Luật Tố cáo năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 bao gồm 9 chương, 67 điều với nhiều điểm mới, đã khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế của Luật Tố cáo năm 2011 trước đây, trong đó có điểm mới là rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo.
Luật Tố cáo 2011 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Để giải quyết tố cáo kịp thời theo đúng nguyên tắc giải quyết tố cáo quy định tại Điều 4, Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Đồng thời quy định người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 30). Tuy nhiên, để thực hiện đúng quy định nêu trên, cần phải có cơ chế, biện pháp bảo vệ hợp lý, đây cũng là một trong những nội dung bảo đảm cần thiết cho việc thực hiện quyền tố cáo của công dân.
Luật Tố cáo 2018 quy định cụ thể người có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước (Điều 13); đồng thời, quy định về việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo (từ Điều 25 đến Điều 27) và quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo gồm 4 bước: Thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo (từ Điều 28 đến Điều 36); theo đó, đã quy định trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc thực hiện 4 bước với thời hạn giải quyết nêu trên.
Cũng như thủ tục giải quyết khiếu nại, trên thực tế tại Khánh Hòa, thủ tục giải quyết tố cáo được thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước, nhiều thủ tục và mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, Luật Tố cáo 2018, chỉ đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, xác định rõ người giải quyết tố cáo là người có thẩm quyền giải quyết tố cáo; không quy định về trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan tham mưu, cũng như người được giao nhiệm vụ xác minh tố cáo. Trong khi thực tế, việc tiếp nhận, xử lý tố cáo giao cho cơ quan khác (như Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Ban Tiếp công dân tỉnh thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý đơn); việc thụ lý, xác minh tố cáo thường giao cho cơ quan Thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan tham mưu khác. Trình tự, thủ tục trình văn bản thụ lý, giải quyết tố cáo chiếm rất nhiều thời gian, có khi đã quá thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật, mặc dù Luật Tố cáo 2018 đã quy định cụ thể việc giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết (Điều 38) nhưng chưa quy định cụ thể chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm chậm trễ giải quyết tố cáo.
Để giải quyết tố cáo đúng thời hạn theo quy định của Luật Tố cáo 2018, bảo đảm quyền tố cáo của công dân, cần phải có cơ chế, biện pháp bảo vệ cụ thể sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh và đổi mới hình thức tuyên truyển, phổ biến, giáo dục Luật Tố cáo 2018 phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đối thoại, vận động, thuyết phục Nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương tránh phát sinh tố cáo.
Thứ hai, ban hành Quy định về quy trình giải quyết tố cáo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; theo đó, quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân; mối quan hệ phối hợp trong tham mưu giải quyết tố cáo; hình thức xử lý vi phạm đối với tập thể, cá nhân có liên quan do việc vi phạm các quy định khi giải quyết tố cáo.
Thứ ba, tăng cường thanh tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về tố cáo; giám sát việc xử lý vi phạm, các kết luận thanh tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về tố cáo.
Thứ tư, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng trong việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó chú trọng giám sát chuyên đề, vụ việc và phát huy hiệu quả phản biện xã hội theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và Quy định số 162 -QĐ/TU, ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh theo Quyết định số 218-QĐ/TW.
Thứ năm, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân và giải quyết tố cáo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nguyễn Như Hoa - Ban Nội chính Tỉnh ủy