Khi bị kẻ xấu lấy cắp mật khẩu tài khoản MXH nhằm chiếm đoạt quyền truy cập thì người bị hại phải làm gì để giảm thiệt hại cho mình và người khác? Theo một cán bộ ở Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội: Nếu phát hiện bị hacker tấn công lấy mất mật khẩu, tước quyền truy cập trên Facebook, Twister, Zalo… thì việc đầu tiên nên làm là báo cáo với cơ quan chức năng. Đồng thời, bằng nhiều hình thức để thông báo ngay với những người thường liên lạc qua MXH về tình trạng nói trên. Trở lại trường hợp của anh Đàm Quang Huy ở phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) mà bài trước chúng tôi đề cập, sau khi bị kẻ xấu chiếm quyền truy nhập tài khoản Facebook cá nhân nhằm lừa đảo, anh đã báo cáo sự việc với cơ quan chức năng về an ninh mạng. Sau một thời gian theo dõi, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã tìm ra thủ phạm là một thanh niên cư trú ở TP Đà Nẵng nhưng nơi nạp thẻ lại tại một quán game ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Đối tượng này đã lừa được nhiều người bằng hình thức chiếm đoạt tài khoản MXH rồi nhờ mua thẻ nạp tiền cước điện thoại.
Thời gian qua, Công an TP Hà Nội cũng đã xử lý hàng chục vụ tấn công, lấy cắp tài khoản MXH, thông tin cá nhân nhằm lừa đảo. Tuy nhiên, trong số nhiều vụ việc bị hacker tấn công, không ít người vì các lý do riêng hoặc chủ quan không thông báo tình trạng tài khoản MXH bị đánh cắp. Chính điều đó đã tạo điều kiện cho kẻ gian thực hiện việc làm phi pháp tiếp theo.

Sử dụng Facebook để tìm kiếm thông tin, giải trí và kết nối bạn bè trở thành thói quen của nhiều người.
Luật sư Lê Văn Nghĩa, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về "Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng" thì các hành vi bị cấm được nêu rõ trong Điều 5: “Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên internet…”. Tuy nhiên, trước hết mỗi người dùng MXH phải tăng cường biện pháp bảo mật bằng cách dùng mật khẩu với những ký tự khó đoán, thường xuyên thay đổi mật khẩu, bỏ thói quen lưu mật khẩu, nhất là khi đăng nhập ở nơi đặt máy tính công cộng để kẻ gian khó xâm nhập, đánh cắp. Mặt khác, không nên kích hoạt vào đường link, trang web lạ, tránh bị vi-rút tấn công, lấy cắp mặt khẩu và tài khoản; nhớ các câu hỏi bí mật, bảo mật thông tin cá nhân khi lập email, tài khoản MXH; cần hết sức cảnh giác với những lời mời, tin nhắn thông báo trúng thưởng trên MXH...
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Công nghệ Bkav: Để phòng tránh nguy cơ mất tài khoản MXH, người dùng cần hạn chế kích hoạt vào các ứng dụng mà mình được “mời” (invite) chơi, trừ khi biết chắc ứng dụng đó là an toàn. Bên cạnh đó, nên sử dụng thủ thuật bảo mật hai lớp để có thể khôi phục quyền sở hữu tài khoản trong trường hợp bị đánh cắp; cảnh giác trước những website yêu cầu xác nhận thông tin tài khoản. Việc xác thực tài khoản MXH Facebook thường chỉ được thực hiện một lần duy nhất sau khi người dùng đăng nhập. Khi tham gia các ứng dụng hay trò chơi (game) trên nền tảng này, Facebook chỉ yêu cầu người dùng xác nhận việc chấp nhận hay không chấp nhận tham gia ứng dụng/game đó. Do vậy, gần như chắc chắn những yêu cầu xác nhận tài khoản là giả mạo.
Có thể thấy rằng, hầu như người dùng MXH đều có kiến thức về xã hội, chính bởi thế, để phòng gian, bên cạnh việc cảnh giác, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, khi nhận được lời mời hấp dẫn như người lạ tặng quà, trúng thưởng với hiện vật, số tiền lớn hay dạng giao kèo làm ăn mà không có gặp gỡ trực tiếp, không bảo đảm tính pháp lý, chủ tài khoản MXH nên đề phòng để không bị mắc bẫy. Trước bối cảnh việc lợi dụng MXH như hiện nay, khối tài chính, ngân hàng cũng đã có nhiều giải pháp đề phòng, trong đó nhiều ngân hàng xây dựng các lớp bảo mật khác nhau nhằm hạn chế rủi ro trong giao dịch online. Song một trong những biện pháp hàng đầu là người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP hay mã kích hoạt ứng dụng một lần OTP, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, kể cả người trong danh sách bạn bè trên Facebook.
Theo Tập đoàn Công nghệ Bkav, năm 2018 nổi lên hiện tượng lấy cắp tài khoản Facebook thông qua các comment dạo (bình luận). Qua nghiên cứu của Bkav, hơn 83% người sử dụng MXH Facebook đã gặp các comment kiểu này. Chuyên gia Bkav phân tích, kẻ xấu đã dùng các tài khoản Facebook với hình đại diện là hotgirl xinh đẹp, sexy để comment vào bài viết hoặc group đông người quan tâm. Các nội dung comment thường rất hấp dẫn, mời gọi, như: “Chat với em không”, “Kết bạn với em nhé”,… Nếu tò mò bấm vào xem trang cá nhân của tài khoản “bẫy” này, nạn nhân có thể bị lừa mất tài khoản Facebook. Để phòng tránh, người dùng tuyệt đối không bấm vào đường link đến từ những người chưa tin tưởng. Ngay cả khi link được gửi từ bạn bè, người dùng cũng cần chủ động kiểm tra lại thông tin trước khi bấm xem. |
Theo Qdnd.vn