Tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian qua vẫn còn rất nhiều khó khăn mà các lực lượng đang phải đối mặt để giữ màu xanh của rừng.
Nạn phá rừng vẫn xảy ra
Ông Nguyễn Danh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cho biết: “Khánh Vĩnh hiện có hơn 106.233ha rừng và đất lâm nghiệp. Tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn xảy ra ở một số nơi. Các đối tượng còn phá rừng để khai thác khoáng sản. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 33 vụ vi phạm, tiến hành xử lý 28 vụ, tịch thu hơn 53,53m3 gỗ các loại, nộp ngân sách nhà nước 121 triệu đồng”.
Lâm sản cất giấu trái phép bị lực lượng chức năng tạm giữ.
|
Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương là 1 trong 2 đơn vị chủ rừng lớn trên địa bàn Khánh Vĩnh, được giao quản lý hơn 39.093ha rừng và đất rừng. Nguy cơ xâm hại rừng thuộc lâm phận công ty quản lý rất cao, bởi địa bàn rộng, lại giáp ranh với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Điều đáng nói, một bộ phận người dân địa phương vì nhu cầu cuộc sống nên thường xuyên vào rừng khai thác lâm sản phụ, săn bắt động vật; thậm chí còn tiếp tay cho lâm tặc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Rừng Vạn Ninh lại đứng trước những đe dọa nghiêm trọng về nạn khai thác gỗ trái phép khi nhu cầu gỗ làm lồng bè tăng vọt sau cơn bão số 12 năm 2017. Cao điểm có đến hàng trăm người vào rừng thượng nguồn Dốc Mỏ - Suối Hương khai thác, vận chuyển gỗ trái phép bằng xe gắn máy. Theo ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tuy công tác bảo vệ rừng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm, mức độ vi phạm ngày càng giảm, nhưng vẫn còn tình trạng khai thác gỗ trái phép để làm lồng bè. Một vấn đề khó khăn nữa là hiện nay, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn chủ yếu giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh quản lý, nhân lực bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng ít, trong khi các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ngày càng manh động, sẵn sàng chống đối khi bị bắt giữ. Đã có nhiều trường hợp cán bộ quản lý, bảo vệ rừng bị lâm tặc tấn công.
Tại thị xã Ninh Hòa, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép “nóng” lên thời gian gần đây. Đặc biệt là tại khu vực thượng nguồn hồ thủy điện Ea Krongrou, rừng căm xe Ninh Tây. Ông Trần Ngọc Dục - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho hay: “Nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng chủ yếu do hoạt động quản lý của các chủ rừng còn hạn chế. Bên cạnh đó, do thiếu đất canh tác nên người dân địa phương đã lấn, chiếm đất rừng; chuyển hóa từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp một cách tự phát…”.
Để giữ rừng tốt hơn
Từ thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng nhà nước, ông Lê Văn Trung - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương kiến nghị: “Cần tăng cường quyền hạn cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng; bổ sung quy định về trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho bảo vệ rừng chuyên trách. Bởi lực lượng này trực tiếp bảo vệ rừng từ gốc, thường xuyên đối mặt với các đối tượng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng”.
Ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa đề nghị: Phải có hình phạt thích đáng đối với các đối tượng phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Khi đã vượt qua mức độ xử lý vi phạm hành chính thì phải khởi tố một vài trường hợp điển hình; đưa về địa phương xử lý nhằm răn đe đối tượng khác, nhất là các trường hợp phá rừng căm xe Ninh Tây…
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 7 tháng qua, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 197 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Các lực lượng đã tiến hành xử lý 136 vụ vi phạm, tịch thu 360,056m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 1,32 tỷ đồng. |
Trong khi đó, lãnh đạo một số địa phương cho rằng cần tăng cường phối hợp giữa đơn vị chủ rừng, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là khu vực giáp ranh. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và truy quét trong rừng nhằm bảo vệ rừng từ gốc; xử lý nghiêm các vụ vi phạm, kiểm điểm, xử lý các chủ rừng, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý bảo vệ rừng…
Qua khảo sát công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa phương, ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị các địa phương cần nghiên cứu mô hình phù hợp để người dân tham gia bảo vệ rừng. Đặc biệt, phải tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; phát huy vai trò của kiểm lâm địa bàn trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ và phát triển rừng; xử lý dứt điểm các vi phạm hành chính trên lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, tránh để kéo dài. Bên cạnh đó, kết hợp công tác quản lý, bảo vệ rừng với việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hạn chế tình trạng người dân vào rừng khai thác lâm sản…
Theo Báo Khánh Hòa