉ. Từ đó, tay nghề của họ được nâng dần, gắn bó với công ty. Bên cạnh đó, công ty cũng trả lương theo tuần, như nguyện vọng của họ, chứ không trả theo tháng như lao động khác.
Ông Đoàn Ngọc Cứ - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tín Thịnh cho biết, công đoàn công ty dành nhiều sự quan tâm, chăm lo cho công nhân DTTS. Hàng năm, đều tổ chức hoạt động vui chơi, dã ngoại cho công nhân; tổ chức sinh nhật hàng tháng; các ngày lễ, Tết đều có quà, thưởng cho công nhân… Chính những việc làm đó đã góp phần gắn kết, động viên công nhân gắn bó với công ty. “Hiện, chúng tôi phối hợp với Huyện đoàn Khánh Vĩnh xây dựng chương trình tuyên truyền, tuyển dụng thanh niên người DTTS trên địa bàn làm việc tại công ty. Khi có lao động, công ty sẽ bố trí xe đưa đón, tạo thuận lợi cho công nhân. Đồng thời, hỗ trợ nhà trọ miễn phí cho người lao động nếu có nhu cầu ở lại”, ông Cứ cho hay.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay tại các khu, cụm công nghiệp có khoảng 500 công nhân người DTTS. Mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo Báo Khánh Hòa