Vào buổi sáng mùa thu lịch sử cách đây 74 năm, trước cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và nhân dân thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Có thể khẳng định, Cách mạng Tháng Tám thành công, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của quân và dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra kỷ nguyên mới, bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.
Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liêu.
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á là dấu mốc chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân Việt Nam phải chịu đựng dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ kiếp nô lệ trở thành người dân một nước tự do, độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Việt Nam từ nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước hòa bình, độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trở thành đảng cầm quyền. Đất nước và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
74 năm qua là chặng đường kiên trì, bền bỉ phấn đấu hy sinh vượt qua nhiều thử thách, cam go ác liệt. Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, đặc biệt, trải qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất-kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH, tạo ra môi trường thu hút mọi nguồn lực cho sự phát triển... Đất nước ta ngày nay đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần.
Nhờ kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế mà tầm vóc và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đến đầu năm 2019, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước... Ngoài ra, Việt Nam còn đóng góp tích cực trong nhiều diễn đàn đa phương và được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Đặc biệt mới đây, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu gần như tuyệt đối. Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế tín nhiệm lựa chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng mang tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay, chúng ta đã gặt hái được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu ấy là minh chứng hùng hồn đầy sức thuyết phục cho vị thế và giá trị đích thực của hòa bình, tự do, độc lập mà Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đem lại. Bất cứ người Việt Nam yêu nước chân chính nào cũng nhận thấy giá trị cao quý, thiêng liêng và rất đỗi tự hào trước những thành quả mà cách mạng đem tới.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta đang đối diện với không ít khó khăn, trở ngại, hạn chế, yếu kém; cùng nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm khác đang đặt ra cần phải giải quyết để đưa đất nước phát triển bền vững. Cùng với đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, của những kẻ phản động, cơ hội quay lưng với đất nước. Trong khi chúng ta tự hào, hân hoan trước những thành tựu đã đạt được, trước sự phát triển của đất nước thì các thế lực thù địch, những kẻ phản động, cơ hội chính trị lại tỏ ra hậm hực, tức tối. Chúng tìm mọi mưu hèn, kế bẩn để chống phá, cản trở sự phát triển, phá hoại sự bình yên của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta càng đạt được nhiều thành tựu thì chúng càng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, với cấp độ ngày càng nguy hiểm, quyết liệt. Chúng thường xuyên bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ những giá trị tinh thần, niềm tự hào lớn lao của dân tộc, phủ nhận ý nghĩa thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do đối với nhân dân ta, hướng lái làm cho giới trẻ mơ hồ nhận thức. Đặc biệt, chúng coi phá hoại về tư tưởng, văn hóa là “mũi đột phá”, mưu toan làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, từ đó từng bước chuyển hóa tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng XHCN trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Ngay khi chúng ta đang sống giữa những ngày hào hùng, sôi nổi kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 thì đây đó, các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội vẫn lợi dụng diễn biến phức tạp ở Biển Đông, mang danh "lòng yêu nước", "tình yêu Tổ quốc"... để tuyên truyền xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; kêu gọi, kích động người dân tụ tập gây rối, chống đối chính quyền. Bằng đủ mọi chiêu thức, chúng tuyên truyền bóp méo, xuyên tạc, hòng phủ nhận những thành quả mà nhân dân Việt Nam phải bằng bao công sức, mồ hôi, xương máu mới giành được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực chất của những âm mưu, thủ đoạn ấy là nhằm phủ nhận giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; phủ nhận giá trị đích thực của hòa bình, tự do, độc lập mà Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đem lại; và xét cho đến cùng vẫn là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là không thể phủ nhận. Thời gian càng lùi xa thì tầm vóc, vị thế và giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 ngày càng tỏa sáng. “Ôn cố tri tân” vừa là đạo lý, vừa là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nhiệm vụ giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc trong xu thế hội nhập là yêu cầu tất yếu, là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách với chúng ta.
Muốn thực hiện được điều đó, trước hết chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục truyền thống dân tộc, những trang sử cách mạng hào hùng cho nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Chỉ có hiểu đúng, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc, trong đó có ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng ta mới thấy hết công lao của các thế hệ đi trước, từ đó ý thức rõ ràng và đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trong giữ gìn và phát huy. Mặt khác, càng hiểu về giá trị, ý nghĩa của chiến thắng, mỗi người chúng ta càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau, kiên quyết vạch trần, đấu tranh, làm thất bại những âm mưu, luận điệu xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ cho tồn tại những hành động ngang nhiên chà đạp lên khát vọng của dân tộc Việt Nam, chà đạp lên xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bảo vệ, giữ gìn giá trị lịch sử truyền thống dân tộc nói chung; ý nghĩa, giá trị của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 nói riêng là cơ sở nền tảng để toàn dân, toàn quân ta tiếp tục chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Theo Qdnd.vn