Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quy chế tiếp nhận, quản lý và xử lý thông tin qua đường dây nóng về chi phí không chính thức (những phản ánh về đòi hỏi, vòi vĩnh chi phí bồi dưỡng, thu các loại phí không đúng quy định khi giải quyết thủ tục hành chính…) nhằm mục đích phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên qua một năm triển khai thực hiện, kết quả hoạt động của đường dây nóng vẫn còn rất hạn chế.
Theo Báo cáo số 169/BC-UBND ngày 23/9/2019 của UBND tỉnh, kể từ khi thiết lập đường dây nóng (số điện thoại 0258.3527135 và hộp thư điện tử thanhtra@khanhhoa.gov.vn), toàn tỉnh không phát sinh cuộc gọi, thư điện tử cung cấp thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về các hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh chi phí bồi dưỡng, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước khi tiếp nhận giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp… Thế nhưng việc phản ánh, tố cáo của người dân về các hành vi tiêu cực còn rất ít và nếu có thì hầu hết đều thông qua hình thức đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân, doanh nghiệp chưa thực hiện việc phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng vặt qua đường dây nóng chi phí không chính thức là do công tác tuyên truyền, phổ biến số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử còn hạn chế, chưa được thực hiện liên tục, đều khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn tâm lý sẵn sàng chấp nhận việc chi bồi dưỡng để công việc của mình được giải quyết nhanh, gọn, dễ dàng, thậm chí không đúng quy định hoặc vì không muốn phiền hà, tốn thời gian nên không mặn mà với việc phản ánh, tố giác các hành vi tiêu cực.
Thực tiễn cho thấy người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và biết rõ nhất về các hành vi tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức nhà nước. Chỉ khi có sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân thì công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mới có hiệu quả và thành công. Chính vì vậy, việc mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin để người dân có thể tham gia phản ánh, tố giác hành vi tham nhũng là hết sức quan trọng, trong đó đường dây nóng là kênh tiếp nhận thông tin nhanh chóng và dễ dàng nhất.
Nhanh chóng, trực tiếp, kịp thời là những tiện ích mà đường dây nóng tiếp nhận thông tin về chi phí không chính thức mang lại, tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của nó thì cần sự tích cực, chủ động nhiều hơn nữa của cả chính quyền và người dân. Trước mắt, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm niêm yết thông tin về số điện thoại, hộp thư điện tử cũng như quy chế hoạt động của đường dây nóng tại trụ sở và công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị, đồng thời tăng cường tuyên truyền về đường dây nóng thông qua áp phích, tờ rơi, qua đó thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin phản ánh, tố giác hành vi tiêu cực, tham nhũng. Các cơ quan thông tin, báo chí cần phát huy tốt vai trò của mình thông qua việc thường xuyên thông tin, tuyên truyền về đường dây nóng tiếp nhận thông tin chi phí không chính thức của tỉnh đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Về lâu dài, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, thanh niên về tác hại của tham nhũng, nhận diện được các hành vi tham nhũng, qua đó xây dựng tinh thần kiên quyết đấu tranh trước những biểu hiện tiêu cực, tạo sự ủng hộ và tham gia tích cực của công chúng trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, việc xử lý các thông tin phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp phải đảm bảo thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi, kịp thời. Công tác bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện tốt. Việc kiểm tra, xem xét, giải quyết thông tin phản ánh, tố cáo của người dân phải được thực hiện kịp thời, công tâm, khách quan, đúng quy định pháp luật và có trả lời để người dân được biết. Có như vậy mới tạo được niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp về quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, để người dân thực sự an tâm khi thực hiện việc phản ánh, tố giác hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.
Với một số giải pháp nêu trên, hi vọng trong thời gian tới đường dây nóng tiếp nhận thông tin về chi phí không chính thức của tỉnh sẽ hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt theo như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Xuân Thỏa - VPTU