Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tuy đã được chỉnh lý nhiều lần, nhưng tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý của HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý.
Xử lý tài sản liên quan đến tham nhũng
Đây là nội dung được góp ý nhiều nhất. Điều 57 dự thảo nêu 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc: một là chuyển tòa án xem xét, quyết định để bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc thu hồi tài sản, thu nhập đó; hai là chuyển cơ quan thuế để thu thuế thu nhập cá nhân. Việc thu thuế không loại trừ việc xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản nếu trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, vụ án hình sự chứng minh được tài sản do vi phạm pháp luật mà có.
Có ý kiến cho rằng, nếu lựa chọn phương án 1, tòa án sẽ gặp khó bởi không xác định được loại tranh chấp, khó xác định loại vụ việc, trách nhiệm: hình sự, dân sự hay hành chính; cần có văn bản quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành thì phán quyết của tòa án mới thi hành được. Trong khi đó, phương án 2 chưa bảo đảm đầy đủ quyền được bảo vệ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua thủ tục tố tụng tư pháp có tranh tụng công khai tại tòa án; có thể dẫn đến trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi trốn thuế. Ngoài ra, quy định về thuế suất 45% cũng cần được đánh giá đầy đủ, có mức thuế phù hợp hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, cả 2 phương án của Điều 57 đều chưa hợp lý, đề nghị nghiên cứu lại để đảm bảo tính hợp lý, hợp pháp và đồng bộ giữa dự thảo với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Nhiều nội dung còn rối
Các đại biểu cũng góp ý, tuy dự thảo có phần giải thích từ ngữ nhưng một số khái niệm trong dự thảo vẫn không rõ. Ví dụ, dự thảo không làm rõ như thế nào là kê khai tài sản không trung thực. Nội dung này cần nêu rõ trong phần giải thích từ ngữ vì dễ dẫn đến áp đặt chủ quan, suy diễn khi áp dụng luật sau này. Chương III Mục 5 quy định về xử lý tài sản không giải trình được hợp lý nguồn gốc cũng không quy định rõ thế nào là hợp lý.
Về quy định chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, Điều 26 dự thảo quy định thời hạn chuyển đổi định kỳ từ đủ 2 năm đến 5 năm. Theo ý kiến của đại diện Công an tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh, quy định này chưa hợp lý, bởi thực tế có nhiều ngành, công việc có tính chất chuyên sâu, cần thời gian nhất định để tiếp cận, tìm hiểu; nếu liên tục chuyển đổi thì không có hiệu quả. Ví dụ, đối với lực lượng công an, nếu cảnh sát khu vực cứ 2 năm lại chuyển đổi công việc thì không thể nắm chắc được nhân khẩu thuộc địa bàn quản lý. Một điều tra viên, trinh sát viên có kinh nghiệm cần tối thiểu 5 năm. Nếu 2 năm đã chuyển đổi công việc thì không thể nắm chắc được đối tượng.
Về đối tượng kê khai tài sản, có ý kiến nêu, dự thảo quy định đối tượng kê khai là cán bộ, công chức chưa hợp lý, bởi quy định mở rộng tới công chức sẽ tạo áp lực rất lớn với cơ quan nhận bản kê khai. Ngoài ra, tuy quy định mở rộng nhưng lại vẫn bỏ sót đối tượng viên chức. Trong khi đó, quy định con chưa thành niên của người giữ chức vụ phải kê khai tài sản cũng không đầy đủ, vì con thành niên cũng có khả năng cao là người nhận tài sản tham nhũng. Ý kiến khác cũng cho rằng, sử dụng từ “có thể” trong Khoản 3 Điều 56: “Người đã được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì có thể xin từ chức…” là không nên vì đây là quy định dạng thỏa hiệp với người vi phạm, không phù hợp khi xây dựng pháp luật…
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có 11 chương, 96 điều, dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối tháng 10.
Theo Báo Khánh Hòa