Đây là một trong những đề xuất của nhiều đại biểu tại hội nghị góp ý 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa tổ chức.
Một số nội dung chưa phù hợp
Dự thảo sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức đưa ra 6 hình thức kỷ luật đối với công chức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Đại diện nhiều cơ quan cho rằng, để bảo đảm xử lý nghiêm đối với người giữ chức vụ có hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu về một nền hành chính trong sạch, liêm chính, đề xuất bỏ hình thức giáng chức. Điều này cũng phù hợp với quan điểm xây dựng vị trí việc làm, bởi nếu giáng chức từ cấp trưởng xuống cấp phó sẽ làm số lượng cấp phó vượt quá quy định.
|
Một số nội dung sửa đổi khác cũng chưa rõ ràng, chưa khả thi; ví dụ, “người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được”. Tiêu chí đánh giá một người có năng lực chuyên môn vượt trội… chưa rõ ràng. Nếu quy định được luật hóa, có thể dẫn đến mất đoàn kết, phe phái, cục bộ. Tương tự, về phương thức tuyển dụng, một trong các trường hợp tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được quy định là “sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ”. Quy định này chung chung, không xác định rõ tốt nghiệp loại hình trường đào tạo, nơi đào tạo (trong hay ngoài nước); thế nào là nhà khoa học trẻ.
Trong 2 phương án sửa đổi liên quan đến các loại hợp đồng làm việc, đa số ủng hộ phương án 2, quy định viên chức thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn chuyển sang hợp đồng không thời hạn.
Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nêu: “Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật. Trong trường hợp này, các luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác”. Đại diện các cơ quan đề nghị sửa thành “việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải căn cứ quy định của luật”, bởi luật này quy định để các cấp chính quyền địa phương thực hiện, không phải để ban hành luật.
Ngoài ra, quy định tên gọi “đơn vị bên trong” chưa đồng nhất với “cơ quan trực thuộc” nêu trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tổng số đại biểu HĐND quận quy định không quá 45 đại biểu, nhưng trường hợp cần bổ sung, lại quy định tổng số không quá 40 đại biểu. Khái niệm “cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động” được đề xuất sửa thành “cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động” để thống nhất giữa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương...
Đề nghị nghiên cứu thêm
Liên quan đến 2 dự thảo trên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm một số nội dung.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “Trường hợp một tập thể dân cư được di chuyển đến nơi khác thì đại biểu HĐND nào chuyển theo tập thể đó sẽ là đại biểu HĐND cấp tương đương và tiếp tục hoạt động ở đơn vị hành chính mới cho đến khi hết nhiệm kỳ”. Quy định này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, bởi “tập thể dân cư” có thể là toàn bộ dân cư hoặc một bộ phận dân cư tại đơn vị hành chính; “di chuyển đến nơi khác” có thể là chuyển đến cùng một địa bàn hoặc chuyển đến nhiều địa bàn khác nhau. Thực tế, có trường hợp, để thực hiện chính sách thu hồi đất của Nhà nước, toàn bộ dân cư của một tổ dân phố chuyển sang sinh sống tại 3 xã khác nhau; cùng chuyển theo tổ dân phố có 1 đại biểu HĐND cấp xã. Như vậy, vị đại biểu trên có được xem là di chuyển theo một tập thể dân cư đến nơi khác để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại biểu hay phải áp dụng Khoản 1 Điều 101 để xin thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND?
Để phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Đất đai hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018, đề nghị bỏ quy định về thẩm quyền của HĐND tỉnh “thông qua kế hoạch sử dụng đất của tỉnh trước khi trình Chính phủ phê duyệt”; “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trước khi trình Chính phủ phê duyệt” và bỏ quy định thẩm quyền của HĐND cấp huyện “thông qua kế hoạch sử dụng đất của huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”. Đồng thời, thay đổi thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh từ Chính phủ sang Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp các góp ý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10.
Theo Báo Khánh Hòa