Từ khi có Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến.
|
Nhiều hình thức, mô hình phổ biến
Những năm qua, các trường học đều giảng dạy môn: Đạo đức, Giáo dục công dân; lồng ghép giáo dục dân số, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng, chống về ma túy, tội phạm, tham nhũng… cho học sinh các cấp và tổ chức đánh giá kết quả. Hoạt động ngoại khóa được tổ chức sôi nổi qua các cuộc thi: tìm hiểu pháp luật, hái hoa dân chủ, 7 sắc cầu vồng, rung chuông vàng, tọa đàm pháp luật… thu hút hàng trăm ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên tham gia. Một số trường điển hình như: Mầm non Hương Sen, Tiểu học Lộc Thọ, THCS Thái Nguyên, THPT Nguyễn Văn Trỗi, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp Nha Trang… Riêng năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hơn 35.000 lượt hoạt động ngoại khóa. Nhiều trường còn xây dựng chuyên mục thư viện pháp luật trên website của trường.
3 năm qua, mô hình trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ yếu thế của Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư tỉnh cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Luật sư Lục Thị Thụy - Chủ tịch Hội cho biết, 16 hội viên đều là luật sư. Từ khi thành lập hội đến nay, các nữ luật sư đã tư vấn pháp luật miễn phí cho nhiều trường hợp tại văn phòng hoặc tại cơ sở; có lần tư vấn cho hàng trăm người. Bên cạnh đó, các chị còn tham gia tố tụng tại tòa án miễn phí để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những phụ nữ yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Với sự giúp đỡ của các nữ luật sư, nhiều đối tượng đã được giải đáp vướng mắc pháp luật; nhiều chị em đòi lại được công bằng, buộc kẻ thủ ác phải trả giá.
Ở TP. Cam Ranh, việc các câu lạc bộ (CLB) pháp luật chọn giới thiệu những nội dung phổ biến pháp luật về dân sự, hình sự, đất đai, phòng, chống bạo lực gia đình… đang được người dân ủng hộ vì giúp nắm bắt nhanh thực tiễn. 16 CLB nông dân với pháp luật ở TP. Nha Trang lại giúp hội viên khá hiệu quả về thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm. UBND TP. Nha Trang cũng chuẩn bị đưa vào hoạt động văn phòng tư vấn pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động. UBND huyện Khánh Vĩnh tổ chức 2 hội thao lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và cán bộ, công nhân, viên chức. Thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, hướng dẫn công dân, thị xã Ninh Hòa đã tư vấn, hướng dẫn pháp luật cho hơn 900 lượt công dân. Nhiều mô hình do Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng đã phát huy hiệu quả PBGDPL như: tổ tàu thuyền tự quản, bến bãi an toàn, cho ngư dân viết cam kết chấp hành pháp luật. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức hội thi Bí thư chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn giỏi năm 2019. Trường Đại học Khánh Hòa xây dựng chuyên mục Giáo dục pháp luật trên website của trường…
Hoạt động PBGDPL cho đối tượng đặc thù cũng được chú trọng thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật, cung cấp tài liệu bằng tiếng dân tộc; lồng ghép PBGDPL trong hoạt động văn hóa truyền thống... 6 tháng đầu năm nay, đã có gần 25.000 đối tượng đặc thù được trợ giúp, tư vấn.
Tiếp tục nâng cao chất lượng
Tại buổi làm việc với tỉnh cuối tháng 5, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng đoàn kiểm tra Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương đánh giá, chuyển biến quan trọng nhất là ý thức chấp hành pháp luật của người dân Khánh Hòa khá tốt, thể hiện ở chỗ tuy tỉnh triển khai nhiều dự án quan trọng, dân số tăng trưởng nhanh nhưng tình hình an ninh chính trị vẫn ổn định. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL còn chưa đồng đều…
Ông Đặng Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh) cho biết, ngay sau khi có Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo triển khai. Kinh phí cấp cho hoạt động PBGDPL của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tăng đáng kể (năm 2019 là 513 triệu đồng, tăng gần gấp đôi năm 2018), chưa kể kinh phí của các sở, ngành, đoàn thể để PBGDPL tại đơn vị. Nhờ đó, qua 15 năm, đặc biệt 5 năm gần đây, công tác PBGDPL được tổ chức thực hiện ngày càng đồng bộ và chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một số đơn vị chậm đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền. Đội ngũ làm công tác PBGDPL còn thiếu và hạn chế về chuyên môn; đa số hoạt động kiêm nhiệm. Việc tuyên truyền pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa đạt hiệu quả.
Thời gian tới, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh sẽ kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên; tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL và cung cấp kịp thời tài liệu cho người làm công tác PBGDPL; tiếp tục đổi mới, kết hợp sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền; chú trọng hơn công tác biên soạn, cấp phát tài liệu. Ông Khánh cũng đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng; biên soạn, cấp phát kịp thời tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho báo cáo viên pháp luật.
Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh và huyện hiện có 242 thành viên. Toàn tỉnh có hơn 1.500 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; 1.010 tổ hòa giải với gần 5.500 hòa giải viên. 5 năm qua, các đơn vị, địa phương đã tổ chức gần 19.000 hội nghị PBGDPL; hòa giải thành hơn 3.600 vụ việc, đạt 91,75%. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị đã PBGDPL cho hơn 127.000 lượt người; cấp phát miễn phí gần 45.000 tài liệu pháp luật; hòa giải thành 125 vụ việc, đạt hơn 86%. Đến tháng 6, có 118/137 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Theo Báo Khánh Hòa