Sau khi Nghị định 139 ra đời thay thế Nghị định 180 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, lãnh đạo UBND các xã, phường lúng túng bởi quy định cắt điện, nước đối với công trình vi phạm đã bị bãi bỏ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Luật học Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, việc này vẫn có thể thực hiện khi áp dụng theo quy định tại hợp đồng mua bán.
Nghị định 139 quy định đúng luật
Tiến sĩ Lê Xuân Thân cho biết, trong thời bao cấp, điện và nước được cấp theo tiêu chuẩn. Khi đất nước mở cửa và đổi mới, những nội dung này chuyển sang kinh tế thị trường, từ cấp phát sang mua bán. Khi mua bán thì có hợp đồng, trong đó có các điều khoản quyền lợi đi kèm với nghĩa vụ giữa bên mua và bên bán. Khi bên mua vi phạm quy định trong hợp đồng thì bên bán có quyền tạm ngừng, thậm chí chấm dứt hợp đồng.
|
Nghị định 180 của Chính phủ quy định UBND cấp xã có quyền cắt điện và nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Theo quy định này, UBND cấp xã khá thuận lợi trong việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, khi rà soát lại quá trình thực hiện thì thấy quy định này không nằm trong điều luật nào. Trong khi muốn phạt cái gì thì cũng phải nằm trong luật, có mức độ, nằm ở điều mấy, khung phạt gì… Trong biện pháp xử phạt vi phạm hành chính thì có xử phạt cảnh cáo và phạt tiền. Bên cạnh đó, có biện pháp khắc phục hậu quả. Ví dụ, đổ đất lấn biển thì phải múc lên, xây nhà thì đập đi trả lại nguyên hiện trạng.
“Có nhiều phản ánh lên cơ quan nhà nước và Chính phủ thấy rằng Nghị định 180 không phù hợp nên phải thay thế bằng Nghị định 139. Nghị định 139 ra đời để thực hiện các xử lý vi phạm là đúng luật, phù hợp”, Tiến sĩ Lê Xuân Thân nói.
Cắt điện, nước theo quy định trong hợp đồng mua bán
Trong Luật Điện lực và các Nghị định thi hành Luật Điện lực đã quy định rất rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua điện. Tại khoản 4, Điều 12 của Nghị định 137 về hướng dẫn thi hành Luật Điện lực có quy định bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện nếu bên mua điện không thực hiện biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng. Tại khoản 2, Điều 13 của Nghị định này cũng quy định hành vi vi phạm của bên mua, gồm: trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đăng ký, sử dụng điện sai mục đích trong hợp đồng, sử dụng công suất quá đăng ký ghi trong biểu đồ, không thanh lý hợp đồng khi không sử dụng điện… Như vậy, các trường hợp sử dụng điện mà vi phạm theo quy định này thì điện lực có quyền ngưng cung cấp điện. Tuy nhiên, lâu nay, điện lực chưa làm đúng luật và nghị định này. Đối với quy định cắt nước cũng tương tự như việc cắt điện và có Nghị định 117 năm 2007 về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định rõ ràng.
Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát các khu vực xây dựng trái phép ở các xã: Phước Đồng, Vĩnh Thái (TP. Nha Trang)… Lãnh đạo các xã cho biết, Nghị định 139 đã hạn chế quyền của xã, khiến cho tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trở nên phức tạp hơn. Sau khi xem xét, Thường trực HĐND tỉnh đã làm việc với Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa yêu cầu hai đơn vị thực hiện nghiêm hợp đồng mua bán và các quy định trong luật để ngừng cung cấp dịch vụ đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng. Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu hai công ty phối hợp chặt chẽ với địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm. UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi hai công ty yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định nêu trên.
“Ví dụ, nhà anh mua điện sinh hoạt nhưng cho nhà bên câu điện qua để xây dựng trái phép. Hoặc có trường hợp sử dụng điện nhưng câu qua một số gia đình để bán điện với giá cao là hành vi mua bán điện trái phép. Như vậy, các trường hợp này đã vi phạm hợp đồng và điện lực có quyền cắt điện ngay. Khi tôi làm việc thì lãnh đạo hai công ty cung cấp điện và nước rất đồng tình. Hy vọng đây là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng xây dựng trái phép diễn ra phức tạp trong thời gian qua”, Tiến sĩ Lê Xuân Thân cho hay.
Theo Báo Khánh Hòa