Thời gian qua, với sự tham gia tích cực của các ngân hàng, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh ngày càng tăng, góp phần giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.
Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn
Năm 2021, bà Đinh Thị Hiền Nguyễn (thị trấn Khánh Vĩnh) vay 200 triệu đồng từ gói vay trung và dài hạn của Agribank Chi nhánh huyện Khánh Vĩnh để đầu tư nuôi bò sinh sản và kinh doanh một số dịch vụ khác. Đến nay, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, giúp gia đình bà ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng. Không chỉ trường hợp này, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh đã được cung ứng nguồn vốn tín dụng kịp thời. Ông Nguyễn Vũ Hồng Khanh - Phó Giám đốc phụ trách Agribank Chi nhánh huyện Khánh Vĩnh cho biết, chi nhánh hiện có hơn 1.700 khách hàng cá nhân với dư nợ 365 tỷ đồng và 4 khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thương mại dịch vụ và chế biến nông sản với dư nợ hơn 40 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng trên địa bàn huyện tăng trưởng tốt góp phần phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tính đến đầu tháng 12, tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh huyện Khánh Sơn đạt 150,6 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp đạt 44,7 tỷ đồng, chiếm 29,6% tổng dư nợ.
|
Nông dân xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh thu hoạch bưởi da xanh. Ảnh: Công Định |
Lãnh đạo Agribank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, Agribank luôn khẳng định vai trò tiên phong, chủ lực trong việc thực hiện chính sách “Tam nông” theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, cung ứng nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chi nhánh đã triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như: Cho vay theo Nghị định số 31 ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cho vay khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; thực hiện Nghị định số 55 ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Agribank Khánh Hòa đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và tiêu dùng của hộ gia đình. Qua đó, ngân hàng đã góp phần hỗ trợ địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh về nông sản, du lịch...
Góp phần giảm nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tín dụng trên địa bàn 2 huyện miền núi. Nguồn vốn tín dụng đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao đời sống cho người dân. Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khánh Vĩnh, hiện nay, NHCSXH đang triển khai 13 chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Tính đến ngày 12-12, tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn huyện đạt hơn 283,9 tỷ đồng, với 7.586 khách hàng dư nợ. Trong khi đó, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Khánh Sơn đạt 252,3 tỷ đồng với 6.400 khách hàng dư nợ. Một số chương trình có số dư nợ lớn, cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, như: Cho vay ưu đãi hộ nghèo theo Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; các chương trình cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
|
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện Khánh Vĩnh. |
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, mặc dù hầu hết các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đều cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và miền núi nhưng vai trò chủ đạo cho vay đối với lĩnh vực này vẫn là các ngân hàng thương mại nhà nước. Trong đó, hạt nhân là Agribank Chi nhánh Khánh Hòa và NHCSXH tỉnh với ưu thế về mạng lưới rộng khắp, cơ sở vật chất đầy đủ, lực lượng lao động dồi dào, có nhiều kinh nghiệm cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hai hệ thống tín dụng này luôn ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và miền núi nên tỷ trọng cho vay khu vực này luôn cao hơn so với các chi nhánh tổ chức tín dụng khác trên địa bàn tỉnh.
MAI HOÀNG
Theo https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202312/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-tinh-khanh-hoa-nam-2023-von-tin-dung-tro-luc-cho-vung-cao-4841db2/