Thời gian này, nông dân Khánh Sơn (Khánh Hoà) đang tất bật thu hoạch sầu riêng và nhiều loại cây ăn quả khác. Năm nay, sầu riêng được mùa, được giá nên người trồng sầu riêng hết sức vui mừng.
Tấp nập bán mua
Mướt mồ hôi vì thời tiết mấy ngày nay khá nóng, ông Nguyễn Thành Nhân - thương lái ở Cam Ranh chia sẻ: “Mấy hôm nay, tôi đi khắp các xã: Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Trung để chốt giá, đặt cọc với nhà vườn trồng sầu riêng. Năm nay, giá cả liên tục thay đổi theo hướng tăng nên nhiều nhà vườn chưa muốn bán, đến thời điểm này tôi mới chốt giá mua được vài héc-ta sầu riêng giống Ri6 với giá hơn 50.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước”.
|
Hiện nay ở Khánh Sơn, việc bán mua giữa nhà vườn với thương lái khá sôi động, ngày nào cũng có ô tô lớn đưa sầu riêng đi tiêu thụ. Do số lượng sầu riêng có hạn, trong khi thương lái đổ về đông nên có người ăn dầm nằm dề suốt mấy tuần qua ở Khánh Sơn vẫn chưa mua được vườn nào. Dò hỏi một số gia đình có diện tích sầu riêng lớn, như 2 anh em ông Cao Văn Định và Cao Văn Sang ở thôn Liên Hòa (xã Sơn Bình), được biết nhiều thương lái đã đến chốt giá sầu riêng Monthong là 52.000 đồng/kg, Ri6 là 45.000 đồng/kg nhưng 2 ông chưa muốn bán. Với diện tích sầu riêng 32ha, tổng sản lượng khoảng 520 tấn quả, vụ này 2 anh em ông Sang thu nhập hàng tỷ đồng.
Ông Đào Văn Yến ở thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình) có khoảng 1.500 gốc sầu riêng, khoảng 300 gốc đang cho thu hoạch, diện tích còn lại phần lớn sắp sửa cho trái bói. Ông Yến cho biết: “Năm trước, sầu riêng mất mùa, trái xấu, giá cả không cao lắm, nhưng năm nay, niềm vui của nông dân được nhân đôi khi nhà vườn nào cũng được cả năng suất, chất lượng. 300 cây sầu riêng của gia đình tôi cho khoảng 30 tấn quả, cao hơn năm ngoái cả chục tấn. Chưa kể trái năm nay đẹp, đều, nên bán được giá hơn. Hiện nay, tôi đã cắt được khoảng 20 tấn, số còn lại gần 1 tháng nữa sẽ thu hoạch”. Tương tự, gia đình ông Trần Văn Thanh (xã Sơn Trung) cũng đã chốt giá 52.000 đồng/kg cho khoảng 30 tấn sầu riêng của gia đình. “Đây là mức giá cao so với năm trước. Do muốn giải quyết sớm để còn lo việc khác nên tôi đã ký hợp đồng với thương lái rồi”, ông Thanh cho hay.
|
Ông Lê Anh Quang - cán bộ nông nghiệp xã Sơn Bình cho hay, hiện nay, Hợp tác xã cây ăn quả Sơn Bình cũng đã hoàn tất hợp đồng thu mua 150 tấn quả cho xã viên trong vụ sầu riêng này. Nhiều nhà vườn hiện đã chốt giá, bán hết số quả trên cây cho thương lái, chỉ chờ thu tiền. Còn các thương lái chờ sầu riêng chín đều mới thu hoạch đồng loạt để đưa đi tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ sầu riêng Khánh Sơn không chỉ giới hạn trong tỉnh, TP. Hồ Chí Minh mà ra tận các tỉnh phía bắc…
Tại chợ Tô Hạp, các điểm thu mua, bán trái cây lẻ trên địa bàn huyện Khánh Sơn, sầu riêng Monthong được bán với giá 80.000 đồng/kg, Ri6 73.000 đồng/kg, Chín Hóa 67.000 đồng/kg.
Đổi đời nhờ sầu riêng
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, 1ha sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh, người dân chỉ mất chi phí đầu tư từ 25 - 30 triệu đồng. Với thu nhập khoảng 400 - 500 triệu đồng/ha như năm nay thì sầu riêng đang cho siêu lợi nhuận. Tuy cơn bão số 12 đã tàn phá một số vườn cây, nhưng nhờ đầu tư, chăm sóc tốt, thời tiết khá thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất sầu riêng năm nay đạt rất cao. Bên cạnh đó, nhờ chất lượng, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được khẳng định với người tiêu dùng; sầu riêng Khánh Sơn cho quả muộn (khi sầu riêng các tỉnh phía nam đã thu hoạch xong) nên giá cao hơn mọi năm. Những điều này đã giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn đổi đời, trong số đó có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có của ăn của để từ cây sầu riêng. “Đến năm 2018, Khánh Sơn phát triển được 754ha sầu riêng. Năm nay, năng suất sầu riêng đạt cao, trung bình 60 - 70 tạ/ha; dự kiến sản lượng sầu riêng toàn huyện đạt hơn 3.000 tấn”, ông Hiếu nói.
|
Đến thị trấn Tô Hạp, chúng tôi được ông Bo Bo Khá - người Raglai đưa đi tham quan vườn sầu riêng gần 100 cây của gia đình. Ông Bo Bo Khá nhớ lại: “Trên diện tích khoảng hơn 1ha, trước đây gia đình tôi trồng cà phê và đủ thứ cây khác nhưng thu nhập bấp bênh. Từ khi cây sầu riêng bén duyên với đất Tô Hạp, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi dần sang trồng sầu riêng, đến nay đã gần 10 năm. Năm nay, dự kiến gia đình tôi sẽ thu được khoảng 3 tấn quả, thu nhập hơn 150 triệu đồng. Tôi đang dự tính sẽ tiếp tục bỏ cà phê để trồng thêm khoảng 100 gốc sầu riêng nữa”. Cách nhà ông Khá không xa là nhà ông Bo Bo Ngọc Huyễn, với những cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi, vụ này gia đình ông Huyễn thu được khoảng hơn 3 tấn sầu riêng. Trong căn nhà khang trang được xây dựng cách nay chừng 1 năm, ông Huyễn vui mừng cho biết: “Căn nhà này, gia đình tôi xây dựng được cũng từ tiền bán sầu riêng tích góp từ những vụ trước. Tôi tính vụ này, sau khi bán trái cây xong sẽ mua sắm thêm ít vật dụng trong nhà để cuộc sống tiện nghi hơn”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Toàn xã hiện có 240ha sầu riêng với 3 giống chủ lực là: Monthong, Ri6 và Chín Hóa. Trong đó có 180ha đang kinh doanh. Nếu như trước đây, cây sầu riêng chỉ dành cho người Kinh có điều kiện về kinh tế, nắm bắt được kỹ thuật thì hiện nay nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã trồng được sầu riêng và có thu nhập cao. Cây sầu riêng đang làm đổi thay cuộc sống lẫn nhận thức trong phát triển kinh tế của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”.
Cho hương lan tỏa
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Sơn, đến năm 2018, diện tích cây ăn quả Khánh Sơn phát triển mạnh, toàn huyện có 754ha cây sầu riêng, 55ha chôm chôm, 273ha bưởi, 60ha quýt, 30ha măng cụt, hơn 900ha chuối. Ngoài ra, mía tím cũng là loại nông sản có giá trị kinh tế cao, toàn huyện đã phát triển được 290ha cây trồng này. |
Qua nhiều năm gắn bó với huyện Khánh Sơn, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận định: “Khánh Sơn là địa phương rất thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và thực tế nhiều loại nông sản của Khánh Sơn đã khẳng định được thương hiệu, mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh những nhà vườn có quy mô lớn, được đầu tư bài bản thì vẫn còn nhiều vườn tạp, người dân sản xuất manh mún, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Huyện Khánh Sơn cần phải xác định lợi thế phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để các hộ cải tạo vườn, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị; tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; chú trọng giải pháp kỹ thuật để bảo vệ các loại cây trồng…”.
Về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Những năm qua, huyện Khánh Sơn đã tập trung phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, mít nghệ, bưởi da xanh, quýt đường… Hiện nay, địa phương đang tập trung hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng theo đề án đã được duyệt; trong 2 năm 2017 và 2018, Khánh Sơn sẽ chuyển đổi hơn 614ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả (dự kiến đến năm 2020 sẽ chuyển đổi 1.055ha). Mới đây, huyện tiếp tục thông qua đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2017 - 2020 để hỗ trợ người dân chuyển đổi, trồng 170ha chôm chôm, bưởi da xanh. Ngoài ra, để thương hiệu nông sản Khánh Sơn vươn xa, bên cạnh phát triển thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được công nhận, huyện sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu đối với các loại nông sản chủ lực khác. Để giới thiệu, quảng bá nông sản Khánh Sơn đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, dự kiến trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức hội thi trái ngon Khánh Sơn…”.
Theo Báo Khánh Hòa