Kỳ 1: Khi đồi núi thành… biệt thự
Khắp Nha Trang, từ núi Chín Khúc ở xã Vĩnh Thái đến núi Cô Tiên ở phường Vĩnh Hòa, hay núi Hòn Rớ ở xã Phước Đồng đều có các dự án đang rầm rộ triển khai. Việc vội vàng tận thu đất, xây dựng không đảm bảo an toàn của các dự án này đang trở thành mối họa khôn lường cho khu dân cư (KDC) phía dưới.
Tràn lan dự án trên núi
Sau khi dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú (thuộc núi Cô Tiên, phường Vĩnh Hòa) sạt lở khiến cả gia đình 4 người của một thầy giáo chết thảm trong sáng 18-11, dư luận đặt câu hỏi: còn những dự án nào trên đồi núi đang uy hiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân?
|
Chúng tôi cố gắng liên hệ với các cơ quan chức năng từ Sở Xây dựng đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), nhưng không nơi nào có câu trả lời về số lượng chính xác các dự án được cấp trên núi, đồi ở TP. Nha Trang. Tại núi Hòn Rớ, dự án Haborizon Nha Trang được UBND tỉnh cấp cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thế giới xanh làm chủ đầu tư với diện tích 24,3ha. Theo các giấy phép mà UBND tỉnh cấp, trong giai đoạn 1 (hơn 10ha), dự án sẽ cung cấp ra thị trường 429 lô biệt thự mini. Theo tìm hiểu của phóng viên, tuy dự án chưa có giấy phép xây dựng, chưa được phép bán đất nền nhưng chủ đầu tư đã bán hết sạch 429 lô biệt thự dưới dạng “Hợp đồng chuyển nhượng có điều kiện quyền sử dụng đất trong tương lai”. Nằm gần dự án Haborizon là Dự án Khu biệt thự Nha Trang Sea Park có tổng diện tích 7,7ha. Dự án này được UBND tỉnh giao cho HUD Nha Trang làm chủ đầu tư đầu tháng 2-2010, với mục tiêu xây dựng 51 nhà ở biệt thự đơn lập. Hiện nay, dự án đang triển khai để bàn giao cho khách hàng.
Tại khu vực núi Cô Tiên, theo thống kê sơ bộ từ Sở KH-ĐT, đến nay đã có gần 20 dự án được thỏa thuận địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép xây dựng. Có thể kể đến: KDC Hồ Vĩnh Hòa có diện tích 12,48ha; Khu biệt thự Incomex rộng 32ha; Khu biệt thự Đường Đệ rộng 2,66ha; Khu biệt thự Kim Vân Thủy rộng gần 2ha; Khu biệt thự sinh thái vườn đồi Bãi Tiên rộng hơn 3ha; Khu Liên hợp biệt thự sinh thái, dịch vụ du lịch và công viên bãi tắm rộng 32,28ha; Khu đô thị mới Green Hill Villas rộng 49,5ha… Hầu hết các dự án đều có mục tiêu làm nhà ở, phân lô bán nền; trong đó có những dự án chỉ rộng 2 - 3ha nhưng vẫn được cấp phép. Đến nay, một số dự án đang triển khai, chặt cây, đào núi.
Nhiều người thắc mắc không biết dự án nào triển khai ở núi Chín Khúc mà khu vực này đã bị cạo trọc gần hết. Đứng từ góc nào ở TP. Nha Trang cũng có thể nhìn thấy ngọn núi đã chuyển dần từ màu xanh sang màu trắng. Chúng tôi liên hệ với Sở KH-ĐT và chỉ được cung cấp thông tin ở khu vực này có một số dự án đang triển khai.
Tận thu đất núi
Theo quan sát của chúng tôi, dự án Haborizon Nha Trang đã ủi cây, xẻ núi làm đường từ năm 2017. Cả một vùng rộng lớn hàng nghìn m2 đã bị san ủi, làm đường. Trong một thời gian dài xe chở đất ra khỏi dự án để bán cho các dự án khu đô thị phía tây Nha Trang san lấp mặt bằng. Trong buổi kiểm tra từ cuối tháng 10-2018, đích thân ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng chất vấn chỉ huy công trình ở dự án này về thủ tục pháp lý của dự án. Đại diện Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thế giới xanh thừa nhận dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng. Ông Dẽ nói: “Đầu tư hạ tầng phải có thiết kế cơ sở, có bản vẽ thi công để cấp giấy phép xây dựng. Đề nghị chủ đầu tư ngừng thi công và khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm đó, chính Sở Xây dựng cũng không nắm được hồ sơ pháp lý của dự án này. Ngày 19-1-2018, Sở KH-ĐT mới cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhưng từ ngày 21-3-2017, UBND tỉnh đã có văn bản cho phép Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thế giới xanh thực hiện thu hồi khoáng sản để triển khai công tác san nền, chuẩn bị mặt bằng thực hiện dự án. Ngày 10-4-2018, UBND tỉnh có biên bản xác nhận tổng khối lượng đất đá làm vật liệu san lấp thu hồi, vận chuyển ra khỏi khu vực dự án là 329.000m3, công suất thu hồi 95.000m3/tháng, thời gian thu hồi đến ngày 31-7-2018 là hết hạn.
Trong khi đó, tại khu vực núi Chín Khúc có 2 dự án cũng đang đào núi, làm đường, tận thu đất núi. Vào khu Đất Lành (xã Vĩnh Thái) trong những ngày mưa của cơn bão số 8 và số 9 mới thấy hết nỗi thống khổ của người dân. Trong cơn bão số 8, lượng mưa lớn khiến nước từ núi Chín Khúc kèm theo đất, đá tràn ngập KDC này. Các lối đi trong KDC đều bị ngập đất sau khi nước đã rút đi. Nhiều nhà dân bị đất tràn vào. Ngay sau đó, các chủ đầu tư dự án tại núi Chín Khúc đã huy động máy móc và nhân công khẩn trương dọn dẹp đất, nhưng mới chỉ giải quyết được một phần thì bão số 9 ập tới. Ông Hoàng Thành (thôn Đất Lành) cho biết, ông đã sống hơn 30 năm ở đây nhưng chưa từng chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đến thế. Nước đục ngầu từ trên núi chảy xuống như một cơn lũ. Đường đi phần bị ngập, phần bị phá hỏng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
“Khoảng 3 năm nay, các dự án triển khai trên núi khiến cây cối bị cạo trọc, khi mưa lớn nước chảy thẳng xuống mang theo đất, đá rất nguy hiểm”, ông Thành nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong cơn bão số 8 và số 9 vừa qua, KDC phía dưới hai dự án Haborizon Nha Trang và Khu biệt thự Nha Trang Sea Park cũng phải chịu cảnh tương tự. Do lượng nước từ khu vực dự án đổ xuống quá lớn đã làm đường ngập, nhiều ngôi nhà hư hỏng.
VĂN KỲ - ĐÌNH LÂM
Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh: Tôi đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, kiểm soát lại các dự án được cấp trên núi, đồi. Mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu tất cả các dự án trên núi Cô Tiên phải tạm ngừng triển khai để thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch 1/2000. Khu vực núi Cù Hin cũng đã được UBND tỉnh giao đơn vị tư vấn lập quy hoạch 1/2000 nhằm tránh tình trạng phát triển dự án tràn lan như thời gian qua.
|
Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng: Theo quy định, các dự án phát triển du lịch có mật độ xây dựng tối đa là 25%, chưa kể làm đường giao thông. Ở Nha Trang, thử thống kê xem có đến 100 dự án trên đồi núi không? Nếu làm một phép tính thì chúng ta đang mất bao nhiêu diện tích đất rừng, trong đó nghiêm trọng nhất là xâm phạm cả rừng phòng hộ. Nhiều dự án có độ cao đến 300m, độ dốc đến 60%. Hầu hết các dự án này không nằm trong quy hoạch đất để phát triển đô thị. Kết cấu bề mặt rừng núi đã ổn định hàng trăm năm, hiện nay bị chặt cây, đào bới, mở đường dọc, ngang chằng chịt khiến các mối liên kết bị phá vỡ. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không tìm ra giải pháp để ngăn chặn thì tương lai sạt lở, lũ lụt còn khủng khiếp hơn. UBND tỉnh cần nghiêm túc xem lại vấn đề này nếu không muốn thảm họa cho TP. Nha Trang.
Kỳ 2: giải pháp nào cho khu dân cư tự phát?
Theo Báo Khánh Hòa