Năm 2022, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh Khánh Hòa chuyển biến rất tích cực. Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, điều chỉnh các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công và nâng cao chỉ số PAPI trong các năm tiếp theo.
Nhận diện nội dung cần tiếp tục khắc phục
Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh đạt 43,44 điểm, cao hơn trung bình chung các tỉnh, thành phố 1,09 điểm, tăng 1,75 điểm và tăng 24 bậc so với năm 2021, đứng thứ 16/61, thuộc nhóm đạt điểm cao, vượt mục tiêu đề ra trong kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI 2022 của tỉnh. Tỉnh có 6 chỉ số cao hơn trung bình chung các tỉnh, thành phố, tăng 4 chỉ số so với năm 2021, gồm: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị điện tử. Đây cũng là năm Khánh Hòa có điểm số và thứ hạng chỉ số PAPI cao nhất trong 10 năm qua.
|
Công chức tư pháp - hộ tịch xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) hướng dẫn người dân về thủ tục đăng ký giám hộ. |
Tuy nhiên, tỉnh còn 2 chỉ số nội dung thấp hơn trung bình chung các tỉnh, thành phố. Trong đó, chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp; một số chỉ số thành phần thấp hơn trung bình chung, như: Cơ hội tham gia, chất lượng bầu cử, đóng góp tự nguyện. Chỉ số quản trị môi trường cũng phản ánh chất lượng nguồn nước chưa cao. Kết quả khảo sát PAPI 2022 còn cho thấy, cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh thiết kế chưa đủ thân thiện và dễ sử dụng; chỉ khoảng 20% số người trả lời cho biết ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát việc thực hiện các dự án xây mới, tu sửa công trình công cộng ở địa phương…
Đề xuất nhiều giải pháp
Trong đợt Sở Nội vụ và UBMTTQ Việt Nam tỉnh khảo sát tại TP. Nha Trang cuối tháng 8, ông Trần Tuấn Hiệp - Tổ trưởng Tổ dân phố 2 Nguyễn Thiện Thuật (nam), phường Tân Lập đề nghị, cần có cách tuyên truyền phù hợp với người dân từng khu vực, ở trung tâm đô thị khác ngoại thành, miền núi; cần bồi dưỡng thêm kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng cho cán bộ, công chức; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần tạo ra tương tác tốt giữa người dân với các cấp chính quyền. Đây cũng là nội dung khảo sát chỉ số PAPI. Ông Ngô Văn Lợi - Tổ trưởng Tổ dân phố 6, phường Phương Sài lại đề nghị biên soạn lại các nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp hơn với cấp cơ sở để người dân dễ dàng nắm bắt thông tin.
|
Tại hội nghị trao đổi các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức cuối tuần qua, Thạc sĩ Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) Việt Nam đề nghị tỉnh ưu tiên cải thiện một số lĩnh vực, như: Tiếp tục công khai, minh bạch thông tin để người dân biết, bàn, giám sát và yêu cầu chính quyền giải trình; tạo các kênh tương tác hữu hiệu giữa chính quyền với người dân; giải quyết các "điểm nghẽn" xử lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trả kết quả đúng hẹn, hạn chế nhũng nhiễu; đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dân, nhất là ở nơi xa trung tâm xã, thị trấn; củng cố hệ thống bệnh viện công tuyến huyện, tránh quá tải ở tuyến trên; thiết kế lại cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh cho thân thiện, dễ sử dụng hơn…
Chỉ số PAPI đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI 2022 đo lường qua 8 chỉ số nội dung (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử) với hơn 500 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam.
Để tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, đồng chí Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, gồm: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các thông tin, chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai, các khoản thu, chi ngân sách cấp xã, danh sách hộ nghèo, công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước…; tập trung rà soát, đề xuất cắt giảm các thủ tục hành chính còn rườm rà và công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết; khắc phục những hạn chế được chỉ ra qua kết quả khảo sát PAPI tại cơ sở. Trong đó, các sở, ban, ngành, địa phương chú ý tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo bộ khung nhiệm vụ cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh; tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; giải quyết kịp thời, đúng quy định các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở…
Theo https://baokhanhhoa.vn/phong-su/chung-tay-cai-cach-hanh-chinh/202309/tiep-tucnang-cao-hieu-qua-phuc-vu-cua-chinh-quyen-5fe255f/