Những người con xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) vẫn luôn tự hào về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên. Bởi đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là cái nôi cách mạng tháng Tám trên quê hương Vạn Ninh.
|
Tháng Tám, mùa thu năm ấy…
Vùng đất Vạn Phú vào mùa thu 73 năm trước, cái tên đình Phú Cang đã đi vào lịch sử khi Ủy ban Khởi nghĩa huyện Vạn Ninh chọn làm địa điểm khởi nghĩa đầu tiên. Nơi đây bây giờ vẫn còn lưu lại những dấu ấn về vùng đất lịch sử cách mạng một thời sục sôi - cái nôi của cách mạng tháng Tám của cả tỉnh Khánh Hòa.
|
Trên con đường nhựa thênh thang, ông Tạ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vạn Phú cùng chúng tôi về thăm đình Phú Cang. Ông Trường cũng chỉ là những thế hệ sau ngày cách mạng thắng lợi. Thế nhưng bao năm qua, những câu chuyện ông được nghe các bậc tiền nhân, những chứng nhân lịch sử nơi đây kể lại vẫn còn vẹn nguyên.
Ông Trường tự hào cho biết, nơi đây chính là cơ quan lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa. Sở dĩ chọn địa điểm này bởi nơi đây có lò rèn vũ khí ngay phía sau đình. Không chỉ vậy, với vị trí sát Quốc lộ 1 nên rất thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa.
|
Theo lịch sử Đảng bộ xã Vạn Phú, sau khi được sự chấp thuận của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa về chủ trương khởi nghĩa, ngày 13-8-1945, đồng chí Hoàng Hữu Chấp đã triệu tập cuộc họp Việt Minh huyện để phổ biến chủ trương khởi nghĩa. Hội nghị đã bầu ra ban chỉ đạo gồm 9 đồng chí, do đồng chí Võ Phước Lý phụ trách chung, đồng chí Hoàng Hữu Chấp làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa. Chiều và đêm 13-8, lực lượng khởi nghĩa từ đình Phú Cang đã chia làm 3 nhóm tiến về bao vây, áp sát trụ sở huyện đường Vạn Ninh (hiện nay thuộc thôn Quảng Hội 1, xã Vạn Thắng). Khi tiếng trống phát lệnh khởi nghĩa bắt đầu, các tổ vũ trang của ta đã xông vào huyện đường. Phía ngoài, lực lượng quần chúng mang theo vũ khí thô sơ, nổi trống gõ mõ, đèn đuốc sáng một vùng. Trước khí thế cách mạng của ta, lính lệ không dám chống cự và phải giao nộp toàn bộ vũ khí. Tri huyện Nguyễn Trọng Thuần buộc phải giao ấn tín, giấy tờ, ngân quỹ cho lực lượng khởi nghĩa.
6 giờ sáng 14-8, cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ ở sân huyện đường, tiếng vỗ tay hoan hô của những người mít tinh vang rền. Đồng chí Hoàng Hữu Chấp đại diện Ủy ban Khởi nghĩa bước lên lễ đài tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện; công bố chương trình 10 điểm của Mặt trận Việt Minh và khẳng định đây là cương lĩnh hành động của chính quyền cách mạng. “Nghe các chú, các bác kể lại, chỉ trong 2 ngày 13 và 14-8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn huyện đã hoàn toàn thắng lợi nhanh chóng và trọn vẹn. Huyện Vạn Ninh là một trong những địa phương khởi nghĩa sớm nhất, thắng lợi trọn vẹn góp phần thúc đẩy tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh”, ông Trường nói.
Được biết, năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã công nhận ngày 14-8-1945 là ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Vạn Ninh. Ngày này đã trở thành mốc son, niềm tự hào của người dân nơi đây.
|
Đổi thay trên quê hương cách mạng
Hiện nay, dấu tích về một cuộc khởi nghĩa thắng lợi bắt nguồn từ vùng đất Vạn Phú vẫn vẹn nguyên như minh chứng cho sự trường tồn của lịch sử. Vẫn còn đây đình Phú Cang cổ kính, rồi bia đá lịch sử ghi dấu một thời và cả trụ sở ủy ban năm xưa nằm trong hang núi mãi trường tồn.
Người Vạn Phú luôn tự hào về truyền thống vẻ vang ấy, những thế hệ nối tiếp nhau dựng xây quê hương. Đi trên những con đường bê tông nông thôn mới trải rộng, ông Nguyễn Như Thiết - Chủ tịch UBND xã Vạn Phú khoe với chúng tôi, những năm gần đây, bằng nguồn nội lực và tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, Vạn Phú đã “thay da đổi thịt” từng ngày. “Từ một xã còn nhiều khó khăn, đến nay, Vạn Phú đang từng bước chuyển mình, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi mọc lên san sát và những con đường bê tông được trải dài đến từng ngõ xóm. Cơ sở hạ tầng được chú trọng, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế đã có nhiều tiến bộ; đời sống người dân ngày càng được nâng cao”, ông Thiết phấn khởi chia sẻ.
Bài toán khó về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân được Đảng bộ, chính quyền xã giải đáp bằng nhiều quyết sách đúng đắn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; vận dụng có hiệu quả các mô hình kinh tế vườn đồi… Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước (tăng trưởng bình quân hàng năm 7,4%).
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Vạn Phú là cái nôi của cách mạng tháng Tám năm xưa. Nơi đây ghi dấu sự thành công của cách mạng với những dấu ấn lịch sử nổi bật. Trải qua nhiều biến động lịch sử, Vạn Phú đang từng ngày phát triển. Từ một địa phương khó khăn trăm bề, đến nay, xã Vạn Phú luôn là lá cờ đầu trong các phong trào, các cuộc vận động. Hạ tầng cơ sở được xã đầu tư tương đối cơ bản; đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao; đời sống người dân không ngừng cải thiện, nâng cao. |
Lãnh đạo xã cũng cho biết, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, từ năm 2011 đến nay, xã đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, UBND huyện đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng 1 trường mầm non, xây mới phòng học, sửa chữa nâng cấp trang thiết bị các trường tiểu học, THCS, công trình nhà máy nước sạch, đường 19-8, đường liên xã Vạn Giã - Vạn Phú, Quốc lộ 1 đi Vinh Huề... Các công trình được đầu tư đưa vào sử dụng tại địa phương đã đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đến nay, xã đã đạt 18 tiêu chí nông thôn mới và theo lộ trình trong năm nay sẽ đạt xã nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phú cho biết, để tri ân những gia đình cách mạng, các đối tượng chính sách, những năm qua, địa phương đã xây dựng, sửa chữa 49 nhà cho các đối tượng này với tổng kinh phí hơn 1,13 tỷ đồng; 61 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà cho hộ nghèo với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Ông Văn Bén (79 tuổi, Vạn Phú) bộc bạch: “Trải qua biết bao thăng trầm, những ngày gian khó qua đi, giờ đây được sống ở trên quê hương cách mạng, chứng kiến những đổi thay tôi càng thêm tự hào. Sống gần hết cuộc đời, tôi không nghĩ quê hương phát triển giàu đẹp như thế, từ chỗ không có điện, nước, trường trạm thiếu thốn, nhà tranh vách đất nay mọi thứ đã khác, cuộc sống thêm bao ấm no. Đã gần 20 năm giữ đình Phú Cang, tôi luôn tâm niệm không chỉ giữ mà còn phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, kể cho con cháu - những thế hệ sau này được biết về một thời hào hùng của cha ông”.
Vùng đất Vạn Phú xưa ghi dấu một thời hào hùng, oanh liệt đang vươn mình trên con đường hội nhập thời kỳ mới. Với truyền thống quê hương cách mạng và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Vạn Phú đang nỗ lực từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo Báo Khánh Hòa