Cùng với việc “xẻ thịt” đồi núi để phân lô bán nền đất ở, nhiều khu vực đất rừng sản xuất trên địa bàn xã Vĩnh Phương đang diễn ra tình trạng xây dựng trái phép. Đặc biệt, có khu vực đã hình thành khu dân cư tự phát khá đông đúc, thậm chí mọc lên cả những ngôi chùa, cốc…
Những khu dân cư tự phát
Những ngày bám địa bàn thôn Tân Thành để ghi nhận hoạt động “biến” đất đồi thành đất ở, chúng tôi còn chứng kiến tình trạng xây dựng trái phép tràn lan nơi đây. Trong khu vực đất rừng sản xuất ở cuối thôn, hiện nay đã hình thành nên khu dân cư tự phát với hàng chục nhà dân, trong đó có những căn nhà vừa hoàn thiện, chưa có người đến ở, có những căn đang được xây dựng… Ngay bên ngã ba đường vào khu dân cư tự phát, chúng tôi chứng kiến gần chục người thợ đang tất bật hoàn thiện một căn nhà khá lớn. Một người thợ tiết lộ, chủ nhân của căn nhà này ở phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang, cuối tuần mới đến kiểm tra thợ làm. “Toàn bộ khu này đều là đất rừng nên không được phép xây dựng. Nhóm của tôi đã xây nhiều căn ở đây nhưng chưa có căn nào bị xử lý. Riêng căn này cũng thế, sau gần 2 tháng thi công, hiện nay đã sắp hoàn thiện mà không thấy cơ quan nào đến hỏi”, người này nói.
|
Ở khu vực ngọn núi tại thôn Đắc Lộc 1 mà chúng tôi đã phản ánh trong kỳ trước, hoạt động xây dựng trái phép còn có phần ngang nhiên hơn nhiều. Hàng loạt căn nhà đã và đang được xây dựng từ khu vực dưới chân núi lên đến đỉnh núi. Đặc biệt, hầu hết công trình xây dựng nơi đây không phải là “nhà tạm” tiền chế theo kiểu “làm chui” như thường thấy ở nhiều nơi khác, mà được xây dựng rất kiên cố, có cả kết cấu bê tông cốt thép và diện tích lớn. Riêng thời điểm chúng tôi tiếp cận, đã ghi nhận được 2 công trình nhà ở như thế, ước chừng mỗi căn có diện tích hơn 100m2, trong đó 1 căn nằm ở khu vực đỉnh núi. Đáng nói hơn, từ khu vực lưng chừng kéo lên đỉnh núi, đã có những ngôi chùa, cốc mọc lên, nhìn tổng thể từ chân núi lên khu vực này như một quần thể cơ sở thờ tự trải rộng cả sườn núi.
Cứ “chung” tiền là xây được?
Trong các cuộc “thương thảo” với chủ đất rừng, chúng tôi đều được họ khẳng định sẽ “lo lót” cho chúng tôi xây nhà trót lọt, nếu mua đất của họ. “Nhà tôi ở trong khu vực này, cũng xây dựng không phép mà có sao đâu. Vấn đề là các chú chịu chi tiền lót tay, còn việc nhờ cậy người có chức trách trong vấn đề này thì chị giúp cho. Chị đã giúp cho không ít người mua đất của chị cất nhà ở khu vực này rồi nên các em cứ yên tâm. Tiền “lót tay” cho mỗi căn nhà cấp 4 ở khu vực này cùng lắm cũng không đến 10 triệu đồng”, bà T.- chủ rao bán đất rừng ở thôn Tân Thành nói. Còn bà Ph. thì dẫn chúng tôi đến các công trình đang xây dựng quanh khu vực đất của bà trên đỉnh núi ở thôn Đắc Lộc 1 và quả quyết: “Nếu các chú mua đất của tôi, tôi sẽ lo giúp cho các thủ tục giấy tờ về đất đai cũng như việc xây dựng nhà mà không bị xử lý. Mỗi trường hợp như thế chỉ tốn khoảng 7 - 8 triệu đồng. Nếu các chú không tin thì cứ hỏi mấy chủ công trình này sẽ rõ”. Không chỉ các chủ đất mà ngay cả những chủ công trình xây dựng trái phép ở các khu vực trên mà chúng tôi tiếp xúc đều cho biết, xây dựng trên đất rừng sản xuất, nếu không “lo lót” thì kiểu gì cũng bị cơ quan chức năng cưỡng chế phá dỡ công trình.
|
Trao đổi với chúng tôi về việc “bảo kê” xây dựng trái phép trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương cho biết, bà cũng đã nghe một số người dân phản ánh về việc này. Bản thân bà cũng đã vận động người dân thu thập bằng chứng và đứng ra làm chứng để phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này, nhưng những người dân phản ánh sau đó đã từ chối. “Tôi được nghe người dân phản ánh mỗi trường hợp xây dựng trái phép ở thôn Tân Thành phải “chung tiền bảo kê” cho cán bộ cơ sở 19 triệu đồng chứ không phải chỉ 7 - 8 triệu đồng. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này và đang tiếp tục theo dõi, xác minh. Nếu phát hiện có "bảo kê" sẽ đề nghị cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”, bà Tuyết cho biết.
Khó quản lý, hay buông lỏng?
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Phương đều xác nhận có tình trạng khai thác trái phép đất rừng sản xuất để san lấp mặt bằng, phân lô bán nền và xây dựng công trình trái phép ở những khu vực nói trên. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tuyết, tình trạng khai thác đất trái phép trên các dãy núi ở thôn Như Xuân đã chấm dứt gần 2 năm nay, nhưng gần đây có một số trường hợp lén lút khai thác nhỏ lẻ vào những ngày cuối tuần. Vừa qua, lực lượng của địa phương đến kiểm tra, nhưng đối tượng trực tiếp khai thác đã bỏ trốn nên không xử lý được. Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp các hình ảnh về tình trạng khai thác đất ồ ạt với quy mô lớn ở khu vực nói trên, bà Tuyết đã khá ngạc nhiên và cho biết, sắp tới sẽ cho lập chốt để ngăn chặn, xử lý rốt ráo tình trạng này.
Ông Trương Ngọc Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương xác nhận, các khu vực khai thác đất, phân lô bán nền và các trường hợp xây dựng trái phép nói trên đều thuộc khu vực đất rừng sản xuất và hiện tại không phù hợp với quy hoạch khu dân cư của địa phương. Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Phương cũng thừa nhận, tình trạng trên tại địa phương diễn ra trong thời gian qua khá phức tạp. Theo đó, địa phương đã xử lý nhiều trường hợp xây dựng trái phép, kể cả nhà dân và chùa, cốc, nhưng sau đó không ít trường hợp tái phạm. Dù vậy, bà Tuyết và ông Quý đều tỏ ra bất ngờ trước những hình ảnh do phóng viên cung cấp, cho thấy tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn là khá rầm rộ, đặc biệt là việc mọc lên những ngôi chùa, cốc, nhà ở quy mô lớn trên ngọn núi ở thôn Đắc Lộc 1.
Rời thôn Đắc Lộc 1, nhìn cảnh từng tốp thợ tiếp tục vận chuyển vật liệu xây dựng lên núi, ngang nhiên xây cất những công trình kiên cố, chúng tôi tự hỏi, tình trạng xây dựng trái phép nơi đây có thật sự khó phát hiện, xử lý hay do lực lượng chức năng buông lỏng quản lý?
Theo Báo Khánh Hòa